Chấn thương cột sống: Nguy hiểm nếu không xử trí đúng cách

Trước một vụ tai nạn như tai nạn giao thông, tai nạn lao động,... việc cứu giúp nạn nhân là vô cùng cần thiết và phải được tiến hành khẩn trương. Nhưng đôi khi, trong lúc vội vã, chúng ta thường quên hoặc không biết rằng, những động tác cứu giúp không đúng có thể làm nặng thêm những tổn thương cho bệnh nhân, đặc biệt là chấn thương cột sống (CS)...

Nguyên nhân gây chấn thương cột sống

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên chấn thương CS. Hàng đầu là các nguyên nhân do tai nạn giao thông tai nạn lao động như ngã từ trên cao xuống gây vỡ, lún xẹp đốt sống Các nguyên nhân do chấn thương ở các môn thể thao (đua xe đạp, đua ngựa...), các vết thương CS do hỏa khí như đạn bắn, gãy CS cổ như ở các nạn nhân tự tử bằng thắt cổ... Các nguyên nhân này gây ra tổn thương tại các đốt sống như di lệch, vỡ, lún, chèn ép chảy máu phù nề thậm chí làm đứt ngang dây sống.

Mức độ nghiêm trọng khi cột sống bị tổn thương

Cột sống có cấu tạo bởi nhiều đốt sống ghép lại, bên trong có ống sống chứa tủy sống cột sống đảm bảo hai chức năng chính: chức năng cơ học - CS là điểm tựa, là “trụ cột” chịu sức nặng của toàn bộ cơ thể và chức năng thần kinh của tủy sống. Tủy sống là một bộ phận của hệ thần kinh trung ương tiếp nối với tiểu não và hành tủy để chi phối toàn bộ các chức năng vận động, cảm giác... của cơ thể từ cổ trở xuống theo phân vùng của các khoanh tủy. Vì là một xương lớn, phải chịu tải trọng cao nên CS rất dễ bị chấn thương và khi đã bị chấn thương thường ảnh hưởng rất lớn đến chức năng chịu tải cơ học cũng như chức năng thần kinh. Khi tủy sống đã bị thương tổn, khả năng bệnh nhân bị tàn phế sẽ rất cao như phải thở máy hoàn toàn, liệt tứ chi trong tổn thương tủy cổ, liệt hai chi dưới phải ngồi xe lăn suốt đời trong tổn thương CS ngực, CS thắt lưng.

Triệu chứng của chấn thương cột sống

Triệu chứng của chấn thương CS phụ thuộc mức độ và vị trí tổn thương. Nếu tổn thương chỉ ở phần các đốt sống chưa ảnh hưởng tới tủy sống, triệu chứng chủ yếu là đau tại chỗ vùng bị tổn thương. Nếu đã có chèn ép hoặc tổn thương dây sống, các triệu chứng sẽ phụ thuộc phân đoạn tủy bị tổn thương. Tổn thương các đốt sống cổ thường có khó thở do liệt cơ hô hấp (khám có thể thấy lồng ngực bệnh nhân di động rất kém hoặc có biểu hiện liệt cơ hoành), yếu hoặc liệt các cơ do phân đoạn tủy cổ chi phối (cơ hô hấp, chi trên, chi dưới) rối loạn cảm giác rối loạn cơ tròn, mất phản xạ gân xương giai đoạn choáng tủy.

Tổn thương các đốt sống ngực cũng có các triệu chứng chung như rối loạn cơ tròn; dị cảm yếu, liệt chi; đau nhưng khu vực bị tổn thương phía dưới thấp hơn. Tương tự như vậy, với tổn thương CS lưng, các biểu hiện chủ yếu là rối loạn cảm giác, yếu hoặc liệt hai chi dưới, rối loạn cơ tròn.

Một triệu chứng tương đối hay gặp trong chấn thương CS đã có chèn ép, tổn thương tủy sống đó là tụt huyết áp (choáng tủy) nhưng mạch lại chậm. Đây có thể là dấu hiệu được chú ý phát hiện sớm tổn thương CS trên lâm sàng. Tuy nhiên, bản thân các dấu hiệu của chấn thương CS cũng đã khó phát hiện trên lâm sàng và điều này càng khó hơn trong điều kiện bệnh nhân bị tai nạn có nhiều tổn thương phối hợp, điều kiện sơ cứu nghèo nàn, sự rối loạn khi tai nạn xảy ra và người sơ cứu không phải đội cấp cứu chuyên nghiệp.

Xử trí bệnh nhân chấn thương CS - quan trọng từ bước sơ cứu đầu tiên

Nguyên tắc hàng đầu của cấp cứu bệnh nhân chấn thương CS là bất động, tránh di lệch đoạn CS đã bị tổn thương vì sẽ gây thêm tổn thương, thậm chí gây đứt ngang tủy sống. Việc chú ý cố định CS phải được làm ngay từ đầu khi tiếp xúc với bệnh nhân nghi ngờ bị chấn thương CS chứ không nhất thiết phải phát hiện được triệu chứng của chấn thương CS. Nói một cách khác, bệnh nhân nghi ngờ có chấn thương CS cần được cố định CS an toàn cho tới khi tổn thương CS đã được loại trừ bằng chẩn đoán hình ảnh hoặc qua ý kiến của các thầy thuốc chuyên khoa. Tuyệt đối tránh loay hoay thăm khám tìm xem có tổn thương CS hay không vì việc này sẽ gây nguy hiểm cho bệnh nhân, làm mất cửa sổ can thiệp.

Với bệnh nhân nghi ngờ có tổn thương CS cổ, đặt đầu bệnh nhân nằm thẳng trục, ở tư thế trung gian (không cúi gập, ngửa hay xoay cổ) trên nền cứng (như miếng ván gỗ), chèn bao cát hai bên để chống xoay cổ hoặc tốt nhất là có bộ cố định CS cổ chuyên dụng. Đối với CS ngực và CS lưng, đặt bệnh nhân nằm ngửa trên cáng cứng hoặc nằm sấp trên cáng mềm nếu không có áo cố định chuyên dụng, sau đó cố định bệnh nhân vào cáng ở ba điểm: đầu, vai và ngang khung chậu.

Tuyệt đối không lôi, kéo, lật trở bệnh nhân nếu không có nhiều người phối hợp hoặc làm không đúng phương pháp. Khi vận chuyển bệnh nhân, nếu không có cáng cứng phải có nhiều người cùng đứng một bên đỡ bệnh nhân để đảm bảo cho CS bệnh nhân vẫn được cố định. Đối với trường hợp bệnh nhân nặng cần cấp cứu hồi sinh tim phổi hoặc trường hợp gãy CS cổ gây ngừng thở vẫn phải chú ý vừa cấp cứu theo các bước cấp cứu ngừng tim ABC (A: Airway control, B: Breathing support, C: Circulation support) vừa kết hợp cố định tránh di lệch CS. Nếu cần đặt ống nội khí quản cấp cứu có thể đặt theo phương pháp ngược dòng hoặc qua nội soi ở bệnh nhân chấn thương CS cổ.

Tránh khiêng, xốc, vác nạn nhân trên vai, cõng trên lưng, khiêng bằng cáng mềm, võng, chở bệnh nhân bằng xe đạp, xe máy, bẻ gập lưng trong xe taxi... dễ làm tăng tổn thương CS của bệnh nhân. Sau khi đã vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế, nhanh chóng xác định rõ tổn thương CS bằng thăm khám lâm sàng và bằng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh để có thể sử dụng ngay liệu pháp corticoid liều cao và xét chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật