Nguyên nhân và cách điều trị hiện tượng đái ra máu hiệu quả

Đái ra máu là hiện tượng có nhiều hồng cầu hơn bình thường trong nước tiểu. Đái ra máu có nhiều nguyên nhân khác nhau và ở vị trí nào của cơ quan đường tiết niệu cũng có thể bị tổn thương và gây đái máu. Đái ra máu có thể đơn thuần ở một bộ phận nào đó của cơ quan đường tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo) nhưng cũng có thể nhiều cơ quan của đường tiết niệu bị tổn thương gây đái máu cùng một lúc. Trong bài viết này xin đề cập đến đái máu không phải nguyên nhân từ thận.

Một số nguyên nhân thường gặp gây đái máu thuộc các bộ phận đường tiết niệu nhưng không phải từ thận

Cơ quan đường tiết niệu có các bộ phận như hai quả thận, nối giữa hai quả thận với bàng quang là hai niệu quản, nối với bàng quang là niệu đạo - bộ phận dẫn nước tiểu từ bàng quang đi ra ngoài. Bộ phận nào của cơ quan đường tiết niệu cũng đóng vai trò hết sức quan trọng và cũng có thể bị bệnh, tổn thương nhất là tổn thương do tác động cơ học gây đái ra máu. Khi niệu quản bị tổn thương thường do sỏi, nhất là sỏi có nhiều góc, cạnh (sỏi dạng san hô) từ thận rơi xuống làm cho niêm mạc niệu quản bị trầy xước gây chảy máu

Khi bị sỏi niệu quản thường có các cơn đau (đau dữ dội hoặc đau âm ỉ, kèm theo có thể bị đầy hơi, trướng bụng, có khi gây buồn nôn dễ nhầm với một số bệnh khác thuộc đường tiêu hoá) nhất là khi lao động nặng nhọc, đi tàu xe bị xóc nhiều hoặc hoạt động thể thao quá mức. Bàng quang giống như một bể chứa nước tiểu vì vậy mặc dù bàng quang không bị tổn thương nhưng do tổn thương ở thận hay niệu quản thì nước tiểu chứa trong bàng quang vẫn có máu. Bàng quang cũng có thể bị tổn thương. Tổn thương ở bàng quang gây chảy máu và đái ra máu, có nhiều nguyên nhân khác nhau như do sỏi bàng quang sỏi bàng quang có thể sỏi được hình thành ngay tại bàng quang do các cặn từ thận theo dòng nước tiểu đi xuống rồi lắng đọng ở bàng quang nhiều ngày và hình thành sỏi hoặc sỏi bàng quang có thể là sỏi từ thận, niệu quản đi xuống.

Người ta cũng hay gặp đái máu nguyên nhân từ bàng quang như bàng quang bị viêm cấp tính (sẽ có nhiều triệu chứng lâm sàng đi kèm máu như đái dắt, đái buốt, đái máu...) hoặc khối u bàng quang (ung thư bàng quang, pôlýp bàng quang) hoặc do lao bàng quang. Có những trường hợp đái máu từ bàng quang do việc nội soi thăm dò bàng quang hoặc tán sỏi bàng quang niệu đạo cũng có thể bị tổn thương gây đái máu. Đái máu do niệu đạo thường máu tươi, có thể do thực hiện một số thủ thuật như nong niệu đạo trong trường hợp niệu đạo bị hẹp hoặc chảy máu niệu đạo do chấn thương làm dập nát niệu đạo. Ngoài các nguyên nhân từ niệu quản, bàng quang, niệu đạo người ta cũng có thể  gặp đái máu do cơ quan tuyến tiền liệt (ung thư).

Muốn xác định bị đái máu do ở bộ phận nào và lý do gây đái máu nên làm gì?

Khi bị đái ra máu cần đi khám bệnh, đi khám bệnh càng sớm càng tốt và nếu có điều kiện thì nên đi khám ở chuyên khoa tiết niệu. Để xác định nguyên nhân gây đái ra máu người ta cần làm các xét nghiệm cần thiết nhưng trước tiên cần xác định xem có phải đái ra máu thực sự hay không hay là người bệnh bị nhầm giữa đái máu và nước tiểu vàng đậm, xem qua giống như đái ra máu. Trong những trường hợp chưa xác định có đái máu hay không thì người ta phải làm xét nghiệm cặn Addis nước tiểu, song song việc làm đó người ta còn xét nghiệm máu chảy, máu đông xét nghiệm nước tiểu, chụp Xquang thận không chuẩn bị chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).

Trong những trường hợp nghi ngờ có sỏi nhưng chụp Xquang không xác định được thì cần chụp thận ngược dòng... Ngày nay siêu âm cũng đang trên đà phát triển và có những đóng góp đáng kể trong việc chẩn đoán xác định nguyên nhân gây đái máu cũng như vị trí tổn thương của hệ thống tiết niệu, tuy vậy kết quả tốt hay không còn tuỳ thuộc vào sự tiến bộ về máy siêu âm và nhất là trình độ, kinh nghiệm của bác sĩ siêu âm. Việc phòng bệnh và điều trị đái máu như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên nhân gây đái máu. Khi xác định được nguyên nhân thì việc điều trị cũng như phòng bệnh sẽ gặp nhiều thuận lợi. Ví dụ đái máu nguyên nhân do sỏi thì cần nhanh chóng giải quyết nguyên nhân.

Tuy vậy việc giải quyết nguyên nhân do sỏi phải do thầy thuốc khám bệnh cho người bệnh ra chỉ định hoặc đưa  ra các giải pháp để người bệnh chọn lựa chứ không phải người bệnh nghe mách bảo của người khác mà làm theo. 

Có nhiều trường hợp sỏi tiết niệu ngoài triệu chứng đái máu còn làm giãn đài bể thận hoặc gây thận ứ nước tiểu thì việc giải quyết lấy sỏi là rất cần thiết. Hoặc để đề phòng bệnh sỏi tiết niệu cần uống đủ lượng nước hàng ngày, không nên nhịn tiểu mỗi khi đã buồn đi tiểu hoặc khi phát hiện bị viêm đường tiết niệu thì cần đi khám bệnh và tích cực điều trị không để bệnh trở nên mạn tính làm cản trở dòng chảy tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành sỏi.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật