Những cách nhận biết và xử trí khi trẻ bị hít sặc hiệu quả

Hít sặc xảy ra khi dị vật rơi vào đường hô hấp gây tắt nghẽn đường thở, làm trẻ đột ngột ho dữ dội, khò khè, khó thở, tím tái. Dị vật có thể là sữa hay thức ăn, nước uống và những vật nhỏ như viên bi, kẹp giấy… mà trẻ có thể bỏ vào miệng. Những người chăm sóc trẻ nên cảnh giác với nguy cơ hít sặc ở trẻ và biết cách xử lý khi có hít sặc xảy ra.

Tình trạng hít sặc có thể chỉ thoáng qua như trẻ ho vài tiếng, tím nhẹ rồi tự hết nhưng có những trường hợp trẻ sặc sụa, tím tái nặng, ngưng thở và tử vong Nếu may mắn sống sót trẻ dễ bị tổn thương não do thiếu oxy viêm phổi hít…

Nhận biết và cách xử trí trẻ bị hít sặc

Nhận biết:

- Trẻ đột ngột ho sặc sụa, khò khè, có thể tím tái, thở nấc và suy hô hấp nhất là khi trẻ đang ăn uống hay đang chơi với những đồ vật nhỏ.

- Trẻ sốt, ho, khò khè kéo dài ho ra máu viêm phổi tái đi tái lại phải nghi ngờ dị vật bỏ quên trong đường thở do trẻ hít sặc trước đó mà ta không biết.

Cách xử trí:

Nếu trẻ còn ho được thì khuyến khích trẻ ho mạnh để tống dị vật ra ngoài. Nếu trẻ có biểu hiện khó thở nặng, vật vã, tím tái, ngưng thở, hôn mê… chúng ta phải thật bình tĩnh để thực hiện những động tác cấp cứu cho trẻ.

Đối với trẻ sơ sinh và nhũ nhi, làm động tác vỗ lưng ấn ngực:

Đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay, đầu dốc xuống thấp, lòng bàn tay không che miệng mũi trẻ hay siết chặt cổ trẻ. Dùng lòng bàn tay còn lại vỗ mạnh 5 lần vào lưng trẻ vùng giữa hai xương bả vai. Sau đó lật ngửa trẻ, nếu còn khó thở dùng hai ngón tay ấn ngực trẻ 5 lần ở vị trí giữa ngực dưới đường nối hai núm vú khoảng 1cm (H. 1A và 1B). Nếu bé hồng hào lại bồng bé đầu cao và giữ yên, nếu còn khó thở ta tiếp tục thực hiện động tác vỗ lưng ấn ngực nhiều lần và gọi đội cấp cứu.

Tuyệt đối không xách ngược trẻ vì cách này thường không hiệu quả mà dễ làm tổn thương cột sống cổ và có thể làm rơi trẻ xuống đất.

Đối với trẻ lớn ta làm thủ thuật Heimlich:

Khi trẻ còn tỉnh, đứng hay quỳ phía sau trẻ, vòng hai tay ngang trước người trẻ, đặt một nắm tay ngay vùng thượng vị, bàn tay còn lại đặt chồng lên, đột ngột nhấn mạnh và nhanh theo hướng từ dưới lên trên và từ trước ra sau, thực hiện 5 lần (H.2A).

Khi trẻ mê đặt trẻ nằm ngửa, qùy gối cạnh trẻ, đặt hai bàn tay lên nhau ở vùng dưới xương ức trẻ, đột ngột ấn mạnh và nhanh 5 lần theo hướng về phía đầu trẻ (H.2B).

Sau đó kiểm tra miệng trẻ nếu thấy rõ dị vật được tống lên và có thể lấy ra dễ dàng thì móc dị vật ra, không được móc mù (không thấy dị vật) vì làm như vậy có thể đẩy dị vật vào sâu hơn, gây tắt nghẽn đường thở nhiều hơn.

Trong trường hợp thất bại có thể thực hiện nhiều lần các thủ thuật trên đến khi nào dị vật được đẩy ra và trẻ thở lại bình thường. Nếu trẻ ngừng thở phải ngửa đầu, nâng cằm trẻ và hà hơi thổi ngạt, ấn tim ngoài lồng ngực (H.3). Bên cạnh việc thực hiện thủ thuật tống đẩy dị vật cho trẻ phải gọi ngay đội cấp cứu đến giúp đỡ và đưa trẻ vào bệnh viện

Phòng ngừa

Dị vật đường thở do hít sặc thường xảy ra ở lứa tuổi từ 6 tháng đến 3 tuổi do trẻ bắt đầu phát triển vận động, thường cầm nắm các đồ vật và hay cho vào miệng. Với những trẻ nhỏ hơn thường sặc sữa cháo, bột khi ta cho trẻ ăn hoặc bú. Do vậy, các bậc phụ huynh nên cẩn thận để ý đến những vấn đề sau:

- Không cho trẻ ăn uống khi nằm hay khi ngủ, khuyến khích trẻ không nên chạy nhảy, cười đùa trong khi ăn.

- Lựa chọn thức ăn phù hợp với lứa tuổi của trẻ và chế biến sao cho trẻ nhai và nuốt dễ dàng.

- Cho trẻ ăn từ từ từng muỗng nhỏ, không la mắng ép trẻ ăn nhanh vì nếu trẻ khóc hay nuốt vội vàng sẽ dễ làm trẻ sặc.

- Khi cho bú nên bồng trẻ trên tay với tư thế đầu và vai cao hơn chân, khi trẻ ọc sữa nghiêng đầu trẻ sang một bên để chất nôn không vào đường thở.

- Lấy hết các hạt trong trái cây khi cho trẻ ăn những loại quả như dưa hấu mãng cầu…

- Cho trẻ chơi với những đồ vật lớn và khó tháo rời để trẻ không thể cho vào miệng, đồng thời để những vật dụng nhỏ xa tầm nhìn và tầm với của trẻ.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật