Những lưu ý trong tập luyện đối với bệnh nhân tim mạch

Không nên chọn những môn đòi hỏi cường độ vận động nặng hoặc có tính ganh đua như tập tạ, bóng đá, leo núi...

1. Tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi quyết định chọn một môn thể thao

Những môn thể thao thích hợp cho bệnh nhân tim là đi bộ, chạy chậm, đạp xe, bơi, các môn khí công dưỡng sinh Với những môn này, bệnh nhân dễ dàng tự điều chỉnh cường độ tập theo ý mình. Không nên chọn những môn đòi hỏi cường độ vận động nặng hoặc có tính ganh đua như tập tạ, bóng đá, leo núi...

Ngoài ra, cần thông tin thường xuyên với bác sĩ để bác sĩ nắm được toàn bộ quá trình tập luyện của bệnh nhân và có tư vấn kịp thời.

2. Tập theo nguyên tắc vừa sức, tăng dần và thường xuyên

Trước khi tập, cần khởi động để làm nóng cơ thể, kích thích hệ tim mạch tăng cường làm việc nhằm chuẩn bị cho giai đoạn vận động sắp tới, tránh sự gắng sức đột ngột. Ban đầu, chỉ nên tập một ít rồi tăng dần khối lượng vận động mỗi ngày. Ví dụ: Bắt đầu bằng đi bộ ngắn rồi tăng dần khoảng cách; đến khi đã quen thì nên đi bộ xen kẽ với chạy chậm (nếu cơ thể chịu đựng được). Việc tập luyện phải được duy trì đều đặn thì mới có hiệu quả. Nên tạo thói quen tập luyện để nó trở thành một thú vui không thể thiếu được khi bắt đầu một ngày mới.

3. Thường xuyên theo dõi nhịp tim bằng cách bắt mạch để biết mức độ vận động đang tiến hành có hiệu quả và an toàn không

Cách làm: Lấy 220 trừ đi số tuổi, nhân với 60% và 80% (giới hạn hoạt động của tim được coi là tốt nhất), sẽ được giới hạn nhịp tim cần đạt tới khi tập luyện. Với người 50 tuổi, nhịp tim khi tập luyện nên ở trong mức giới hạn là 102 và 136 nhịp/phút. Nếu nhịp tim dưới mức 102 nhịp/phút nghĩa là việc tập luyện chưa đạt hiệu quả, cần tăng cường độ lên một chút. Còn nếu tim đập trên 136 nhịp/phút là đã tập quá mức, phải giảm cường độ.

Để bắt mạch trong một phút, hãy đặt ngón trỏ và giữa lên cổ tay bên đối diện, chỗ ngay dưới xương bàn ngón tay cái, đếm số lần mạch đập trong 15 giây, nhân với 4.

Khi đang tập, nếu bệnh nhân vẫn có thể nói chuyện thoải mái thì chắc chắn mức độ hoạt động vẫn ở trong giới hạn an toàn.

4. Bù đủ lượng nước mất đi trong quá trình tập do ra mồ hôi

Cứ sau 20 phút tập, nên nghỉ uống nước 1 lần.

5. Tập xong, nên thư giãn để cơ thể chuyển dần về trạng thái bình thường, không nên dừng đột ngột

Ví dụ: Khi đang chạy, nếu muốn nghỉ thì nên chạy chậm dần, rồi chuyển sang đi bộ.

Có thể thực hiện các bài tập thư giãn như thở bụng: Ngồi thả lỏng cơ bắp trên ghế đẩu, lưng thẳng, hai tay để trên đùi, mắt khép hờ tinh thần thật thoải mái. Hít vào từ từ, bụng phình ra; sau khi hít vào tối đa, giữ hơi nín thở vài giây. Từ từ thở ra hết, bụng thót dần, ngừng thở vài giây.

 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật