Phòng ngừa bệnh Basedow nên dùng thuốc gì để hiệu quả?

Basedow là bệnh tự miễn dịch với biểu hiện cường chức năng, tăng sản lan tỏa tuyến giáp. Những biến đổi bệnh lý trong các cơ quan và tổ chức là do tác dụng của hormon tuyến giáp tiết quá nhiều vào máu. Khi bị Basedow, người bệnh thường có các biểu hiện: bướu tuyến giáp lan tỏa, mắt lồi, nhịp tim nhanh thường xuyên. Khi xét nghiệm thấy tăng các hormon T3, T4, FT3, FT4, giảm TSH... Trong điều trị có thể dùng các thuốc chống lại sự tổng hợp hormon giáp hoặc chống lại các biểu hiện cường giao cảm.

 Để chống lại sự tổng hợp hormon giáp có thể dùng:

Các thuốc kháng giáp tổng hợp: Đây là dẫn chất của thionamides gồm 2 phân nhóm là: phân nhóm thiouracil: methylthiouracil (MTU); propylthiouracil (PTU) và benzylthiouracil (BTU) và phân nhóm imidazole: methimazole, carbimazole.

Tác dụng trong tuyến giáp là ngăn cản sự hữu cơ hóa iod, tức là gắn iod với thyroglobulin, ngăn sự hình thành và kết hợp của T1, T2, có khả năng làm biến đổi cấu trúc và kìm hãm sự tổng hợp của thyroglobulin.

Tác dụng ngoài tuyến giáp là ngăn cản sự chuyển T4 thành T3 ở ngoại vi, có khả năng tác dụng ức chế miễn dịch (có lẽ cả trong và ngoài tuyến giáp). Với cùng liều lượng tác dụng kháng giáp của nhóm imidazole mạnh hơn nhóm thiouracile từ 7- 15 lần (trung bình 10 lần).

Thuốc kháng giáp tổng hợp được dùng với liều lượng khác nhau ở các giai đoạn điều trị: Ví dụ ở giai đoạn điều trị tấn công, trung bình dùng từ 6 - 8 tuần. Nên sử dụng liều cao ngay từ đầu, liều thấp thường không có kết quả, sau 10- 20 ngày các triệu chứng sẽ giảm dần, nhưng phải 2 tháng sau thì mới cải thiện rõ. Liều khởi đầu và duy trì cao hay thấp là tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh và đáp ứng của từng người bệnh. Trung bình sau 6-8 tuần đầu của giai đoạn điều trị tấn công, nếu các triệu chứng giảm dần về mức bình thường và đạt được tình trạng gọi là bình giáp (hết các triệu chứng cơ năng, nhịp tim bình thường tăng cân hoặc trở lại cân trước khi bị bệnh, nồng độ PBI, T3, T4 (FT4) trở lại bình thường...) thì coi như đã kết thúc giai đoạn tấn công. Giai đoạn duy trì kéo dài từ 18-36 tháng, liều lượng giảm dần mỗi 1-2 tháng dựa theo sự cải thiện các triệu chứng.

Nếu tình trạng bình giáp được duy trì liên tục trong suốt thời gian điều trị, sau 18 - 36 tháng có thể ngừng dùng các thuốc kháng giáp tổng hợp. Không dùng các thuốc kháng giáp tổng hợp trong những trường hợp bướu tuyến giáp lạc chỗ đặc biệt bướu sau lồng ngực, nhiễm độc ở phụ nữ có thai hoặc cho con bú, suy gan suy thận nặng, bệnh lý dạ dày - tá tràng.

Kali perchlorat: Có tác dụng ngăn cản iod đi vào tuyến giáp. Hiện nay ít dùng vì khó xác định liều và hiệu lực điều trị thấp.

Các muối lithium: Thường sử dụng carbonate lithium thuốc có tác dụng ổn định màng, giảm tác dụng của TSH và TSI, ngoài ra còn có tác dụng ức chế tiết hormon giáp. Tuy nhiên, so với thuốc kháng giáp tổng hợp thì lithium có tác dụng thấp hơn nhiều. Tác dụng phụ của thuốc: run tay đái tháo nhạt do thận, tăng aldosterol, các triệu chứng nhân cách giả thể.

Iod: Iod vô cơ là thuốc kháng giáp xưa nhất mà người ta biết. Nhu cầu sinh lý bình thường của mỗi người đối với iod là 150- 200mcg/ngày. Nếu đưa vào cơ thể một lượng lớn iod 200mg/ngày và kéo dài sẽ gây ra hiện tượng iod-Basedow. Song nếu dùng iod với liều trong khoảng 5-100mg/ngày sẽ cho nhiều tác dụng có thể điều trị bệnh Basedow. Iod được dùng điều trị Basedow mức độ nhẹ.

Do có những biểu hiện cường giao cảm nên người ta dùng các thuốc ức chế giao cảm nhất là thuốc chẹn β giao cảm như propranolol (avlocardyl). Thuốc ức chế hoạt động quá mức của thần kinh giao cảm, ức chế sự chuyển T4 thành T3 ở ngoại vi. Thuốc chẹn β chỉ có tác dụng ngoại vi mà không giảm được cường giáp vì vậy luôn phải kết hợp với thuốc kháng giáp tổng hợp. Không dùng đối với bệnh nhân có tiền sử hen phế quản

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật