Cảnh giác với bệnh "buồn nôn khi nằm" có thể biến chứng gây ung thư

“Chúng tôi không sao hiểu nổi mẹ tôi mắc phải bệnh lạ gì, bởi gia đình nghi bệnh gì là khám ra bệnh đó nhưng chữa mãi mà không dứt!"

Cứ ăn vào là lại… trào ra 

Bà Phạm Thị V. (47 tuổi, ngụ khóm Tân Thạnh, phường 2, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) suốt 4 năm qua phải chịu đựng một căn bệnh kỳ lạ khiến cơ thể bà luôn thấy đau đớn, không ăn ngủ được. Nếu bà cố ăn vào thì khi nằm xuống thức ăn sẽ trào ngược ra. Bà đã được gia đình đưa đi khám tại rất nhiều bệnh viện lớn nhưng các bác sĩ không tìm ra được nguyên nhân phát sinh bệnh nên không chữa dứt hẳn được.

Bà Phạm Thị V. đang được các bác sĩ tiến hành gây mê chuẩn bị ca phẫu thuật

Bà Phạm Thị V. đang được các bác sĩ tiến hành gây mê chuẩn bị ca phẫu thuật

Ông Võ Văn V. (49 tuổi, chồng bà V.) cho biết: “Hàng ngày nhà tôi ăn uống rất kỹ càng, thức ăn được các con chọn lựa từ các cửa hàng rất uy tín trong vùng. Với lại miền Tây sông nước, cá mắm, rau củ rất tươi, ít độc hại… mà không hiểu sao vợ bị bệnh nặng vậy, lại liên quan rất lớn đến vấn đề ăn uống.

Từ khi mắc bệnh đến nay, không lúc nào tôi thấy bà ấy được yên ổn trong người. Suốt ngày bà ấy cứ than đau, ban đêm thì không ngủ được do nước và thức ăn cứ trào ngược ra ngoài. Muốn ngủ, bà ấy phải chêm 3 cái gối cùng lúc, có khi phải… ngủ ngồi”. 

Ông V. nói thêm, vợ ông bệnh từ đầu năm 2012. Những ngày đầu bà bị nôn ói, có cảm giác đau tức vùng ngực đau bao tử, không ăn uống nổi… Ban đầu, người nhà nghĩ bà bị bệnh hạch cổ. “Mình nghĩ bà ấy bị hạch cổ nên đưa vào Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ khám. Bác sĩ cho biết, bà ấy đúng là bị hạch cổ thật. Gia đình cứ tưởng chữa hạch xong là bệnh cũng dứt luôn, ai ngờ…”, ông V. chia sẻ. 

Sau khi chữa hết hạch cổ một thời gian ngắn, các triệu chứng trước đây lại tiếp tục hành hạ bà V. Lúc này, gia đình lại nghĩ đến việc bà bị đau bao tử nặng, do một thời gian dài không ăn uống gì được. Cả nhà lại đưa bà lên các bệnh viện lớn ở Cần Thơ thăm khám. Cũng y như “phán đoán” của người nhà, lần này các bác sĩ chẩn đoán bà V. bị  viêm loét bao tử nặng. 

Bà V. được điều trị hơn 6 tháng. Trong giai đoạn thuốc trị này gia đình nhận định sức khỏe bà V. có phần tiến triển tích cực. Nghĩ rằng đã đi đúng hướng nên gia đình cứ thế cho bà uống thuốc bao tử. Tuy nhiên, bà V. uống thuốc thì bớt đau đớn. Còn bà dừng thuốc các triệu chứng cũ như đau tức ngực nôn nghẹn, ăn uống không được khó nuốt trào thức ăn… lại kéo về mỗi lúc một nhiều hơn.

Chị N. (con bà V.) chia sẻ: “Chúng tôi cũng không sao hiểu nổi mẹ tôi mắc phải bệnh lạ gì, bởi gia đình nghi bệnh gì là khám ra bệnh đó nhưng chữa mãi mà không dứt! Hàng ngày nhìn mẹ ăn uống ít, tôi rất xót xa. Chỉ 1 chén cơm hoặc cháo bình thường mà mẹ mất gần 1 tiếng đồng hồ mới ăn xong. Mẹ ăn rất ít, nhai rất lâu và kỹ, thức ăn chúng tôi cũng chọn và nấu rất kỹ theo lời dặn bác sĩ nhưng năm này qua năm khác chẳng có chút tiến triển”.

Và khổ nhất là người trong vùng cứ không ngớt xì xào bàn tán. Một số người độc mồm độc miệng còn tung tin rằng, có lẽ do hồi còn trẻ bà V. quá ham làm giàu, tham lam mà không coi trọng đức độ nên bị quả báo. Để giờ, bà có của ăn của để nhưng trời phạt, khiến bà chỉ có thể ngồi… ngó đồ ăn thức uống thơm ngon mà không thể nuốt vào bụng. 

4 năm mới tìm ra bệnh 

Sau nhiều năm chữa trị ở các bệnh viện lớn trong tỉnh mà không có kết quả, gia đình quyết định “vượt tuyến”, đưa bà V. lên bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khám. “Lúc này người ta mới phát hiện ra là vợ tôi bị co thắt tâm vị”, ông V. cho biết. 

Thực ra co thắt tâm vị không phải căn bệnh lạ. Nhưng điều nguy hiểm của bệnh này là bác sĩ thiếu kinh nghiệm rất khó chẩn đoán ra và bệnh nhân có thể bị tử vong đột ngột do phản xạ tim mạch, hoặc do ngạt thở vì trào ngược thức ăn vào khí quản.

Nhiều bệnh nhân phải ngủ ở tư thế nửa nằm nửa ngồi vì khi chuyển từ tư thế ngồi sang nằm thường gây nôn ọe nhiều. Ở giai đoạn muộn và không được điều trị tốt, bệnh nhân có thể chết vì suy dinh dưỡng  

Ông V. chia sẻ: “Xét ra đúng bệnh, cả nhà ai nấy cũng vui mừng. Nhưng nhìn lại các chi phí điều trị, chúng tôi rất chán nản. Ở bệnh viện tính toán phẫu thuật nội soi mất gần 25 triệu đồng. Con số vượt quá khả năng của gia đình và phải lên lịch hẹn 2 tuần sau mới mổ được. Gia đình mới nhờ người quen hỏi giùm thì biết Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ cũng từng mổ nội soi rất thành công, chi phí thấp, nên chúng tôi quay trở về nhập viện và điều trị tại đây”. 

Bà V. nhập viện vào ngày 7/3 trong tình trạng hẹp môn vị Đến ngày 8/3, bà được các bác sĩ chuyên khoa khám nội soi và kết quả cho thấy bà đang trong tình trạng bệnh rất nặng. Chẩn đoán ban đầu bà V. bị co thắt tâm vị từng cơn, viêm thân vị - hang vị xuất huyết phình vị đọng nhiều dịch - thức ăn cũ. Ngay sau đó, bà được chuyển vào phòng điều trị ban đầu chờ ngày đến lịch phẫu thuật vào sáng 14/3. 

Bác sĩ chuyên khoa II La Văn Phú (Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ) cho biết, trước đây các bệnh viện sẽ thực hiện phẫu thuật mở truyền thống, nhưng dạng phẫu thuật này gây nhiều khó khăn. Thứ nhất, do phẫu trường sâu, khi thực hiện gây nhiều khó khăn cho bác sĩ khó nhìn, khó thao tác.

Thứ hai, gây nhiều đau đớn cho bệnh nhân, chậm phục hồi, để lại nhiều di chứng về sau như dính ruột thủng thực quản… Nhưng giờ đây bệnh viện đã có đủ trang thiết bị cần thiết, hiện đại nên thực hiện phẫu thuật nội soi dễ dàng và thành công cao hơn. 

Sau 2 giờ đồng hồ phẫu thuật nội soi, bà V. đã được “giải cứu” khỏi căn bệnh ác nghiệt. “Sau ca phẫu thuật này bà V. sẽ được các bác sĩ theo dõi trong 48 - 72 giờ và sau đó bà sẽ được xuất viện. Chỉ cần ở nhà tịnh dưỡng tốt thì hơn 2 tuần sau bà V. có thể đi đứng, sinh hoạt bình thường”, bác sĩ La Văn Phú cho biết. 

Bác sĩ Phú cho biết, co thắt tâm vị là căn bệnh mà nhiều người cho rằng nó rất đơn giản nhưng thực chất không hề đơn giản chút nào! Ban đầu khi phát bệnh, người bệnh khó mà nhận biết do các triệu chứng bệnh không quá rõ ràng. Các cơn đau nhức, tức ngực, nôn ói, trào ngược thức ăn, khó thở… Sau khi hành bệnh nhân xong, nó sẽ biến mất một thời gian, làm nhiều người nhầm tưởng mình bị bệnh khác. Nhưng để tình trạng xấu này kéo dài nhiều năm sẽ khiến người bệnh suy kiệt trầm trọng do không ăn được, gây loét thực quản lâu ngày tình trạng viêm loét càng nặng thì có thể dẫn đến ung thư thực quản…

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật