Điều trị đái tháo đường thai kỳ sao cho không để lại biến chứng

Bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ nên kiêng các thức ăn, nước uống chứa nhiều đường hấp thu nhanh như sữa đặc, nước ngọt...

Điều trị đái tháo đường (ĐTĐ) lúc có thai

Mục tiêu đường huyết

- Các bệnh nhân (BN) ĐTĐ thai kỳ phải được kiểm soát đường huyết tích cực và an toàn trong một khoảng hẹp, để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi  

- Đường huyết lúc đói dưới 5,8mmol/l, đường huyết 1 giờ sau ăn 7,8mmol/l và 2 giờ sau ăn dưới 7,2mmol/l. Cũng không nên để mức đường huyết lúc đói thấp dưới 3,4 mmol/.

Dinh dưỡng điều trị

- Tổng số năng lượng mỗi ngày dành cho BN ĐTĐ thai kỳ được tính dựa trên cân nặng lý tưởng. Trên phụ nữ đã có cân nặng lý tưởng tổng số năng lượng là 30 Kcal/kg, những thai phụ gầy cần nhiều năng lượng hơn và ngược lại. Chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo sự tăng trọng cần thiết trong thai kỳ: 0,45kg mỗi tháng trong quí đầu, 0,2 - 0,35kg mỗi tuần trong quí 2 và 3 của thai kỳ.

- BN ĐTĐ thai kỳ nên kiêng các thức ăn, nước uống chứa nhiều đường hấp thu nhanh như sữa đặc nước ngọt bánh kẹo... và hạn chế các đồ ăn nếp như xôi, bánh chưng... Khuyến khích ăn các loại carbohydrat hấp thu chậm (đường phức và các chất xơ). Tổng số năng lượng được chia đều cho 3 bữa ăn chính và 3 bữa ăn phụ nhưng không nên ăn nhiều carbohydrat vào buổi sáng.
Điều trị bằng thuốc

- Điều trị bằng thuốc được chỉ định khi BN không thể ổn định đường huyết bằng tiết chế đơn thuần. Cho đến nay insulin human (nguồn gốc người) là thuốc duy nhất được FDA chấp nhận cho điều trị BN ĐTĐ thai kỳ, như insulin thường (insulin actrapid) và insulin bán chậm NPH (insulatard) hoặc insulin hỗn hợp (mixtard) giữa insulin thường và insulin NPH. Tiêm dưới da 2 - 4 lần mỗi ngày, vào trước bữa ăn và trước lúc đi ngủ.

- Các BN ĐTĐ thai kỳ cần đo đường huyết 4 - 6 lần/ngày (vào trước bữa ăn và 2 giờ sau ăn, trước khi đi ngủ). BN cần liên hệ với bác sĩ ngay nếu thấy kết quả đường huyết cao hoặc thấp bất thường. Chú ý thử ceton niệu khi đường huyết không ổn định hoặc khi thai phụ bị nôn nhiều.

Các nguy cơ có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh trong tuần đầu sau đẻ

Các nguy cơ có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh trong tuần đầu sau đẻ

Suy hô hấp cấp

Con của những sản phụ không được kiểm soát đường huyết tốt có nguy cơ cao bị suy hô hấp cấp do phổi chưa phát triển hoàn chỉnh, bệnh thường nặng và tỉ lệ tử vong khá cao. Trẻ bị suy hô hấp cấp thường thở rất nhanh trên 60 lần/ phút, khò khè, co kéo lồng ngực và cả bụng, tím tái... việc điều trị khá phức tạp nhưng ngày nay đã có một số phương pháp đạt kết quả tốt.

Hạ đường huyết

Trẻ sơ sinh có thể bị hạ đường huyết trong vòng 48 giờ đầu sau đẻ, đường huyết có khi thấp dưới 1,7 mmol/l. Nguyên nhân là do tình trạng tăng insulin máu vẫn còn tồn tại sau đẻ.  Thường đứa trẻ bị hôn mê hơn là kích thích, và hạ đường huyết có thể phối hợp với ngừng thở, hoặc thở nhanh, tím, hoặc co giật Phòng ngừa bằng cách cho uống nước đường hoặc cho qua sonde dạ dày sau đẻ khoảng 1 giờ, nếu biện pháp này không thành công thì cho truyền tĩnh mạch dung dịch đường glucose

Một số rối loạn khác là hạ canxi máu, tăng bilirubin máu (gây vàng da) đa hồng cầu và ăn kém.

Tóm lại, tất cả các BN ĐTĐ thai kỳ cần được điều trị tích cực nhằm kiểm soát tốt đường huyết trong suốt thời gian mang thai Bên cạnh đó thai nhi cần được theo dõi thường xuyên để có thể phát hiện được sớm các dị tật, các nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai, từ đó các thầy thuốc có kế hoạch can thiệp kịp thời và hiệu quả nhất.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật