Khói bụi mù mịt tại các thành phố lớn: Nguy hại cực lớn đối với sức khỏe

Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, cản trở hoạt động giao thông mà hiện tượng mù khô còn gây hại đến sức khỏe con người, làm tăng nguy cơ bệnh hô hấp.

Ba ngày hôm nay, Sài Gòn đã trở thành Đà Lạt thứ hai khi chìm trong mù khô: Tới trưa, thậm chí 14h mà nhiều nơi trong thành phố vẫn bị bao phủ trong lớp 'sương mù' khó chịu.

Theo các chuyên gia, mù khô xảy ra tại các thành phố bị ô nhiễm cục bộ, những lớp màu trắng sữa ghi nhận chính là khói bụi từ môi trường. Riêng về mù khô những ngày này tại TP.HCM, còn có cách lý giải khác là do ảnh hưởng của vụ cháy rừng ở Indonesia, khi mà Singapore, một quốc gia láng giềng khác cũng xảy ra hiện tượng tương tự. Tuy nhiên rõ ràng rằng, mù khô, mà nguyên nhân sâu xa chính là ô nhiễm không khí đang ngày ngày đe dọa tới sức khỏe con người.

Ô nhiễm không khí – Bài toán khó của nhiều quốc gia

Cùng với những biến đổi khí hậu thì ô nhiễm không khí tại nhiều thành phố lớn ngày càng nghiêm trọng và là vấn đề nan giải của nhiều quốc gia.

Hầu hết các thành phố lớn tại Việt Nam như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đều bị ô nhiễm khi nồng độ khí ozon tăng, nồng độ khói bụi cao gấp 5 - 6 lần mức cho phép. Cụ thể, theo thống kê Hà Nội đứng đầu trong danh sách những Thủ đô ô nhiễm nhất khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Không chỉ có Hà Nội mà Bắc Kinh, Trung Quốc cũng có tên trong danh sách những thành phố ô nhiễm không khí nhất châu Á. Vì đây là thành phố công nghiệp với nhiều hoạt động sản xuất, mỗi năm có hàng triệu m3 khí thải xả thẳng ra môi trường. Chính quyền nơi đây đã đưa ra mức báo động cam – mức báo động thứ hai về ô nhiễm không khí. Người dân Bắc Kinh rất hiếm khi được tận hưởng bầu không khí trong lành vì thường xuyên ra khỏi nhà với không khí chứa bụi bẩn, hiện tượng mù khô xảy ra thường xuyên.

Mới đây, cơ quan quản lý môi trường quốc gia Singapore đưa ra cảnh báo về sự ô nhiễm tại đây đã đến mức báo động do khói bụi từ các vụ cháy rừng tại Indonesia đang hoành hành. Theo dự báo, sự ô nhiễm khói bụi, hiện tượng mù khô sẽ tiếp tục trong thời gian tới vì hiện nay có sự hoạt động mạnh của gió mùa.

Theo cảnh báo của các chuyên gia, năm 2015 sẽ có những biến đổi trong khí hậu toàn cầu vì El – nino mạnh gây ra các tình hình thời tiết cực đoan trong đó có hiện tượng mù khô xuất hiện dày đặc tại các thành phố lớn.

Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan (ĐH Khoa học tự nhiên, HCM) cho biết: Mù khô là sự tập hợp các hơi nước có chứa bụi bẩn được tích tụ lại. Khi ánh sáng mặt trời chiếu vào các hạt nước sẽ có hiện tượng khúc xạ, đồng thời do khoảng cách giữa các hạt sương gần nên xảy ra tán xạ khiến bầu trời có màu trắng sữa. Mù khô thường hoạt động mạnh với độ cao dưới 100m và chủ yếu vào buổi sáng.

Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí nặng nề. Chính sự tích tụ của khói bụi ở lớp không khí thấp dưới tác động của gió sẽ khuếch tán mạnh.

Thời gian gần đây, nhiều thành phố lớn chịu ảnh hưởng nặng nề từ hiện tượng này. Mới đây, mù khô xuất hiện tại TP.HCM từ sáng sớm đến gần trưa mới tan gây khó khăn trong giao thông và hoạt động của người dân. Không chỉ có vậy, mù khô còn gây hại đến sức khỏe

Những mối nguy hại đến sức khỏe

Hiện tượng mù khô không chỉ gây cản trở giao thông mà còn gây hại đến sức khỏe đặc biệt là trẻ nhỏ và người già làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp

- các bệnh hô hấp: Bụi bẩn trong không khí có thể xuyên qua khẩu trang lắng đọng tại đường hô hấp và xâm nhập đến phế nang phổi gây lên các bệnh viêm phổi ung thư phổi.

- Bệnh về mắt: Do ảnh hưởng của bui có thể dẫn đến viêm giác mạc viêm kết mạc

- Khi tiếp xúc nhiều với khói bụi dễ bị viêm da gây mụn, ngứa, mẩn đỏ…

- Trong không khí bị ô nhiễm thường chứa chì sẽ tích tụ trong thể gây nên các bệnh về xương khớp viêm thận cao huyết áp viêm hệ thần kinh trung ương hoặc ngoại biên. Đặc biệt, với trẻ em có thể gây kém phát triển, ảnh hưởng đến não.

- Ảnh hưởng từ các loại khí độc (CO, H2S, NH3…) gây ngộ độc, ảnh hưởng đến hệ hô hấp với nồng độ cao có thể gây hôn mê thậm chí tử vong

Biện pháp đối phó với mù khô

Là một trong những hiện tượng thời tiết cực đoan và được cảnh báo sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới nên tất cả mọi người cần phải chủ động phòng tránh và có những biện pháp đối phó với mù khô.

Người dân ra ngoài đường tốt nhất nên đeo khẩu trang và mặc quần áo dài, đội mũ nón bảo vệ

- Đeo khẩu trang, kính chống bụi mỗi khi ra đường. Nên chọn loại khẩu trang y tế 4 lớp, có than hoạt tính. Không nên sử dụng các loại khẩu trang thường vì bụi bẩn vẫn có thể lọt qua. Bạn nên mang theo áo dài tay, mũ… khi ra đường.

- Sau khi đi ra ngoài về cần sử dụng nước muối sinh lý rửa mắt, mũi và có thể súc miệng nước muối để làm sạch đường hô hấp chống viêm.

- Khi về nhà, cần cởi bỏ áo khoác ngoài, rũ sạch bụi trên quần áo và giày dép. Nên vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thay giặt quần áo hàng ngày.

- Khi có hiện tượng mù khô nên đóng các cửa lớn trong nhà để tránh sự xâm nhập của khói bụi.

- Nên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, trước khi đi ngủ.

- Khi có các biểu hiện của các bệnh hô hấp: hắt hơi sổ mũi viêm họng…cần sử dụng một số loại thuốc đặc hiệu dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ. Nên đi khám bệnh nếu có các triệu chứng trầm trọng hơn.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật