Mức độ nguy hiểm của bệnh u máu và dị dạng mạch máu

“Trong chăm sóc ban đầu, các bác sĩ thường nhầm lẫn u máu với dị dạng mạch máu, thường cho rằng u máu tự khỏi và bỏ qua các u máu ở vị trí đặc biệt hay trong giai đoạn phát triển có thể gây nguy biểm cho tính mạng...”, đây là một trong những nội dung đã được PGS.TS. Phạm Lê an - Đại học Y Dược TP.HCM cho biết trong cuộc trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề về bệnh u máu.

- PV. Thưa PGS, các chuyên gia cho biết, các bác sĩ thường nhầm lẫn u máu với dị dạng mạch máu. Ý kiến của PGS về vấn đề này?

PGS.TS. Phạm Lê An: Đúng là như vậy, trong chăm sóc ban đầu, các bác sĩ thường nhầm lẫn u máu với dị dạng mạch máu, thường cho rằng u máu lành tính tự khỏi và bỏ qua các u máu ở vị trí đặc biệt hay trong giai đoạn phát triển có thể gây nguy hiểm cho tính mạng. U máu cần được khám, theo dõi và xử trí sớm.

PV. Vậy PGS có thể cho biết làm sao để phân biệt u máu với dị dạng mạch máu?

 

PGS.TS. Phạm Lê An: U máu đặc trưng bởi sự tăng sinh quá mức của tế bào nội mạch. U máu trẻ em là một dạng u máu thường gặp, có khoảng 30% số bệnh nhân là sơ sinh. Bệnh thường phát sinh sau khi sinh và phát triển qua ba giai đoạn đặc trưng: giai đoạn tiến triển từ khi sinh đến 8 - 12 tháng, giai đoạn ổn định trong 1 - 1,5 năm, giai đoạn thoái triển đến khi đứa trẻ 8 - 10 tuổi. Bệnh gặp ở trẻ gái nhiều gấp đôi so với trẻ trai. Tỉ lệ bệnh ở trẻ da trắng cao gấp 3 lần so với trẻ da màu và bệnh không có tính di truyền. Bệnh u máu ở trẻ em được thể hiện dưới ba dạng lâm sàng: u máu trong da, dưới da và hỗn hợp.

Cần điều trị kịp thời bệnh u máu

Cần điều trị kịp thời bệnh u máu

Các bệnh dị dạng mạch máu đặc trưng bởi phát triển bất thường của tất cả các loại mạch máu (mao mạch động mạch tĩnh mạch bạch huyết) trong thời kỳ bào thai các bệnh lý này có thể phát hiện ngay khi sinh và phát triển tương ứng cùng với trẻ. Bệnh được đặt tên theo thành phần mạch bị tổn thương chính, như: dị dạng mao mạch, dị dạng động mạch dị dạng tĩnh mạch hay các thể dị dạng phối hợp nhiều thành phần như dị dạng động - tĩnh mạch, dị dạng mao - động mạch... Đây chính là những thể gây khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị.

PV. Diễn tiến hai bệnh này như thế nào và có nguy hiểm không?

PGS.TS. Phạm Lê An: Nốt ruồi son cũng là một dạng của u máu. Khoảng 60% các trường hợp không xuất hiện khi sinh ra. Lúc mới sinh, tổn thương thường nhỏ và không tạo ấn tượng. U máu tiến triển có 2 giai đoạn: tăng sinh và thoái triển. Tổn thương có thể biểu hiện giống như những vết, mảng màu trên da hoặc những vùng giãn mạch khu trú, xuất hiện sớm ngay sau khi sinh, u máu tiến triển tăng sinh nhanh và rầm rộ, giai đoạn này kéo dài vài tháng.

Giai đoạn tăng sinh này liên quan đến sự tăng sinh mạnh mẽ của tế bào nội mô dưới sự kích thích của hoóc-môn và không hình thành lòng mạch. Trong tổ chức khối u tế bào nội mô và nguyên bào sợi tăng sinh mạnh. Thường diễn ra trong vòng 3 tháng, nhưng có khi diễn ra trong vòng 6 tháng với u máu nông, 8 - 10 tháng với u máu sâu. Trong giai đoạn này, 80% u máu tăng gấp đôi kích thước trong đó khoảng 5% phát triển ồ ạt, có thể đe dọa tính mạng, ảnh hưởng chức năng và thẩm mỹ của trẻ. Tỉ lệ tử vong lên tới 20 - 30 %. Giai đoạn thoái triển, một u máu điển hình sẽ bắt đầu thoái triển từ tháng thứ 10 sau khi sinh và 50 % các tổn thương sẽ hoàn toàn biến mất sau 5 năm. Bệnh u máu chủ yếu được điều trị nội khoa bảo tồn.

Đối với các bệnh dị dạng mạch máu thường có biến chứng nguy hiểm nhất là xuất huyết nặng trước và trong phẫu thuật, nên cần được điều trị phối hợp bằng hai phương pháp: tắc mạch và phẫu thuật.

PV. Vậy cần phải xử trí bệnh u máu như thế nào thưa PGS?

PGS.TS. Phạm Lê An: Trong quá trình phát triển, u máu có thể gây các tổn thương như: loét hoại tử bội nhiễm thứ phát… thậm chí suy tim tắc mạch máu. Đặc biệt các u nằm ở một số vùng như mi mắt, mũi, tai, miệng, hậu môn… có thể gây ra những rối loạn nặng nề về chức năng cho trẻ. Lời khuyên chung cho trẻ em bị u máu là điều trị càng sớm càng tốt. Phát hiện sớm thì diện tích u còn nhỏ, mạch máu cũng nhỏ, điều trị sớm cho kết quả tốt. Về chuyên môn, tia laser xuyên thấu dễ hơn. Bệnh nếu để lâu có thể gặp biến chứng lỡ loét. Hơn nữa, khi u còn nhỏ, chưa tiếp xúc ánh sáng nhiều, dễ điều trị hơn. Bởi nếu u hấp thu ánh sáng nhiều sẽ làm giảm hấp thu tia laser trong điều trị. Khi trẻ ba, bốn tháng tuổi mà phát hiện có dấu hiệu u máu thì nên tránh đem phơi nắng. Lúc này cần đem bé đến điều trị càng sớm càng tốt. Phát hiện càng sớm điều trị ít khi để lại sẹo. Không nên quan niệm rằng tất cả u máu đều tự khỏi, không cần điều trị vì có một số u máu lớn, vị trí đặc biệt có thể ảnh hưởng tới thẩm mỹ, thậm chí cả tính mạng của trẻ.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật