Làm gì khi trẻ chảy máu mũi giúp con nhanh khỏe mạnh trở lại?

Chảy máu mũi là một triệu chứng mà dân gian hay gọi là “chảy máu cam”. Ở trẻ em rất hay gặp hiện tượng này mà cha mẹ hoặc người trông trẻ thường lúng túng khi thấy trẻ bị chảy máu mũi. Vậy khi trẻ bị chảy máu mũi cần phải làm gì?

Chảy máu mũi biểu hiện bằng chảy máu ra phía trước mũi hoặc chảy xuống dưới họng miệng qua cửa mũi sau gây ho khạc ra máu hoặc nôn ra máu Chảy máu mũi là một triệu chứng nên bản thân người bị chảy máu mũi cũng tự chẩn đoán được là mình bị chảy máu mũi, tuy nhiên nguyên nhân nào gây chảy máu mũi và làm sao cho hết chảy máu mũi mới là lý do mà người bệnh đi khám.

Có khoảng 30% trẻ em bị chảy máu mũi trong đó 70% là do chấn thương. Tuy nhiên bạn đừng nghĩ cứ phải gặp tai nạn va đập mũi gây chảy máu đấy mới là chấn thương mà chảy máu mũi có khi lại do trẻ tự gây chấn thương cho mình hoặc người nuôi dưỡng (bố mẹ, ông bà, cô giáo) như khi trẻ tự ngoáy mũi, lau chùi mũi mạnh, không đúng cách, người lớn bắt trẻ xịt rửa mũi xì mũi…

Nguyên nhân thường gặp

Do dị vật mũi: Tuổi hay gặp là lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo; biểu hiện của chảy máu mũi do nguyên nhân này trẻ bị chảy dịch mũi thối lẫn máu kéo dài ở một bên; chẩn đoán xác định khi soi thấy dị vật trong hốc mũi bên chảy máu; dị vật này thường do trẻ tự nhét vào mũi hoặc bạn trong lớp mẫu giáo nhét vào mũi trẻ.

Cách xử trí: Gắp dị vật rồi tùy theo tình trạng viêm nhiễm của mũi mà sử dụng kháng sinh toàn thân hoặc tại chỗ.

Do chấn thương tại chỗ: Nguyên nhân của chảy máu mũi khi bị chấn thương tại chỗ thường là: do viêm nhiễm tại mũi của trẻ gây loét niêm mạc mũi, đặc biệt là vùng điểm mạch Kisselback; do viêm mũi làm trẻ ngứa, khó chịu nên ngoáy mũi hoặc dụi mũi nhiều làm tổn thương vùng điểm mạch Kisselback (vùng nối giữa các nhánh của động mạch cảnh trong và cảnh ngoài, nằm ở hai bên vách ngăn - điểm mạch này rất dễ chảy máu) hoặc đầu cuốn dưới; do tai nạn giao thông hoặc sinh hoạt gây vỡ các mạch vùng mũi.

Điều trị chảy máu mũi

Thường phải dựa vào phân loại mức độ

Chảy máu mũi nhẹ: lượng máu chảy thường ít, chảy nhỏ giọt và có xu hướng tự cầm. Thường là chảy máu ở điểm mạch. Chảy máu mức độ nhẹ chưa ảnh hưởng tới tình trạng toàn thân.

Chảy máu mũi vừa: máu chảy thành dòng đỏ tươi, tràn ra mũi trước hay xuống họng, có xu hướng kéo dài. Mức độ ảnh hưởng toàn thân ít: da xanh, mạch nhanh 100 - 120 lần/phút huyết áp tối đa 80-100mmHg, hồng cầu giảm.

Chảy máu mũi nặng: thường do vỡ các mạch lớn, mức độ mất máu nhiều hoặc chảy kéo dài, tái diễn nhiều lần. Toàn trạng ảnh hưởng rõ: mạch nhanh trên 120 lần/phút huyết áp hạ tối đa dưới 80mmHg, vã mồ hôi mặt tái nhợt. Hồng cầu dưới 2,5 triệu/mm3.

Hoặc dựa vào vị trí chảy máu:

Chảy máu qua mũi trước: chảy máu ở điểm mạch Kisselback: dễ thấy nhất vàhay gặp; chảy ở cuốn dưới mũi; chảy ở khe giữa mũi.

Chảy máu mũi sau: quan sát thấy máu không chảy qua lỗ mũi trước mà lại nhổ ra máu.

Xử trí

Chảy máu nhẹ: cách thường sử dụng là dùng hai ngón tay bóp nhẹ cánh mũi trong 5 phút.

Chảy vừa và nhiều thì nhét bấc mũi trước, mũi sau. Kết hợp với thuốc: tiêm transamin cho bệnh nhân 6 giờ một ống; tiêm vitamin K; tùy theo lượng mất máu mà đặt ra chỉ định truyền máu hay không.

Hiện nay trên thế giới, người ta có thể dùng dụng cụ cầm máu bằng bóng nước (Ballon) bằng chất dẻo có hai van khác nhau. Dụng cụ này được đưa vào mũi qua cửa mũi trước qua hốc mũi đến cửa mũi sau. Bóng nước số 1 được bơm căng và kéo ra trước chèn kín cửa mũi sau. Sau đó bóng nước số 2 được bơm đầy chèn kín hốc mũi trước.

Nếu không cầm được máu có thể thắt các động mạch: động mạch cảnh ngoài; động mạch hàm trong; động mạch sàng trước.

Ngày nay phương pháp dùng đông điện dưới dự hướng dẫn của nội soi để cầm máu đã được áp dụng rộng rãi. Các động mạch có thể gây tắc mạch qua thông mạch chọn lọc đem lại kết quả tốt.

Muốn xử trí cầm máu đúng phải biết đánh giá mức độ chảy máu. Nhét bấc đúng kỹ thuật là biện pháp hữu hiệu có thể kiểm soát hầu hết mọi trường hợp chảy máu mũi Để phòng chảy máu mũi cần tuyên truyền giáo dục cha mẹ, người trông trẻ và bản thân trẻ biết phương pháp sơ cứu đơn giản để cấp cứu các trường hợp chảy máu mũi nhẹ và vừa có hiệu quả.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật