Nứt gót chân do hanh khô, nên dùng thuốc gì cho hiệu quả?

Mẹ em 53 tuổi, làm nông nghiệp nên cứ đến mùa đông là gót chân bị nứt nẻ, nhiều khi đau rát, chảy máu khiến việc đi lại cũng gặp khó khăn. Xin quý báo cho biết, mẹ em nên dùng loại thuốc gì để chữa nứt gót chân?

Nguyễn Văn Tân (Thái Bình)

Thời tiết hanh khô trong mùa đông là một trong những nguyên nhân khiến da bị thiếu độ ẩm gây hiện tượng nứt gót chân với biểu hiện tại phần da khô ở gót chân bị mất đi độ đàn hồi và tách ra khi trọng lực cơ thể dồn xuống chân.

Trường hợp nặng, các vết nứt có thể gây chảy máu thậm chí tổn thương sâu bội nhiễm do vi khuẩn và virut thâm nhập.

Nứt gót chân thường gặp ở những người làm việc có liên quan nhiều đến đôi chân mà không đeo dụng cụ bảo vệ chu đáo như người làm nghề vệ sinh môi trường, cấy lúa hoặc các công việc đồng áng, công nhân công trường, làm việc tại công xưởng nhiều chất bẩn, bụi và khí độc... Hiện nay, trên thị trường có một số loại dược phẩm có công dụng chữa trị hiện tượng này. Khi lựa chọn, bạn cần chú ý đến thành phần có chứa axit lactic malic, chất dưỡng ẩm, urea… Axit lactic và malic giúp tẩy tế bào chết trên bề mặt da, đồng thời cung cấp độ ẩm tối đa để nuôi dưỡng, chữa lành và làm mềm da.

Hai chất này cũng là lớp bảo vệ ngăn ngừa sự thất thoát của bã nhờn và các loại dầu tự nhiên có trong da. Các dưỡng chất như vitamin E, dimethicone và chất siêu dưỡng ẩm natri PCA kết hợp với dầu mầm lúa mì cũng giúp cải thiện nứt nhanh chóng. Urea là thành phần tự nhiên có trong tế bào khỏe mạnh, có đặc tính kháng nấm và kháng viêm đặc biệt giúp chữa lành nhanh chóng các chứng khô nứt tách da, có độc tính thấp và ít gây dị ứng nên bạn cần chọn thuốc có chứa thành phần này từ 10% trở lên.

Hầu hết các dược phẩm này được bào chế dưới dạng kem bôi ngoài da, có tác dụng tại chỗ, do đó để đạt hiệu quả tốt nhất, bạn nên khuyên mẹ rửa sạch, lau khô phần gót chân trước khi dùng rồi thoa và massage đều kem trên da với lượng phù hợp. Bạn cần chú ý không được tự chọn mua kháng sinh hoặc thuốc không rõ nguồn gốc hay theo lời mách bảo khi mẹ bạn chưa được thăm khám và có hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài ra, để hạn chế tình trạng nứt gót chân bạn khuyên mẹ nên uống nhiều nước, ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin A, C, E, giàu chất béo omega-3, sắt canxi kẽm để cung cấp thêm dưỡng chất cho da. Trong sinh hoạt hàng ngày nên giữ ấm cho chân, luôn giữ chân khô ráo, sạch sẽ và không nên đi chân trần trong nền thô ráp. Tuyệt đối không dùng dao hay kéo để cạo lớp gót chân dày sẽ không cải thiện tình trạng nứt mà còn khiến lớp da đó dễ bị nhiễm khuẩn

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật