Quan điểm chuyên gia: Đã mắc viêm gan B thì không nên tiêm phòng

Xét nghiệm HBsAg dương tính (+) là trường hợp rất hay gặp.

Câu hỏi: Thưa Bác sĩ em năm nay 24 tuổi đi khám được biết là nhiễm viêm gan siêu vi B. Giờ muốn phòng ngừa được không? Nếu được thì làm như thế nào còn không thì điều trị ra sao? Xin cảm ơn Bác sĩ

Trả lời:

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai-Thạc sĩ y tế công cộng, bác sĩ đa khoa-Bộ Y tế, cho biết

Bệnh viêm gan B là bệnh do vi-rút gây nên. vi-rút viêm gan có nhiều type khác nhau: A, B, C, D, E,…và mỗi loại vi-rút có đường lây truyền bệnh và tiên lượng bệnh khác nhau. vi-rút viêm gan B lây truyền qua đường máu, đường quan hệ tình dục và qua đường tiêm truyền.

Vấn đề tiêm phòng viêm gan B chỉ đặt ra khi cơ thể em chưa tiếp xúc với vi-rút viêm gan B. Đó chính là lý do tại sao khi đi tiêm phòng viêm gan B, nhân viên y tế luôn xét nghiệm máu để kiểm tra xem đã miễn dịch với vi-rút viêm gan B hay chưa. Trường hợp của em đã bị nhiễm vi-rút viêm gan B nên không đặt ra vấn đề tiêm phòng nữa mà vấn đề cần phải xem xét là điều trị như nào và có điều trị khỏi hẳn được hay không và biến chứng ra sao.

Chẩn đoán viêm gan B cần phải dựa vào xét nghiệm HbsAg là xét nghiệm tìm kháng nguyên của vi-rút viêm gan B trong máu. Nếu HbsAg dương tính có nghĩa là em đang bị nhiễm vi-rút viêm gan B. Bệnh viêm gan B gồm có 2 dạng: viêm gan B cấp tính và viêm gan B mạn tính, có hướng điều trị và tiên lượng bệnh khác nhau.

Đối với bệnh viêm gan B cấp tính, nếu được điều trị sớm và kịp thời thì bệnh có thể khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng gì. Khi bệnh viêm gan B đã chuyển sang mạn tính thì không thể điều trị khỏi hoàn toàn được mà sẽ có những đợt bệnh tiến triển và lui bệnh khi được điều trị. Về sau bệnh có thể tiến triển gây xơ gan hoặc nặng hơn có thể gây ung thư gan

Để chẩn đoán viêm gan B cấp tính hay mạn tính cần phải làm xét nghiệm HbsAg hai lần cách nhau ít nhất 6 tháng. Nếu cả 2 lần HbsAg đều dương tính tức là em đang bị viêm gan B mạn tính. Nếu lần đầu dương tính nhưng lần sau âm tính tức là viêm gan B cấp tính và đã được điều trị khỏi hoàn toàn.

Khi vi-rút viêm gan B xâm nhập vào cơ thể và nhân lên sẽ gây tổn thương tế bào gan làm tăng men gan và biểu hiện vàng mắt vàng da người mệt mỏi ăn uống kém. Triệu chứng có thể nhẹ thoáng qua mà người bệnh không để ý hoặc có thể biểu hiện triệu chứng rầm rộ làm cho người bệnh phải đi khám ngay, tùy thuộc vào từng mức độ tổn thương tế bào gan và sức đề kháng của mỗi người.

Vì vậy, điều trị bệnh viêm gan B gồm hai phần là điều trị kháng vi-rút và điều trị triệu chứng: điều trị tăng men gan bổ gan, và các bệnh lý khác đi kèm,…

Vì vậy, em cần đi khám chuyên khoa tiêu hóa để bác sĩ thăm khám, làm xét nghiệm để chẩn đoán thể bệnh, tư vấn và điều trị cho em.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật