Những nguy cơ từ sự thiếu tự tin trong cuộc sống và cách khắc phục

Cuộc sống sẽ luôn cô đơn và không bao giờ trọn vẹn một khi chúng ta không tự tin vào chính mình. Sự thiếu tự tin trầm trọng về lâu dài làm cho sức khỏe con người sa sút, khiến chúng ta đánh mất nhiều cơ hội và quyền lợi trong cuộc sống: công việc đáng mơ ước, những mối quan hệ tốt đẹp, thậm chí cả hạnh phúc của bản thân. Vì thiếu tự tin, những ước mơ của chúng ta chỉ mãi mãi là mơ, không bao giờ có cơ hội được trở thành hiện thực.

Theo từ điển, tự tin là một phẩm chất của con người mà trong đó, chủ thể tin tưởng vào chính mình, tin vào năng lực của bản thân. Về mặt tâm lý học, tự tin là một trạng thái của tâm trí, quyết định cách thức chúng ta tiếp cận mọi tình huống và hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống. Khi chúng ta đạt đến sự tự tin đúng nghĩa, chúng ta đồng thời đập tan được nhiều loại cảm xúc tiêu cực khác như sự lo lắng, bất an thường xuyên, sự phân vân không chắc chắn, cảm giác xấu hổ

Do vậy, tự tin không có nghĩa là bạn phải nỗ lực đạt được một thứ gì đó to lớn hay một thành tựu nào đó giá trị mà mình chưa có; tự tin chỉ đơn giản là bỏ qua những chuyện không vui, những điều không trọn vẹn mà bạn đang có. Tương tự, tự tin cũng không đồng nghĩa với việc cố gắng cố gắng làm nên một điều gì đó mới mẻ mà chưa ai làm được. Nó chỉ đơn giản nghĩa là bạn có niềm tin vào khả năng của bản thân mình, biết chắc rằng mình có thể chịu trách nhiệm được cho mọi quyết định của mình, thích nghi được với mọi hoàn cảnh tốt xấu của cuộc sống.

Nói tóm lại, quan niệm sống của người tự tin là: “Dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, tôi vẫn sẽ ổn”.

Thế nào là thiếu tự tin?

Đã bao nhiêu lần bạn có một ý tưởng tuyệt vời nhưng lại cho rằng nó nhảm nhí, hoặc cho rằng mình không đủ sức thực hiện nó, để rồi cuối cùng, bạn đứng nhìn người khác làm được điều đó và được thụ hưởng toàn bộ những thành quả và phần thưởng mà nó mang lại? Nhiều người tuy có tài nhưng cuộc sống hoặc sự nghiệp của họ không thuận buồm xuôi gió một cách tương xứng cũng chính bởi tâm lý thiếu tự tin - hay sự tự ti - như thế.

Thiếu tự tin chưa bao giờ đồng nghĩa với sự thiếu hay khiếm khuyết về năng lực. Đa phần những người thiếu tự tin có các đặc điểm sau:

- Có những kỳ vọng hoặc mục tiêu không thực tế hoặc ngoài tầm với.

- Sợ thất bại, sợ mình gây ra kết quả không như ý muốn.

- Phụ thuộc quá nhiều vào ý kiến của những người xung quanh.

- Không bao giờ có cảm giác thoải mái hay chắc chắn về bất kỳ điều gì.

Những nguy cơ từ sự thiếu tự tin trong cuộc sống

Giữa tinh thần và thể chất luôn tồn tại mối quan hệ qua lại lẫn nhau và bất biến. Người có sức khỏe yếu hoặc thường xuyên ốm đau dễ có tâm lý thiếu tự tin trong cuộc sống Và ở chiều ngược lại, khi bạn không tự tin vào chính mình, bạn cũng thường không quan tâm đến việc chăm sóc tốt cho sức khỏe bản thân.

Tâm lý tự ti kéo dài có thể là hậu quả của nhiều biến cố tiêu cực hoặc chấn động trong cuộc sống, chẳng hạn như mất việc, ly hôn, đổ vỡ các mối quan hệ. Người thiếu tự tin thường cảm thấy như thể mình đánh mất khả năng kiểm soát và tự chủ trong cuộc sống. Đây cũng là đặc điểm thường thấy ở những người từng là nạn nhân của tình trạng bạo lực, bạo hành tinh thần, bạo hành tình dục và những hành vi phân biệt đối xử liên quan đến tôn giáo, văn hóa, chủng tộc giới tính hoặc xu hướng giới tính Sự tự ti ở một người cũng có thể có nguồn gốc sâu xa từ những chấn thương tâm lý khi họ còn nhỏ, chẳng hạn như việc phải sống xa cha mẹ, bị bỏ mặc hoặc bị lạm dụng.

Sự tự ti trầm trọng có thể dẫn đến các chứng rối loạn tâm lý, để rồi những chứng tâm lý mới phát sinh này tiếp tục làm tổn thương hơn nữa lòng tự trọng của chủ thể, khiến cho tinh thần của họ thêm bất ổn. Trong nhiều trường hợp, sự tự ti của một người là biểu hiện của những chứng tâm lý khác mà người đó đã sẵn có, chẳng hạn như trầm cảm hoặc rối loạn nhân cách ranh giới (borderline personality disorder - BPD). Mối quan hệ giữa sự tự ti và chứng rối loạn tâm lý của một người thì vô cùng phức tạp, nhưng có một điều đã được giới nghiên cứu xác nhận là những người có sự bất ổn về tâm lý có nguy cơ chìm ngập trong sự tự ti kéo dài cao hơn hẳn người bình thường.

Những người tự ti trầm trọng và kéo dài thường nhìn nhận thế giới như một nơi đáng nguyền rủa hoặc đáng sợ, và xem bản thân mình như một nạn nhân của nó. Với mọi chuyện không vui xảy ra, họ có xu hướng đổ thừa cho người khác, đổ thừa cho cái thế giới đầy bất công xung quanh mình thay vì chủ động tìm kiếm giải pháp một cách tích cực. Do vậy, người thiếu tự tin luôn ngại thể hiện bản thân mình, bỏ lỡ nhiều trải nghiệm và cơ hội quý giá trong cuộc sống, và luôn tự huyễn hoặc bản thân rằng mình có cố gắng đến đâu chăng nữa cũng chẳng thay đổi được gì. Điều này chỉ càng khiến cho sự tự ti của họ thêm trầm trọng, làm cho cuộc đời họ rơi vào bế tắc không lối thoát.

Hãy luôn dành thời gian chất lượng bên cạnh những người mà bạn yêu thương nhất

Hãy luôn dành thời gian chất lượng bên cạnh những người mà bạn yêu thương nhất

Biện pháp khắc phục

Nếu bạn cảm thấy mình gặp khó khăn với tâm lý tự ti và khó lòng tự mình khắc phục, hãy tìm đến bác sĩ hoặc các chuyên gia tư vấn tâm lý để được thụ hưởng những liệu pháp hiệu quả và phù hợp nhất với mình. Tuy vậy, thực tế cho thấy bạn hoàn toàn có thể tự mình cải thiện và nâng cao sự tự tin của bản thân một khi bạn thực sự quyết tâm và nỗ lực.

Suy nghĩ tích cực về bản thân: bạn là một cá nhân đặc biệt, độc nhất vô nhị với những phẩm chất riêng mà chẳng ai khác có được

Sau đây là một vài thói quen giúp bạn khắc phục tính tự ti, trở nên mạnh dạn và chủ động hơn trong cuộc sống. Bạn không cần phải thực hành hết tất cả những điều này, mà hãy chọn ra những thói quen bạn thích hoặc bạn cảm thấy phù hợp nhất với mình. Điều quan trọng là một khi đã lựa chọn, hãy nỗ lực thực hành chúng một cách thường xuyên và thành thạo, biến chúng trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của bản thân bạn:

1. Tự mình viết ra ba bản danh sách: một bản liệt kê những ưu điểm, điểm mạnh của bạn hoặc những tài năng mà bạn có, một bản gồm những thành tích hoặc thành tựu bạn đã đạt được, và bản còn lại gồm những điều tốt đẹp khiến bạn yêu quý ở bản thân mình. Bạn có thể nhờ những bạn bè hoặc người thân mà bạn tin tưởng góp ý giúp hoàn thiện các bản danh sách này. Sau khi làm xong, hãy giữ gìn cẩn thận những bản danh sách và lấy chúng ra đọc mỗi ngày. Điều này tạo cơ hội cho bạn thường xuyên nhắc nhở bản thân mình rằng mình cũng là một con người tuyệt vời và giỏi giang, không giống như những suy nghĩ tự ti trước đó của mình.

2. Luôn suy nghĩ tích cực về bản thân. Trên đời này không có ai hoàn hảo cả: có thể bạn có khuyết điểm thật, nhưng ngoài điều đó ra, bạn là một cá nhân đặc biệt, độc nhất vô nhị với những phẩm chất riêng mà chẳng ai khác có được, và bạn xứng đáng được tự hào về bản thân mình. Mạnh dạn loại bỏ ngay những suy nghĩ tiêu cực kiểu như “Tôi là kẻ thất bại,” “Tôi chẳng làm được việc gì ra hồn” hoặc “Chẳng ai thích tôi cả”!

3. Chăm sóc bản thân mình, chẳng hạn như thường xuyên chải tóc gọn gàng, cắt móng tay móng chân hoặc làm đẹp

4. Mặc những bộ quần áo khiến bạn cảm thấy thoải mái, ưng ý và tự tin hơn.

5. Ăn uống điều độ, cho phép bản thân mình được tận hưởng những món ăn yêu thích. Hãy làm cho mỗi bữa ăn trở thành một dịp đặc biệt để bạn được tận hưởng bản thân mình (nhất là khi bạn sống một mình), chẳng hạn như tắt TV trong giờ ăn, trình bày các món ăn thật hấp dẫn và bắt mắt.

6. Luyện tập thể dục thể thao đều đặn: tập thói quen đi bộ nhanh mỗi ngày, và thực hiện các bài tập vận động cường độ cao (các động tác thể dục thể thao giúp bạn ra mồ hôi) 3 buổi/tuần.

7. Ngủ điều độ và đủ giấc. Hạn chế tình trạng thức khuya và thiếu ngủ

8. Kiểm soát mức độ căng thẳng của bản thân. Học cách thư giãn hoặc thiền định mỗi khi cảm thấy mệt mỏi và áp lực.

9. Dọn dẹp phòng riêng hoặc không gian sống của bạn khỏi những sự bừa bộn, làm cho nó trở thành một nơi sinh hoạt thoải mái và xinh đẹp của riêng bạn. Trong đó, hãy trưng bày những món đồ mà bạn yêu thích hoặc tự hào, hoặc những đồ vật đánh dấu những thành tích và ký ức đặc biệt khiến bạn tâm đắc.

10. Dành thời gian theo đuổi sở thích riêng hoặc làm những việc mà bạn thích làm. Cứ mỗi ngày, hãy thực hiện ít nhất một công việc mà bạn yêu thích, tận hưởng cảm giác tuyệt vời khi hoàn thành nó, và tự nhắc nhở bản thân rằng mình xứng đáng được sống vui vẻ và thoải mái như thế.

11. Tham gia hoặc rèn luyện các hoạt động mang tính nghệ thuật như học hội họa, âm nhạc, thơ ca và nhảy múa. Đây là những hoạt động lành mạnh giúp bạn dễ dàng thể hiện bản thân mình, trau dồi thêm kỹ năng cho bản thân, đồng thời là cơ hội để bạn được gặp gỡ và tương tác với những người khác cùng sở thích.

12. Xác lập cho mình một mục tiêu gần gũi và thực tế - một mục tiêu mà bạn biết chắc là mình hoàn toàn có thể hoàn thành được, rồi quyết tâm thực hiện nó. Đó chỉ cần là những mục tiêu đơn giản như hoàn thành lớp yoga học hát, nấu được một bữa ăn thật ngon để thết đãi gia đình hoặc bạn bè. Xong mục tiêu này thì xác lập tiếp mục tiêu khác, rồi bạn sẽ thấy điều này giúp cho cuộc sống hàng ngày của bạn thêm năng động và ý nghĩa biết bao!

13. Bắt tay làm những công việc mà đã lâu bạn chưa làm vì thiếu thời gian, chẳng hạn như: chăm sóc khu vườn nhà mình, lau chùi cửa kính, hoặc sắp xếp lại giấy tờ cá nhân.

14. Chủ động làm một điều gì đó vừa khiến bạn cảm thấy ý nghĩa, vừa mang lại niềm vui hoặc lợi ích cho cộng đồng, chẳng hạn như đi thăm một người bạn đang bị ốm, hoặc tham gia các hoạt động thiện nguyện,…

15. Rủ người thân hoặc bạn bè tham gia cùng mình trong các hoạt động ý nghĩa đó và cùng sẻ chia niềm vui. Nhiều khi bản thân họ cũng thầm mong muốn làm những công việc tốt đẹp như thế, chỉ đang chờ một ai đó - như bạn - mở lời kêu gọi mà thôi. Chưa kể, những sự tham gia, giúp đỡ và ủng hộ của nhiều người có thể giúp cho dự định của bạn thêm trơn tru và sớm thành hiện thực.

16. Dù bạn có bận rộn đến đâu chăng nữa, hãy luôn dành thời gian chất lượng bên cạnh những người mà bạn yêu thương nhất, những người quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn, như gia đình, người yêu, bạn thân, các mối quan hệ ý nghĩa,…

17. Điều cuối cùng và cũng là một lưu ý quan trọng dành cho bạn: Tuyệt đối tránh xa những con người hoặc nơi chốn không đối xử tốt với bạn, những thứ có tính chất khiến cho bạn cảm thấy vô dụng, tệ hại và khơi lại những suy nghĩ tự ti tiêu cực. Hãy mạnh dạn cắt đứt mối quan hệ với những điều đó, để duy trì một cuộc sống năng động, ý nghĩa và luôn tiến về phía trước.

 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật