Sai lầm khi nghĩ ăn tiết canh lợn nhà nuôi, lợn mán, lợn rừng thì không bị liên cầu khuẩn

Bệnh liên cầu khuẩn lợny thường tăng vào dịp trước và sau Tết khi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng cao. Do đó, Bộ Y tế đã khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện một số biện pháp nhằm chủ động phòng, chống bệnh liên cầu khuẩn lợn.

PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, bệnh liên cầu lợn ít người mắc song tỷ lệ ca nặng, tử vong rất cao. Riêng tại Hà Nội năm qua ghi nhận hơn 10 ca bệnh thì một người tử vong, nhiều người bị di chứng nặng nề...

“Sở dĩ bệnh liên cầu khuẩn lợn có xu hướng tăng trong những năm gần đây một phần do đặc điểm dịch tễ dịch bệnh trên đàn lợn nuôi di chuyển, bùng phát, lây lan nhiều hơn. Quan trọng nhất là nhiều người dân vẫn chưa từ bỏ thói quen ăn tiết canh, sản phẩm tươi sống chế biến từ thịt” TS Phu nói.

Cũng theo TS Trần Đắc Phu, nhiều người nghĩ rằng cứ vô tư ăn bát tiết canh rồi uống vài chén rượu thì sẽ không mắc bệnh, bởi rượu là axit trung hòa hay diệt được vi khuẩn liên cầu. Có người lại cho rằng chỉ ăn thịt lợn ốm, lợn bệnh, lợn không rõ xuất xứ mới mắc liên cầu khuẩn còn lợn nhà nuôi hay lợn mán, lợn rừng thì vô tư. Tuy nhiên, đây là những quan niệm sai lầm bởi mới đây nhất, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương đã tiếp nhận điều trị cho trường hợp bệnh nhân N.H.T. (35 tuổi ở Lai Châu) được chuyển đến từ tuyến dưới trong tình trang sốt cao, mệt lả, trên da xuất hiện các ban hoại tử trên da.

Các bác sĩ cho hay, qua khai thác bệnh sử được biết, cách đây hơn 1 tuần, anh T. có mua một con lợn cắp nách của dân bản bán về liên hoan bạn bè. Anh đã trực tiếp giết mổ và chế biến, làm tiết canh. Tuy nhiên sau khi ăn 5 ngày, anh T. sốt cao, mệt lả, trên da xuất hiện các ban hoại tử Bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, sau đó chuyển tuyến đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương. Sau khi cấp cứu , điều trị tại đây, bệnh nhân T đã tỉnh nhưng vẫn còn tình trạng sốc, có ban hoại tử khắp toàn thân, có tình trạng tắc mạch hoại tử đầu ngón chân ngón tay rối loạn đông máu nặng.

BS Nguyễn Trung Cấp, Phụ trách Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, hằng năm, tại đây vẫn tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn rải rác ở khắp các địa phương. Phần lớn các bệnh nhân đều liên quan đến ăn tiết canh hoặc tham gia giết mổ lợn. Vào dịp Tết, khi mà nhu cầu tiêu dùng và hoạt động giết mổ lợn tăng cao, người dân cần cảnh giác với bệnh liên cầu khuẩn lợn. Có những năm, bác sĩ phải vất vả cả đêm giao thừa để cấp cứu bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn nguy kịch.

Nhiều người nghiện món khoái khẩu tiết canh để rồi rước bệnh vào thân

Nhiều người nghiện món khoái khẩu tiết canh để rồi rước bệnh vào thân

Theo các chuyên gia, bệnh lây từ lợn sang người gồm 3 thể: Nhiễm trùng huyết viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có bệnh nhân ngay từ khi nhiễm khuẩn bệnh đã nặng. Bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong khoảng 7%.

Bệnh nhân tử vong là do nhiễm độc tố vi khuẩn gây sốc. Có người chỉ 3 ngày đã bị sốc nhiễm khuẩn có người phải 10 ngày mới diễn biến nặng, tùy vào cơ địa Người từng nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại. Vi khuẩn gây bệnh liên cầu cư trú trong đường hô hấp đường tiêu hóa

Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ lợn. Người bị bệnh có biểu hiện đa dạng nhưng hay gặp nhất là hai thể viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn. Bệnh thường để lại biến chứng nặng và có thể tiến triển nhanh thành suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, khi mắc liên cầu lợn, bệnh nhân có diễn biến nhanh, gây suy đa phủ tạng viêm màng não mủ giảm thính lực (chiếm 40%), 20% bị điếc vĩnh viễn và các di chứng thần kinh. Bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất lớn nếu bị nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm não Thời gian điều trị bệnh này là từ 3-4 tuần, thậm chí kéo dài 2 tháng với chi phí điều trị cao. Điều đáng nói là, liên cầu lợn không tạo ra miễn dịch vĩnh viễn, những trường hợp mắc rồi vẫn có thể mắc lại… Để phòng bệnh liên cầu khuẩn lợn, Bộ Y tế khuyến cáo:

- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; không ăn tiết canh nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng tim gan thận chần tái, nem chua, nem chạo...)

- Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường xuất huyết hoặc phù nề

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

- Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết; tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

- Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc tiêu thụ các sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật