Cẩn trọng, con to là một “cái bẫy” trong sinh sản với mẹ bầu

PGS.TS. Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng Khoa sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM, đã cho biết như vậy khi nói về những bà mẹ thích thai nhi có cân nặng và nghĩ đó là thước đo mức độ khỏe mạnh của thai kỳ. Tuy nhiên, đây lại là một “cái bẫy” ở những bà mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK).

Không kiểm soát tốt sẽ dẫn đến kết cục xấu

Gọi là ĐTĐTK khi có bất kỳ tình trạng rối loạn dung nạp glucose nào phát hiện trong thai kỳ ĐTĐ chẩn đoán trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc ba của thai kỳ, loại trừ các trường hợp ĐTĐ type I hoặc type II.

Ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới hiện có hơn 346 triệu người mắc ĐTĐ. Cùng với bệnh lý tim mạch, tâm thần, ĐTĐ đang tăng lên trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Theo WHO, năm 1985 có khoảng 30 triệu người, năm 2004 có khoảng 98,9 triệu người, năm 2012 lên tới 243 triệu người mắc ĐTĐ trên toàn cầu, và năm 2030 con số này có khả năng tăng gấp đôi nếu không có biện pháp can thiệp. Gần 80% các trường hợp tử vong do ĐTĐ là ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

Riêng ĐTĐTK là một rối loạn chuyển hóa thường gặp, tỉ lệ ghi nhận thay đổi từ 2 - 20% trong thai kỳ, tùy theo các yếu tố nguy cơ đi kèm. Bệnh đang có khuynh hướng gia tăng nhanh trên toàn thế giới. Tại khu vực châu Á, Jane Hirst (Úc) năm 2011 ghi nhận ĐTĐTK gia tăng nhanh ở Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Thái Lan, Hồng Kông và Sri Lanka trong 20 năm gần đây.Tỉ lệ ĐTĐTK tại Việt Nam thay đổi nhưng có xu hướng gia tăng rõ rệt... Một số khảo sát điển hình như: theo BS. Đoàn Hữu Hậu (BV. Nhân dân Gia Định) năm 1997 ghi nhận là 2,1%. Năm 1997 - 1999, BS. Ngô Thị Kim Phụng ghi nhận trên 827 thai phụ tại quận 4 TP.HCM, tỉ lệ ĐTĐTK là 3,9%. Tại BV. Phụ Sản Trung Ương và Phụ Sản Hà Nội Tạ Văn Bình và cộng sự tầm soát đại trà, ghi nhận ĐTĐTK là 5,7% (2002 -  2004). Tỉ lệ bệnh được báo cáo là 4,6% theo nghiên cứu năm 2006 - 2007 của tác giả Dương Mộng Thu Hà (BV. Nguyễn Tri Phương) bệnh viện Hùng Vương TP.HCM ghi nhận năm 2015, tỷ lệ này là 9,3%.

Theo PGS.TS. Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, ĐTĐTK nếu không kiểm soát tốt có thể dẫn đến các kết cục xấu trong thai kỳ, liên quan đến việc gia tăng bệnh suất và tử suất ở cả thai phụ và thai nhi

Ở mẹ: tăng tỉ lệ mổ sanh do con to, tăng tỉ lệ tiền sản giậtsản giật tăng tỉ lệ băng huyết sau sanh do sanh khó vì con to là những tai biến sản khoa gây tử vong mẹ. Đặc biệt, nguy cơ biến cố cho mẹ, thai và kết cục trẻ sơ sinh tăng liên tục với tăng đường huyết của mẹ lúc thai 24 - 28 tuần, ngay cả trong ngưỡng trước đó được xem là bình thường trong thai kỳ.

Ở con: ĐTĐTK là một trong những nguyên nhân gây đột tửthai nhi tăng tỉ lệ sang chấn sản khoa như: kẹt vai gãy xương đòn do con to hay thai suy trong chuyển dạ suy hô hấp sau sanh do phổi thiếu surfactant, góp phần làm gia tăng tỉ lệ tử vong và bệnh tật chu sinh. Ngoài ra các trẻ, con của các bà mẹ ĐTĐTK có nguy cơ ĐTĐ về sau, cũng như tăng nguy cơ béo phì và ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ.

Do đó việc phát hiện, theo dõi và điều trị ĐTĐTK là một nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế nói chung và ngành Sản khoa nói riêng.

Đừng bỏ rơi các bà mẹ sau sanh

BS.CKII. Huỳnh Xuân Nghiêm, Phó Giám đốc BV. Hùng Vương, nhận định: “Đừng nghĩ ĐTĐTK sẽ biến mất trong hầu hết các trường hợp. Nguy cơ ĐTĐ type II sau sanh cũng tăng cao ở các thai phụ ĐTĐTK. Do đó, đừng bỏ rơi các bà mẹ mắc ĐTĐTK sau sanh mà phải theo dõi và tiếp tục điều trị”. Nghiên cứu ngẫu nhiên đối với các bà mẹ sau sanh từ 6 - 12 tuần tại BV. Hùng Vương cho thấy, có khoảng 7,7% tỉ lệ mắc ĐTĐTK vẫn còn bệnh. Vì vậy, nếu tăng đường huyết ở ngày thứ hai sau sanh, nên bắt đầu điều trị. Do các thai phụ bị ĐTĐTK có nguy cơ cao mắc ĐTĐ type II, một nghiệm pháp dung nạp đường huyết được thực hiện 6 - 12 tuần sau sanh và tiếp tục tầm soát bệnh ĐTĐ hay tiền ĐTĐ ít nhất mỗi 2 năm.

Đối với các thai phụ mắc ĐTĐTK, PGS.TS. Huỳnh Nguyễn Khánh Trang cho biết, cũng đừng quá lo lắng vì đa số các nghiên cứu cho thấy việc phát hiện và quản lý tốt mức đường trong máu giúp cải thiện kết cục thai kỳ. Bệnh nhân ĐTĐTK nhẹ có thể kiểm soát  được bằng thay đổi lối sống đơn thuần. Và việc điều trị bệnh nhân ĐTĐTK được thực hiện ngay khi phát hiện: tiết chế dinh dưỡng phối hợp với sinh hoạt hợp lý là chiến lược đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả nhất, tới 80 - 90%. Khoa dinh dưỡng BV. Hùng Vương đã xây dựng được khẩu phần ăn cho bệnh nhân ĐTĐTK với những món ăn thuần nét Việt Nam nên giúp cho người bệnh dễ dàng tuân thủ điều trị. Các thai phụ cũng lưu ý vận động bằng việc tham gia một số hoạt động thể thao tốt cho bà bầu như: đi bộ 15 - 30 phút/mỗi ngày; bơi lội; Yoga cho bà bầu; các bài tập nhẹ cho bà bầu… Khoảng 10 - 20% bệnh nhân không đáp ứng với chế độ dinh dưỡng tiết chế tại nhà, cần nhập viện. Các bác sĩ và nữ hộ sinh khoa sản bệnh tại BV. Hùng Vương cũng đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc điều trị insulin cho bệnh nhân.

TS.BS. Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc bệnh viện phụ sản Hùng Vương, cho biết: “Để ra đời được Đơn vị quản lý ĐTĐTK vào tháng 4 vừa qua, BV đã thai nghén từ hơn 15 năm nay với nhiều nghiên cứu về ĐTĐTK đã được tiến hành; nhiều khảo sát, tầm soát ĐTĐ trong thai kỳ được thực hiện trong khám thai tại BV. Với mô hình sàng lọc, chẩn đoán và điều trị cho các sản phụ ĐTĐTK ngay tại một bệnh viện sản khoa đã mang đến tính hiệu quả, sự an toàn, sự thuận tiện cho người bệnh rất lớn, tránh phải đi lòng vòng nhiều nơi khi vừa khám thai, vừa điều trị ĐTĐ và nhất là tâm lý người bệnh được ổn định”. Các hoạt động của Đơn vị quản lý ĐTĐTK bao gồm:

- Sàng lọc và chẩn đoán ĐTĐ trong thai kỳ

- Tư vấn, hướng dẫn và theo dõi điều trị bệnh nhân bằng tiết chế dinh dưỡng tại nhà.

- Cung cấp phương tiện và tư vấn, hướng dẫn người bệnh cách tự theo dõi đường huyết tại nhà

- Điều trị insulin nếu cần

- Theo dõi và quản lý thai nghén để “khai hoa nở nhụy” an lành.

“Với một hoạt động chuyên biệt này, BV. Hùng Vương mong muốn sẽ cùng với ngành y tế TP.HCM nói chung và ngành Sản Phụ khoa nói riêng chung tay làm giảm tử vong và bệnh tật mẹ và sơ sinh mang hạnh phúc đến cho mọi gia đình”, TS.BS. Hoàng Thị Diễm Tuyết chia sẻ.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật