Thuốc trừ sâu phát huy độc tính có thể gây nguy hiểm đến tính mạng

Theo điều tra của Trung tâm Nghiên cứu giới - gia đình và môi trường (CGFED), Việt Nam có khoảng 20 triệu người thường xuyên tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu.

Từ các loại “thuốc độc” đang được dùng tự do…

Hiện nay có rất nhiều loại thuốc trừ sâu hiện đang được dùng rộng rãi trong nông nghiệp như nhóm thuốc trừ sâu phospho hữu cơ, nhóm thuốc trừ sâu clo hữu cơ, nhóm thuốc trừ sâu loại carbamat, nhóm thuốc trừ sâu pyrethroid, các nhóm thuốc trừ sâu khác như nereistoxin, parathion… Nhiều loại trong số này trên thế giới đã cấm dùng do quá nguy hiểm tới sức khỏe con người, ảnh hưởng tới môi trường nhưng ở nước ta vẫn được dùng tràn lan.

Theo điều tra của Trung tâm Nghiên cứu giới - gia đình và môi trường (CGFED), Việt Nam có khoảng 20 triệu người thường xuyên tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu. 98% trường hợp lạm dụng thuốc trừ sâu hoặc pha đặc hơn so với hướng dẫn trên bao bì 2-3 lần, sử dụng thuốc không theo hướng dẫn, không trang bị đầy đủ bảo hộ lao động khi phun… Việc mua bán sử dụng các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ diễn ra hết sức phổ biến ở các vùng nông thôn, không khó khăn để mua các loại thuốc trên để phục vụ mục đích cá nhân.

… đến những ca cấp cứu đau lòng

Nguyên nhân của ngộ độc cấp thuốc trừ sâu chủ yếu là do tự tử (khoảng 90%). Số còn lại là do ăn phải rau quả có hàm lượng thuốc tồn dư quá lớn (do rau quả vừa được phun thuốc xong đã được thu hoạch ngay), do uống nhầm, bị đầu độc, do tiếp xúc trực tiếp khi người lao động phun thuốc trừ sâu không đảm bảo các qui định về an toàn lao động,…

Ngày 21/4, anh Đ.Đ.K., 23 tuổi, trú tại xã Thuận Đức, TP Đồng Hới phải nhập viện trong tình trạng choáng khó thở nhiều… Anh cho biết khi anh đang phun thuốc trừ sâu cho ruộng nhà mình thì xuất hiện dấu hiệu trên.

Do mâu thuẫn từ phía gia đình, em Lê Thị Kiều My, 17 tuổi ở xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt, đã uống cạn lọ thuốc trừ sâu tự tử ngay trong nhà mình. Mặc dù được được phát hiện và đưa đi cấp cứu nhưng My đã không thể qua khỏi.

Ngày 13/8 ở huyện Na Rì - Bắc Kạn, chị Nông Thị Hường sau khi đi phun thuốc ngoài đồng về đã để chai thuốc trừ sâu dưới gầm sàn gần chỗ hai con đang chơi. Cầm chai thuốc trừ sâu mẹ để dưới gầm giường, hai chị em Ngân (3 tuổi) và Hạnh (4 tuổi) đã đổ ra chén cầm chúc nhau rồi uống cạn. Do uống quá nhiều thuốc trừ sâu, cháu Ngân đã tử vong còn cháu Hạnh may mắn được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn cứu sống. Cái chết của cháu Ngân đã để lại nỗi đau đớn và day dứt tột cùng cho người mẹ vì sự bất cẩn của mình,…

Biểu hiện rất đa dạng

Biểu hiện của ngộ độc thuốc trừ sâu rất phong phú và đa dạng. Các biểu hiện này phụ thuộc liều lượng, thời gian thuốc vào cơ thể, phụ thuộc chủng loại thuốc, độc tính của thuốc với con người mạnh hay yếu. Các triệu chứng thường xuất hiện nhanh 10 - 20 phút sau khi bị nhiễm độc qua đường tiêu hóa Biểu hiện triệu chứng của nhóm thuốc trừ sâu loại phospho hữu cơ chủ yếu là các triệu chứng kích thích hệ thần kinh phó giao cảm, gây co đồng tử tăng tiết (vã mồ hôi nhiều nước bọt), tăng co bóp ruột: đau bụng nôn mửa co thắt phế quản: tím tái phù phổi có thể liệt hô hấp tụt huyết áp giật cơ co cơ rối loạn phối hợp vận động, hoa mắt chóng mặt run, nói khó, nhìn lóa, nặng thì hôn mê.

Các biểu hiện ngộ độc cấp thuốc trừ sâu loại carbamat tương tự như ngộ độc phospho hữu cơ nhưng mức độ nhẹ hơn. Ngộ độc thuốc trừ sâu loại clo hữu cơ thường có đau bụng nôn mửa co giật liệt cơ hô hấp. Ngộ độc thuốc trừ sâu loại pyrethroid cũng có các biểu hiện về đường tiêu hóa (nếu ngộ độc qua đường tiêu hóa) và các biểu hiện thần kinh như đau đầu co giật hôn mê nếu ngộ độc nặng. Ngộ độc nereistoxin có triệu chứng  rất nặng nề về đường tiêu hoá: đau bụng, nôn, ỉa chảy, có thể nôn ra máu và ỉa ra máu dữ dội dẫn đến truỵ mạch, tụt huyết áp rối loạn nhịp tim suy tim phù phổi cấp,  suy hô hấp liệt cơ, sặc phổi, thần kinh: co giật giống kiểu động kinh, sau đó là liệt cơ, hôn mê. 

Phòng tránh thế nào cho hiệu quả?

Việc ngộ độc cấp thuốc trừ sâu (dù cho bất cứ do nguyên nhân gì) cũng phản ánh sự yếu kém trong quản lý các chất độc dùng trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trong quản lý các sản phẩm nông nghiệp dùng làm thực phẩm nói riêng. Để phòng tránh cần tuyên truyền giáo dục cho mọi người, nhất là bà con nông dân, những người thường xuyên phải sử dụng thuốc trừ sâu về độc tính của thuốc. Hướng dẫn cách sử dụng và thời gian thu hoạch rau quả an toàn sau khi phun thuốc. Khi phun thuốc trừ sâu, bà con cần pha đúng nồng độ, cần trang bị bảo hộ như áo mưa kính, khẩu trang, mũ kín đầu, găng tay.   Khi  phun thuốc cần quay lưng đi lùi lại với chiều gió không để thuốc tạt vào người. Không phun xịt thuốc khi bụng đói, đang yếu trong người hay mới khỏi bệnh, không dùng miệng để hút. Cần nghỉ ngơi xen kẽ trong lúc làm việc, không phun xịt liên tục quá hai giờ. Thuốc trừ sâu cần bảo quản thuốc ở nơi an toàn, hợp lý, ghi nhãn các loại thuốc, để trong tủ có khóa hoặc để trên giá cao ngoài tầm với của trẻ, không được dùng các chai đựng nước chai bia nước ngọt để đựng thuốc trừ sâu vì trẻ dễ nhầm đem ra uống.

Giải quyết tốt các nguyên nhân dẫn đến tự tử bằng thuốc trừ sâu đặc biệt là các liệu pháp điều trị tâm lý cho bệnh nhân (ngộ độc do uống thuốc trừ sâu tự tử) sau khi xuất viện, tái hòa nhập cộng đồng. Hơn nữa, cá nhân mỗi người cũng phải biết quí trọng cuộc sống của chính mình, không nên vì những bức xúc nhất thời mà tạo điều kiện cho thuốc trừ sâu phát huy tối đa độc tính trên chính cơ thể họ.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật