Giải tỏa nỗi sợ khi khối amiđan trở nên vô dụng và có hại

Hầu hết các bệnh nhân có vấn đề về amiđan khi được bác sĩ Tai Mũi Họng (TMH) kết luận cần phải cắt bỏ để bảo vệ sức khỏe thì đều có một hay vài nỗi lo sợ “truyền thống”: sợ đau đớn, sợ mất máu, sợ mất giọng...

Có người trao đổi thẳng thắn với bác sĩ điều trị, nhưng phần nhiều vì e ngại nên không dám hỏi để rồi phải ôm theo nỗi lo sợ của mình đến tận ngày được đưa vào phòng mổ, hoặc tệ hơn là vì quá lo sợ và không được giải đáp nên “âm thầm sang ngang” bỏ luôn điều trị, bỏ luôn bác sĩ và gánh chịu những nguy cơ đối với sức khỏe trong tương lai khi giữ mãi 2 khối amiđan đã được kết luận là trở nên vô dụng và có hại!

Chúng ta hãy cùng nhau làm sáng tỏ thực hư những nỗi sợ đó để rồi không còn gì phải “lăn tăn” về chúng nữa nếu mai này bản thân  hoặc người thân được (hay bị?) bác sĩ kết luận cần phải cắt amiđan khi chúng trở thành mối nguy hại cho sức khỏe.

Sợ bị chỉ định cắt không cần thiết

Phải nói thẳng rằng đây luôn là vấn đề có thực, không chỉ ở Việt Nam mà tình trạng chỉ định cắt amiđan (mổ dịch vụ để kiếm tiền, tất nhiên!) quá dễ dãi cũng từng là chuyện rất không mới ở các nước. Đến nỗi trong một cuốn sách cẩm nang thực hành TMH của Mỹ vào thập niên 60 của thế kỷ trước, ngay phần mở đầu của chương nói về amiđan thì tác giả đã có câu đại ý:  “chỉ định cắt amiđan của một bác sĩ là tùy thuộc vị bác sĩ đó đã có xe Rolls-Royce hay chưa!”. Tất nhiên đây chỉ là sự trào lộng nhưng cũng đã chỉ ra sự thật rằng vấn nạn lạm dụng chuyên môn vì lý do tiền bạc hoàn toàn có thật! Sẽ không quá lo về điều này nếu như bệnh nhân được khám và điều trị ở các bệnh viện có uy tín về chuyên môn và y đức cũng như có quy trình duyệt mổ chặt chẽ.

Phẫu thuật cắt amiđan

Phẫu thuật cắt amiđan

Sợ bị mất chức năng bảo vệ của amiđan

Bình thường thì đúng là amiđan có vai trò như một tên lính canh, tiết ra kháng thể góp phần bảo vệ khu vực họng trước các vi khuẩn gây hại. Thế nhưng đó là nói về các amiđan khỏe mạnh! Đối với các trường hợp amiđan bị viêm nhiễm tái phát nhiều lần (trên 5 lần/năm), hoặc amiđan có kích thước “khủng” hoặc có quá nhiều hốc mủ thì nó không còn là tên lính bảo vệ nữa mà đã biến thành “kẻ khủng bố” chứa chấp đầy vi khuẩn để chực chờ cơ hội tấn công cơ thể chủ nhân hoặc gây phiền toái như khó thở dễ nghẹn hoặc nôn ói khi ăn, thở hôi, thậm chí có nguy cơ ung thư hóa... Đây chính là các trường hợp bác sĩ TMH sẽ đưa ra phán quyết cắt bỏ amiđan để bảo vệ cơ thể bạn, và khi ấy thì đừng nên tiếc nuối giữ lại làm gì!

Sợ đau đớn, sợ mất máu

“Sự chia ly nào cũng gây ít nhiều nỗi đau”, tất nhiên sau khi “vĩnh biệt” amiđan bằng cách cắt bỏ thì bệnh nhân không thể không đau (đứt tay chút xíu thôi còn đau kia mà!), nhưng với những tiến bộ về kỹ thuật mổ, về dụng cụ mổ cũng như sự phát triển của các thuốc giảm đau hiện nay thì sự đau đớn này sẽ không quá “ầm ĩ” và sẽ qua đi nhanh chóng sau vài ngày. Tương tự như vậy, trong kỹ thật cắt amiđan hiện nay thì trước mổ bệnh nhân sẽ được xét nghiệm kiểm tra về huyết học, được mổ nhẹ nhàng và đúng kỹ thuật thì lượng máu mất sẽ là rất rất ít, hoàn toàn không gây biến đổi hay tác hại gì đối với sức khỏe.

Sợ bị đổi giọng hoặc thậm chí có thể bị câm

“Sau khi cắt amiđan có thể bị câm vĩnh viễn” là truyền thuyết “kinh dị” nhất! Điều này hoàn toàn không đúng: amiđan thì nằm tít phía trên (còn thanh quản cơ quan phát âm chính) thì nằm xa phía dưới, do vậy các thao tác phẫu thuật cắt amiđan dù bằng bất kỳ phương pháp nào, đều hoàn toàn chả xâm phạm gì đến thanh quản để mà có thể gây câm sau mổ cả! Có chăng là trong vài trường hợp hiếm hoi do khi đặt ống nội khí quản lúc gây mê hơi thiếu khéo léo gây ra sự cọ xát của ống nội khí quản với thanh quản gây phù nề thanh quản, do đó sau khi mổ thì bệnh nhân có thể bị khàn tiếng hoặc tắt tiếng từ vài giờ đến tối đa 1 - 2 ngày, và sự cố này sẽ được giải quyết “trong vòng vài nốt nhạc” bằng thuốc chống phù nề. Tất cả chỉ có vậy!

Riêng chuyện đổi giọng sau cắt amiđan thì có thể hiểu thế này: giọng nói là kết quả của một quá trình cộng hưởng của dòng không khí phát ra từ phổi, kết hợp sự rung động và đóng - mở của dây thanh, đi qua hệ thống ống họng-mũi, khuếch âm qua hệ thống các xoang và hốc mũi. Khi cắt amiđan tức là ta đã thay đổi phần nào độ rộng của họng, do vậy có thể sẽ gây thay đổi chút xíu về giọng nói so với trước đó cụ thể là cao độ của giọng nói có thể giảm từ 1/2 đến 1 cung độ, nhưng sự thay đổi này là vô cùng nhỏ nhoi, đến nỗi hầu như không thể nhận ra! Trừ khi bệnh nhân là ca sĩ chuyên nghiệp thì phải cân nhắc kỹ, còn người bình thường thì “chả có gì ảnh hưởng đến hòa bình thế giới” cả. Và dù thay đổi như vậy, nếu chịu khó luyện giọng 1 thời gian thì mọi sự cũng sẽ đâu vào đó như xưa!

Tóm lại, đứng trước khả năng phải cắt amiđan  hay bất kỳ phẫu thuật nào khác thì bệnh nhân hoàn toàn có lý do chính đáng để lo lắng nhiều chuyện bởi dù các bác sĩ là những người có sứ mệnh chữa lành bệnh tật và họ cũng chỉ có mong ước giúp bệnh nhân của mình được điều trị thành công, nhưng bác sĩ không phải là thần thánh lúc nào cũng giải quyết được mọi biến cố về sức khỏe Việc điều trị là sự tương tác giữa 2 đối tương: bác sĩ và bệnh nhân, do vậy nếu bệnh nhân hiểu đúng về những lợi ích cũng như nguy cơ có thể có trong quá trình điều trị sẽ giúp họ vững tin hơn và hợp tác với bác sĩ điều trị tốt hơn, kết quả cuối cùng nhận được là sức khỏe chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật