Đau đầu: Tác dụng phụ không ngờ tới của thuốc tránh thai

Viên tránh thai phối hợp estrogen-progestin hiện đang được sử dụng rộng rãi do thuốc tương đối rẻ tiền, dễ sử dụng, hiệu quả tránh thai cao. Ngoài ra, nó còn có nhiều tác dụng quan trọng khác ngoài mục đích tránh thai.

Tôi 35 tuổi, đã có hai con, vì thế tôi quyết định uống thuốc tránh thai phối hợp. Tuy nhiên, từ khi uống thuốc đến nay được 3 tháng tôi rất hay bị đau đầu Tôi đang băn khoăn liệu có nên tiếp tục uống thuốc ngừa thai nữa hay thôi. Xin quý báo giúp tôi hiểu rõ hơn về tác dụng phụ của thuốc và cho tôi lời khuyên. Tôi xin cảm ơn!

Nguyễn Thị Gấm (Bắc Ninh)

Viên tránh thai phối hợp estrogen-progestin hiện đang được sử dụng rộng rãi do thuốc tương đối rẻ tiền, dễ sử dụng, hiệu quả tránh thai cao. Ngoài ra, nó còn có nhiều tác dụng quan trọng khác ngoài mục đích tránh thai. Tuy nhiên, khá nhiều tác dụng phụ liên quan đến việc dùng loại thuốc này đã được ghi nhận trong thực tế như đau đầu buồn nôn nôn, căng ngực tăng cân trầm cảm giảm hưng phấn, tăng nguy cơ huyết khối, đột qụy…, trong đó, đau đầu là biểu hiện thường gặp nhất và là lý do chủ yếu dẫn đến ngưng sử dụng thuốc.

Viên tránh thai phối hợp có thể gây ra một đợt đau đầu mới hoặc làm nặng tình trạng đau đầu đã có từ trước. Mặc dù tác động của loại thuốc này đối với tình trạng đau đầu là rất dễ nhận thấy nhưng chỉ số nguy cơ thực sự rất khó được xác định chính xác, do tình trạng đau đầu xảy ra phổ biến ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đối tượng chính sử dụng thuốc tránh thai (độ lưu hành ở nhiều nước trên thế giới khoảng 15 - 36%). Theo các tác giả nước ngoài, tỷ lệ đau đầu do thuốc tránh thai thường giảm dần khi thuốc được sử dụng kéo dài nhiều tháng và hết nhanh sau khi ngừng thuốc.

Theo nghiên cứu này, nguy cơ đau đầu và nhất là đột qụy do tắc mạch não liên quan đến thuốc tránh thai tăng cao ở những phụ nữ mà bản thân hoặc trong gia đình có những người mắc các bệnh đau đầu từ trước, đặc biệt là chứng đau nửa đầu (đau đầu Migraine), do đó, những người này được khuyên nên tránh sử dụng viên tránh thai phối hợp và thay thế bằng các hình thức tránh thai khác không gây đau đầu như đặt vòng tránh thai… Với những phụ nữ không có bệnh đau đầu từ trước, nguy cơ gây đau đầu của viên tránh thai thấp hơn rõ rệt so với lợi ích mà thuốc đem lại.

Nguy cơ đau đầu do thuốc tránh thai phối hợp tăng lên theo tuổi và cao nhất ở những phụ nữ trong độ tuổi từ 35 – 40, nhưng không phụ thuộc vào hàm lượng progestin trong thuốc. Đáng lưu ý là ngay ở những đối tượng có nguy cơ cao, trong một số trường hợp, tình trạng đau đầu có từ trước có thể được cải thiện sau dùng thuốc tránh thai. Một số loại thuốc đã được thử nghiệm với mục đích dự phòng đau đầu do thuốc tránh thai như hỗn hợp các vitamin thuốc lợi tiểu nhưng đều không chứng minh được hiệu quả.

Trên đây là tác dụng phụ của thuốc tránh thai mà người sử dụng cần biết. Tuy nhiên, trong trường hợp của chị nên đến gặp bác sĩ sản khoa để được tư vấn sử dụng phương pháp tránh thai hiệu quả, phù hợp và không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của chị.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật