Sam và so - Sự nhầm lẫn chết người nhiều người mắc phải

Thông tin từ  Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, trong thời gian gần đây, tại một số địa phương vùng biển của nước ta vẫn ghi nhận các trường hợp ngộ độc do cố tình sử dụng thịt so biển để làm thức ăn dù biết rằng so biển chứa độc tố gây ngộ độc rất nghiêm trọng.

Mất mạng vì nhầm so biển...  thành sam biển

Cách đây không lâu, tại tỉnh Sóc Trăng đã xảy ra vụ ngộ độc so biển khiến 1 người chết và 4 người phải nhập viện cấp cứu. Sự việc xảy ra tại nhà ông Lâm Đực, ở ấp Vĩnh Thạnh B, xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Vào ngày nhà ông Đực tát đìa tôm, 4 người hàng xóm gồm: ông Lâm Ngọc Minh, ông Kim Kinh, ông Lâm Sươl, ông Trần Phum Ma Ra cùng ở ấp Vĩnh Thạnh B qua nhà ông Đực chơi, thấy con rể ông Đực tát đìa nên cả 4 người cùng xuống bắt cá và bắt được một con so to bằng bát ăn cơm. Tưởng là con sam nên cả nhóm đem nướng cùng với vài con cá bống cát làm mồi nhậu.  

Con sam biển.

Con sam biển.

Con so biển.

Con so biển.

Ngay sau khi 5 người uống hết khoảng 2 lít rượu thì ông Lâm Đực, vốn đang bị bệnh xơ gan đái tháo đường suy thận bỗng bị tê cứng hàm, cứng lưỡi, mặt đỏ phừng phừng, không nói được. Gia đình vội đưa ông Đực đi cấp cứu ở Trạm y tế xã Vĩnh Hải và được bác sĩ chẩn đoán “ngộ độc do ăn sam nướng”, sau đó ông Đực tử vong.

Sau khi ông Đực tử vong 4 người còn lại bắt đầu xuất hiện các triệu chứng tê cứng hàm, cứng lưỡi, tê tay chân choáng váng đau đầu nôn ói nhưng vẫn tỉnh táo. Cả 4 người này đều lầm tưởng bị trúng gió nên ai về nhà nấy cạo gió nhưng không hết. Cho đến khi cán bộ y tế xã đến thông báo thì người nhà tức tốc đưa 4 người đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Vĩnh Châu rồi chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng, sau đó là Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ. Sau khi được truyền nước giải độc các bệnh nhân đã tỉnh táo, bớt triệu chứng tê đau đầu

TS. Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm - Cục An toàn thực phẩm cho biết, ở Việt Nam cũng như trên thế giới, từ trước đến nay chưa có trường hợp nào ngộ độc chết người do ăn sam biển nhưng nhiều trường hợp ngộ độc chết người do ăn so biển đã được ghi nhận. Nguyên nhân các trường hợp mắc đa số là do cố tình ăn và một số trường hợp do nhầm so biển là sam biển nên dùng so biển để chế biến món ăn

So biển có chứa thành phần gây độc tố thần kinh mạnh

Theo Cục An toàn thực phẩm sam biển, so biển là động vật giáp xác thân mềm, sống ở biển. Trên thế giới họ sam có 4 loài, còn ở Việt Nam chỉ có 2 loài là sam biển và so biển .

Sam biển (sam lớn) phân bố ở các vùng ven biển trong môi trường sinh sống thiết yếu là các dải cát tại khu vực có thủy triều cao. Đuôi sam biển có gờ mặt lưng, hình tam giác. Sam biển sống thành từng cặp. Sam biển được khai thác, buôn bán và sử dụng làm thực phẩm như một loại hải sản.

So biển (sam nhỏ) cũng phân bố ở ven biển, nhưng môi trường sinh sống thiết yếu là các lạch nước ngọt So biển có hình hài rất giống sam biển, nhưng kích thước nhỏ hơn sam biển và không đi theo thành từng cặp. Chiều dài thân của so biển thường khoảng 20 - 25cm (không kể đuôi), toàn thân màu xanh nâu đậm, đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình trứng hay tròn. Trong so biển có độc tố tetrodotoxin.

Theo ông Hùng, độc tố tetrodotoxin trong so biển (như độc tính của độc tố ở cá nóc) tan trong nước, không bị nhiệt phá huỷ (nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại). Độc tố tetrodotoxin là một độc tố thần kinh mạnh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp ngưng thở, gây tử vong nhanh với liều độc rất thấp. Hiện nay chưa có thuốc giải độc.

Triệu chứng bị ngộ độc do độc tố của so biển: xuất hiện triệu chứng sau khi ăn từ 30 - 60 phút. Triệu chứng chung của các trường hợp ngộ độc là biểu hiện các dấu hiệu về thần kinh như: cảm giác tê môi, miệng, tay, chân và quanh vùng môi miệng; trạng thái thần kinh li bì, lơ mơ; toàn thân biểu hiện mệt; khó thở hạ huyết áp...

Khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm

-Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, phổ biến kiến thức cho cộng đồng trong việc phân biệt sam biển, so biển trong lựa chọn thực phẩm. Tuyệt đối không được dùng so biển làm nguyên liệu thực phẩm dưới bất  kỳ hình thức nào, dù chỉ là một lần.

-Tuyên truyền giáo dục cho ngư dân loại bỏ so biển khi đánh bắt hải sản và tuyệt đối không kinh doanh so biển.

-Tăng cường giám sát, kiểm soát an toàn thực phẩm trong đánh bắt, kinh doanh và tiêu dùng thủy hải sản.

-Tập huấn, đào tạo nhân viên y tế ở các tuyến để nâng cao năng lực hệ thống y tế trong việc chẩn đoán, cấp cứu và điều trị ngộ độc thực phẩm do độc tố so biển.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật