Mang bệnh vì thuốc trị bệnh, các bạn hãy chú ý khi sử dụng các loại thuốc nhé!

Dạo này ông Lâm hay bị hồi hộp, đánh trống ngực; đôi lúc cảm thấy tức ngực, khó thở, nhất là những lúc phải leo lên gác. Ông đã đi khám tim mạch và được bác sĩ chẩn đoán là rung nhĩ nhanh - loạn nhịp tim hoàn toàn.

Sau đó bác sĩ kê đơn cho ông dùng thuốc cường tim digoxin với liều 1viên/ngày, uống trong 3 ngày rồi đến khám lại, hoặc khi thấy có gì bất thường. Uống thuốc theo lời dặn của bác sĩ, ông Lâm thấy hết triệu chứng hồi hộp, cảm giác như bệnh đã khỏi. Thấy bệnh đã hết, ông Lâm tặc lưỡi nói với vợ: Mình hợp với thuốc này nên thôi chẳng cần đi khám lại làm gì cho cách rách. Cứ mua thuốc bác sĩ đã kê cho mà uống.

Lạ thay uống thuốc được chừng 10 ngày, ông Lâm thấy người mệt mỏi có lúc muốn ngất xỉu; kèm theo ông cảm thấy đau đầu buồn nôn và có lúc bị nôn chán ăn Lúc này, ông mới vội vàng quay trở lại bác sĩ để khám bệnh. Lần này, bác sĩ đã kết luận ông bị ngộ độc thuốc digoxin, gây nên biến chứng loạn nhịp tim; làm cho nhịp tim rất chậm, rất nguy hiểm.

Ông Lâm được nhập viện ngay và được các bác sĩ điều trị cấp cứu kịp thời. Sau 1 thời gian điều trị sức khoẻ của ông đã dần hồi phục. Khi ra viện, bác sĩ đã kê cho ông một đơn thuốc còn ân cần dặn dò ông rằng: Digoxin là thuốc cường tim có tác dụng làm nhịp tim chậm lại và tăng cường sức co bóp của cơ tim

Dùng chủ yếu điều trị các trường hợp suy tim hoặc rung nhĩ có nhịp rất nhanh, như trường hợp của bác. Tuy nhiên, thuốc có một đặc điểm là liều tác dụng điều trị với liều gây độc khá gần nhau; thời gian lưu lại trong máu của thuốc khá dài, dễ gây nên hiện tượng tích luỹ thuốc trong cơ thể dẫn đến ngộ độc thuốc.

Do vậy, việc sử dụng thuốc đòi hỏi phải được theo dõi hết sức chặt chẽ, nếu bị ngộ độc, có thể gây nên các biến chứng rất nặng, đặc biệt là loạn nhịp tim (thuốc có thể gây nên loạn nhịp ngoại tâm thu thất; tắc nghẽn đường dẫn truyền nhĩ - thất độ 2-3 hoặc làm chậm nhịp tim quá mức), đe dọa tính mạng của người bệnh.

Thời gian và liều lượng thuốc sử dụng không phải giống nhau ở tất cả các bệnh nhân. Mỗi trường hợp bệnh cụ thể bác sĩ sẽ có chỉ định riêng, đồng thời khi sử dụng thuốc, bệnh nhân phải được theo dõi sát để điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp.

Trong những trường hợp điều trị ngoại trú, nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường như: đau đầu rối loạn tiêu hoá (đầy bụng, chậm tiêu; chán ăn hay ăn kém ngon miệng; buồn nôn và nôn), mệt xỉu thậm chí có những cơn ngất lịm; tự bắt mạch thấy tim đậm chậm hoặc đập không đều... thì phải lập tức tới khám chuyên khoa tim mạch để phát hiện và xử trí kịp thời nếu có ngộ độc thuốc.

Bây giờ thì ông Lâm đã biết rất rõ rằng, phải tuân thủ tuyệt đối lời dặn và lời khuyên của thầy thuốc, nếu không, đôi khi phải trả giá bằng tính mạng của mình. Tuyệt đối không bao giờ tự ý điều trị bệnh, nhất là các thuốc về tim mạch. 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật