Hội chứng Marfan, tự kỷ với một số nhân vật kiệt xuất trong lịch sử

Thiên tài, theo Từ điển tiếng Việt: Tài năng nổi bật, hơn hẳn mọi người dường như là được trời phú cho. Còn theo nhà di truyền học Vladimir E. Froismon (Nga) lại đưa ra một giả thuyết vào đầu thế kỷ 20 là "Thiên tài thường mắc một căn bệnh đặc biệt nào đó và chính những căn bệnh này đã tác động khiến họ có những khả năng phi thường".

Bệnh gút tạo thiên tài

Bệnh gút, còn gọi là thống phong (Trung Quốc), tiếng Anh: Gout, tiếng Pháp: goutte... được hình thành từ một sự rối loạn về chuyển hóa chất với nguyên nhân là nồng độ axit uric quá cao trong máu và các chất dịch khác trong cơ thể. Khi nồng độ axit uric trong các dịch cơ thể vượt quá một trị số nhất định, dẫn đến các tinh thể axit uric sẽ được tạo thành ở các khớp gây ra viêm khớp cấp tính (đau ghê gớm ở các khớp, đặc trưng nhất là khớp ngón chân cái) và về lâu dài gây ra tổn thương mạn tính vì các tinh thể axit uric còn tập trung lại ở các sụn, khớp và xương, ở các hoạt dịch nang, gân, mô liên kết và thận Bệnh này thường được quan niệm là bệnh của người giàu vì thường xảy ra ở người ăn nhiều thịt.

Bệnh tật thường mang lại rủi ro cho người mắc, nhưng qua thống kê của nhà khoa học Nga V. E. Froismon, thấy có điều đặc biệt là một số bệnh nhân mắc bệnh này lại là những người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực. Dẫn chứng có: Francis Bacon (1561-1626) nhà triết học, nhà văn, chính khách nước Anh; Galileo Galileo (1564-1642) nhà thiên văn học, dũng cảm chứng minh học thuyết Copernic: Trái đất quay quanh mặt trời; Isaac Newton (1643-1727) nhà vật lý thiên tài người Anh với định luật vạn vật hấp dẫn; Gotlifried Wilhelm Leibniz (1646-1716) nhà triết học, sử học, toán học Đức; Charles Darwin (1809-1882) nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên, người Anh, sáng lập học thuyết duy vật chủ nghĩa về nguồn gốc và sự phát triển của các giống vật: "quy luật chọn lọc tự nhiên"; Rudolf Diesel (1859-1913), người chế tạo ra động cơ đốt trong diesel... Danh sách còn khá dài.

Hiện tượng này được nhà khoa học Nga giải thích "Hiện tượng axit uric với nồng độ cao trong máu là tác nhân kích thích bộ não làm việc mạnh mẽ thành phần cấu tạo của axit uric cũng tương tự như thành phần chất cafein và theoberomin, những chất kích thích có trong cafe và chè. Do đó, trong máu nhiều chất axit uric không chỉ góp phần làm tăng khả năng nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên mà còn thúc đẩy tài năng nghệ thuật (các họa sĩ vĩ đại như Michel Angelo, Rembrandt) và khả năng hoạt động xã hội (như một số chính khách: Bacon, Leibniz, Bismark).

Tất nhiên, không phải ai cứ mắc bệnh gút đều trở thành thiên tài vì nếu thế thiên tài đâu có hiếm như lá mùa thu.

Hội chứng Marfan với một số nhân vật kiệt xuất

Hội chứng này là một căn bệnh di truyền làm tổn thương mô liên kết. Những biểu hiện cơ bản của bệnh này là người cao, gầy, các ngón tay và chân dài và mảnh khác thường có dị tật ở tim và thủy tinh thể trong mắt bị xê dịch một phần. Bệnh nhân thường có khuôn mặt dài và hẹp. Bệnh này được bác sĩ nhi khoa người Pháp A marfan mô tả vào năm 1896, khá hiếm gặp, xác suất gặp bệnh này ước là 1/50.000. Có khá nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới mắc hội chứng Marfan điển hình như:

Các chính khách

- Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln (1809-1865) người có công xóa bỏ chế độ nô lệ xấu xa ở nước này. Ông có năng lực làm việc phi thường, phán đoán chính xác và dũng cảm trong các quyết định.

- Tổng thống Pháp, Charles de Gaulle (1890-1970). Ông từng là vị tướng xuất sắc của Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ 2 và sau trở thành tổng thống, người đã góp phần tích cực trong việc đưa nước Pháp trở thành một cường quốc khi mà trải qua một cuộc chiến mang đậm dấu vết tàn phá, chết chóc.

Nhà văn và nghệ sĩ

- Hans Christian Andersen (1805-1875), một nhà văn nổi tiếng người Đan Mạch xuất thân từ một gia đình nghèo khổ, sớm mồ côi, đi học muộn. Với những câu chuyện cổ tích ngụ ngôn xuất sắc qua tập: "Truyện kể cho trẻ em với hơn 150 chuyện có tính chất huyền thoại, dân gian, lịch sử có khi hư cấu dựa trên cơ sở cuộc sống hằng ngày, mang ý nghĩa triết lý sâu sắc, đề cao đạo đức, phê phán thói hư tật xấu của xã hội... Ông đã làm say mê, lôi cuốn không chỉ trẻ em mà cả người lớn, mãi cho đến ngày nay.

- Niccolo Paganini, nhà vĩ cầm tài hoa người Ý. Với những ngón tay siêu mềm dẻo đã cho phép nhà chơi đàn xuất sắc này thực hiện những biến tấu phức tạp nhất của vĩ cầm thậm chí chỉ trên một dây đàn. Thiên hạ đồn rằng, ông có các ngón tay siêu mềm dẻo như vậy là nhờ đã trải qua một cuộc phẫu thuật cực kỳ phức tạp (!). Vì các tác phẩm do ông sáng tác chỉ riêng mình ông thể hiện được, không có nhạc công nào từ thời Paganini có những ngón tay dài, thon, nhạy cảm, mềm dẻo và nhanh như ông để có thể đạt đỉnh cao khi chơi đàn.

Một số nhà khoa học cho rằng những nhân vật trên có được những thành tựu có một không hai là do hội chứng marfan một căn bệnh đã sản sinh ra nhiều chất catécholamin trong máu. Đây là tố chất đã góp phần kích thích sự hoạt động cao của trí óc và sinh lý cơ thể khiến cho họ có năng lực làm việc khác thường.

Hội chứng tự kỷ và khả năng dị thường

Những người bị hội chứng tự kỷ thường được coi là thiểu năng trí tuệ họ thường sống câm lặng và khép mình trong thế giới riêng của mình, dường như không có một biểu hiện cảm xúc nào, khuôn mặt luôn trống rỗng. Họ gặp khó khăn khi đọc tên của chính mình, không phân biệt nổi giá trị khác nhau giữa các đồng tiền, không nhớ nổi đường về nhà dù chỉ mới đi loanh quanh gần đâu đó, đi qua đường mà không có người dắt thì khó tránh khỏi bị xe cộ đâm phải, nhưng họ có khả năng đặc biệt, người thì đọc và viết được khoảng 30 ngoại ngữ (Christopher Taylor), tính nhẩm nhanh chóng những số có 12 chữ số, nói chính xác các ngày trong tuần cho 4.000 năm, đọc vanh vách các mã số điện thoại trong danh bạ và các bảng giờ tàu xe đi đến (Kim Peek), vẽ lại chi tiết một khu vực rộng khoảng 10km2 của Luân đôn chỉ bằng một chuyến bay trực thăng trên bầu trời thủ đô nước Anh với sự ngắm nhìn qua cửa sổ máy bay (Stephen Wiltshire), thậm chí bị mù, không nhìn thấy nốt nhạc mà thuộc khoảng hơn 8.000 bản nhạc, kể cả tác phẩm cổ điển của Mozart, nhạc Jazz hoặc những bài hát hiện đại, thông qua một chiếc cassette (Tony de Blois) với điều kiện chỉ nghe mỗi bài một lần là có thể chơi lại bản nhạc đó hoàn chỉnh và không bao giờ quên.

Trên thế giới, theo ước tính có khoảng gần 100 người mắc hội chứng tự kỷ có khả năng như vậy. Các nhà khoa học cho rằng cơ chế hoạt động của bộ não chỉ cho phép nhớ những sự kiện quan trọng, chính sự gạn lọc này làm giảm khả năng nhận biết và trí nhớ của con người.

Có ý kiến cho rằng có sự tổn thương của não, bán cầu não trái, chịu trách nhiệm về ngôn ngữ, hiểu các ký hiệu, ký tự và tư duy logic, bị tổn thương, mất tác dụng do đó tạo cho những khả năng tiềm ẩn nằm trong bán cầu não phải được phát huy tác dụng do đó tạo cho những khả năng tiềm ẩn nằm trong bán cầu não phải được phát huy tác dụng (chi phối khả năng tính toán và nghệ thuật). Thường thì bán cầu não trái chỉ cho phép bán cầu não phải hoạt động trong phạm vi nhất định nhưng khi cơ chế "độc tài" này bị mất tác dụng thì mọi sự xảy ra như trên. Các cụ già, đôi khi cũng xảy ra tương tự. Ở một độ tuổi nào đó, có thể lẫn lộn tên con, cháu nhưng lại đột xuất say mê sáng tác và rất thành công. Từ hội chứng tự kỷ các nhà khoa học đang nghiên cứu tìm cách tăng khả năng trí nhớ của con người mà không gây nguy hiểm cho sự cân bằng hóa điện tử của bộ não

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật