Chứng ngừng thở khi ngủ - chớ chủ quan sẽ rất nguy hiểm

Theo các bác sĩ, những người ngủ ngáy có nguy cơ mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ cao hơn những người bình thường. Bệnh này gặp cả ở trẻ em và người lớn.

Nói về hội chứng này, GS.TS Ngô Quý Châu, GĐ Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai cho biết, ngừng thở khi ngủ là một rối loạn đặc trưng của bệnh lý hô hấp có liên quan đến giấc ngủ. Hội chứng này nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, tai nạn giao thông, giảm trí nhớ, mất tập trung…

Trong đó, những người ngủ ngáy được cho là có nguy cơ mắc chứng bệnh này cao hơn so với những người bình thường. Việc ngủ ngáy nghe qua có vẻ không vấn đề gì và là một biểu hiện sinh lý tự nhiên nhưng theo GS. Châu, ngáy khi ngủ là một mối nguy đối với sức khỏe không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ gia đình mà bản thân người ngủ ngáy sẽ không sâu giấc, lúc tỉnh lúc thức giấc ngủ không ngon dẫn đến thiếu máu não hồi phục sức khỏe kém…

Ngừng thở khi ngủ xảy ra cả ở trẻ nhỏ và người lớn

Ngừng thở khi ngủ xảy ra cả ở trẻ nhỏ và người lớn

Theo nghiên cứu ở Mỹ, năm 2013 có khoảng 18 triệu người mắc chứng bệnh này. Tại Việt Nam tuy chưa có nghiên cứu nào cụ thể nhưng trên thực tế điều trị tại Trung tâm hô hấp có không ít người mắc hội chứng này, kể cả nhân viên y tế.

Biểu hiện lâm sàng của hội chứng ngừng thở khi ngủ là những cơn ngừng thở từng lúc khi ngủ trong thời gian từ 10 giây trở lên, dẫn đến giảm nồng độ oxy trong máu, sau đó động tác hô hấp hoạt động trở lại thường phối hợp với sự thức dậy ngắn. Tuy nhiên để chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả bệnh này cần phải tiến hành đo đa ký hô hấp và đa ký giấc ngủ.

Ngủ ngáy gây nhiều nguy cơ xấu đối với sức khỏe Ảnh minh họa.   TS. Chu Thị Hạnh, PGĐ Trung tâm Hô hấp cho hay, có rất nhiều triệu chứng nghi ngờ bạn có mắc phải hội chứng này hay không như: Ngủ ngáy kèm theo ngừng thở, ngạt thở. Buồn ngủ nhiều ban ngày. Thức giấc nhiều lần trong đêm. Đi tiểu nhiều lần trong đêm. Đau đầu buổi sáng. Giảm trí nhớ, giảm độ tập trung. Thừa cân, béo phì, bất thường vùng hàm mặt. Tăng huyết áp kháng trị…

Béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ lớn mắc hội chứng này, tuy nhiên ở người châu Á thì mức độ thấp hơn do cân nặng của họ kém hơn những người châu Âu.

TS. Hạnh cũng chia sẻ về một số trường hợp được phát hiện, thậm chí ngay cả con trai của chị từ khi còn nhỏ đã ngủ ngáy rất to, lăn lộn khắp giường. Đến khi đưa cháu đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng mới phát hiện amiđan của cháu rất lớn gây chèn đường thở. Sau khi được cắt amiđan, cháu ngủ sâu giấc hơn và cũng không còn ngủ ngáy. TS. Hạnh cho rằng, việc amiđan ở trẻ to gây chèn đường thở kéo dài sẽ ảnh hưởng đến trí não, có thể gây suy giảm trí nhớ khiến trẻ vui chơi và học tập kém hơn.

Trường hợp khác là một bác sĩ hồi sức cấp cứu cũng mắc phải hội chứng này với các biểu hiện thường xuyên ngủ gật ban ngày và ngủ ngáy vào ban đêm kéo dài. Bản thân anh cũng không biết mình mắc chứng ngừng thở khi ngủ. Sau đó, các bác sĩ hô hấp đã điều trị bằng phương pháp đeo máy thở tạo áp lực dương khi ngủ. Một thời gian sau, tình trạng ngủ ngày và ngủ ngáy của bác sĩ này đã cải thiện rõ rệt.

Các bác sĩ cho biết, để điều trị cho bệnh nhân mắc chứng ngừng thở khi ngủ có thể đeo máy ngừng thở khi ngủ hoặc các biện pháp phẫu thuật xâm lấn. Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong việc điều trị cho bệnh nhân mắc chứng bệnh này là bản thân họ cũng không chịu công nhận là mình bị bệnh. Hơn nữa, việc đeo máy thở khi ngủ khiến nhiều người cảm thấy khó chịu nên không tuân thủ điều trị, trong khi việc tiến hành các phẫu thuật như kéo hàm, thủ thuật xâm lấn dễ gây tai biến…

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật