Phóng viên đối mặt với 'tử thần' Ebola có thể bị lây nhiễm

Họ là những người bất chấp nguy hiểm nhằm đưa những thông tin nóng hổi nhất về dịch bệnh đến công chúng.

Trên con đường bùn đất lầy lội đầy ổ gà tại khu ổ chuột New Kru Town, thủ đô Monrovia (Liberia), một tốp trẻ em tò mò đứng nhìn nhà báo Lenny Bernstein diễn trò.

Khi anh chuyển sang làm mặt giận dữ pha hài hước, đám trẻ ồ lên thích thú. Rồi như mong muốn có thêm nhiều trò vui nữa, một cô bé 5 tuổi có vẻ dạn dĩ nhất rời bức tường thấp ngăn cách hai bên, tiến lại gần hơn, chìa bàn tay nhỏ nhắn về phía Lenny và đề nghị: 'Bắt tay cháu nào'.

Nhà báo Lenny Bernstein giữ nguyên hai cánh tay bên người và lắc đầu từ chối, cố che giấu nỗi buồn Không chạm vào bất cứ ai dù đó là trẻ em, là người lớn, thậm chí cả đồng nghiệp hay người quen biết, là nguyên tắc tác nghiệp hàng đầu tại tâm dịch Ebola với những nhà báo như Lenny.

'Bạn không thể biết được virút chết người nhưng không thể nhìn thấy này đang ở đâu. Một khi virút đã nằm trên những ngón tay, bạn sẽ vô tình quẹt tay lên mắt và rồi nhiễm bệnh', phóng viên của tờ Washingtonpost chia sẻ.

Dấn thân mỗi ngày trong vùng dịch, từ những bài học truyền tai của người trong nghề và kinh nghiệm bản thân, Lenny cùng các phóng viên hiện trường tại đây dần đặt ra những quy tắc cơ bản và dặn mình phải ghi nhớ nằm lòng. Những tiếp xúc cơ thể trong vùng dịch là điều tối kỵ khi không thể biết người đối diện có nhiễm vi-rút hay không.

Quy chuẩn an toàn còn nghiêm ngặt hơn một khi bước chân vào các trung tâm điều trị. Bạn không được chạm tay trần vào bất cứ vật gì từ những bức tường hay một mảnh giấy và nếu chẳng may vô tình, bạn phải rửa tay bằng chlorine ngay lập tức. Cẩn trọng là điều quan trọng nhất, bởi không ai biết có bao nhiêu vi-rút đang sinh sôi trong không gian dày đặc người bệnh tại các trung tâm điều trị và chỉ chực chờ lao đến tấn công những người sơ sẩy.

Các phóng viên tác nghiệp ở tâm dịch Ebola tại Tây Phi cũng dần làm quen với những dụng cụ tác nghiệp đặc biệt. Ví như bình thuốc khử trùng luôn mang theo bên mình, số lần rửa tay bằng chroline nhiều không thể nhớ hết, kiểm tra thân nhiệt 2 lần mỗi ngày khử trùng giày dép, các phương tiện di chuyển và với cả những cuộc phỏng vấn từ xa.

'Nhà báo MacDougall dặn dò tôi nên đứng phỏng vấn cách xa 2-3 m, đề phòng người đang nói chuyện ho hắt hơi khạc nhổ hay tệ hơn là xuất huyết', Lenny kể về lời khuyên của đồng nghiệp khi phỏng vấn người bệnh bên ngoài những trung tâm y tế chật kín tại Monrovia.

Cảm xúc 'kỳ quái' sau khi trở về từ Liberia vì suốt hai tuần liền không chạm vào một ai là điều được phóng viên Marc Bastian từ hãng thông tấn AFP chia sẻ. Anh cũng gần như phải hét lên giữa cuộc phỏng vấn với bệnh nhân đứng cách xa mình 8 m.

Công việc lấy tin thậm chí còn khó khăn hơn với các phóng viên truyền thanh và phóng viên ảnh. Họ phải sử dụng tới cần thu âm, ống kính tele để lấy tin, chụp ảnh người bệnh đáp ứng nhu cầu tin tức mà không đặt cược tính mạng bản thân…

Một loạt biện pháp an toàn đòi hỏi các phóng viên hiện trường phải ghi nhớ và tuân theo trong môi trường tác nghiệp khắc nghiệt đầy rủi ro. Tất cả nhằm mục đích bảo vệ họ trong lúc theo đuổi nghề nghiệp vốn đã rất nhiều thách thức.

Kẻ thù vô hình tại tâm dịch và sự cô đơn khi trở về

Trong cái nắng gắt của miền khí hậu cận xích đạo, Reverend Oliver Yarblow nhắm mắt, đầu gục hẳn sang một bên trên băng ghế sau taxi phía ngoài trung tâm điều trị Ebola tại Sinkor, thủ đô Monrovia. Người đàn ông 44 tuổi có tiền sử tiểu đường đã được mẹ đưa tới 4 trung tâm y tế khác nhau tại thủ đô.

Đổi lại sự tuyệt vọng của người mẹ, nỗi đau đớn của người con trai là lời từ chối và yêu cầu thực hiện xét nghiệm trước khi nhập viện. Hầu hết các trung tâm y tế ở Liberia, giống như các nước khác tại tâm dịch, đều đã quá tải trước lượng lớn bệnh nhân trong điều kiện thiếu thốn nghiêm trọng.

Người đàn ông xấu số sẽ tiếp tục phải chờ thêm một ngày nữa để được xét nghiệm nhưng anh không chống chọi nổi. Hình ảnh đau đớn trong những giờ phút cuối đời của Reverend mà nhà báo Clair MacDougall ghi lại đã ám ảnh cô cũng như rất nhiều số phận khác mà cô chứng kiến kể từ khi Ebola bắt đầu tấn công Liberia. 

Bệnh dịch đã kéo bóng đen mang màu chết chóc và tuyệt vọng tới thành phố hơn 1,5 triệu dân này, nơi nữ nhà báo tác nghiệp ba năm nay. Cảnh tượng đám đông vây xung quanh các xác chết gục bên đường, những đội phu mộ thu nhặt thi thể nạn nhân Ebola trong các gia đình trong khi người thân bất lực đứng nhìn từ xa dần trở thành một phần trong đời sống hàng ngày tại đây.

Nỗi sợ lẫn vào tiếng còi xe cứu thương lao trên đường chật hẹp và nhòa đi trong nỗi đau không được chạm tay từ biệt người thân mắc Ebola trong giờ phút cuối. Không ai biết liệu khi nào Ebola sẽ chạm bàn tay chết chóc tới mình, liệu khi nào sẽ tới lượt mình.

Sống mỗi ngày trong tâm dịch, chứng kiến Ebola cướp đi nhiều sinh mạng và sức lây lan khủng khiếp của căn bệnh, các nhà báo như Clair cảm nhận sâu sắc nỗi đau đớn, sự tuyệt vọng và trên hết là sự sợ hãi. Mọi thứ đã để lại những dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp Clair về số phận lửng lơ trước cái chết của hàng nghìn nạn nhân.

Nỗi lo sợ khiến mỗi bước chân trên vùng dịch của các phóng viên hiện trường đứng trước nhiều rủi ro thường trực. Nhiều nhà báo cho rằng tác nghiệp tại vùng dịch Ebola thậm chí còn đáng sợ hơn cả các khu vực đang có chiến sự. Đơn giản vì Ebola là kẻ thù không thể nhìn thấy. Phóng viên chiến trường có thể nhìn thấy nơi nào bom rơi, nơi nào có pháo kích, nhìn thấy những kẻ xấu cầm súng trong tay, trong khi tại đây không ai biết virút Ebola đang ở những đâu.

Đến nay có ít nhất 5 nhà báo địa phương, 3 người từ Liberia và 2 từ Sierra Leone nằm trong danh sách hơn 4.500 bệnh nhân Ebola tử vong Trong đó có Victor Kassim, nhà báo đã chết cùng mẹ, vợ và hai con. 3 nhà báo khác trong đội tuyên truyền cộng đồng cũng bị dân làng truy đuổi và sát hại dã man tại một ngôi làng hẻo lánh ở Guinea.

Một quay phim tự do cho đài NBC nhiễm vi-rút Ebola đã trở về Mỹ điều trị và hồi phục. Tất cả khiến cho công cuộc tác nghiệp báo chí tại những ổ dịch Tây Phi trở nên khắc nghiệt và nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Kẻ thù vô hình còn theo chân các nhà báo, phóng viên ngay cả khi họ đã rời khỏi vùng dịch. Đối mặt với sự xa lánh của bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, các nhà báo trở về từ tâm dịch đếm ngược từng giây phút trong 21 ngày cách ly, thời kỳ ủ bệnh của Ebola, trong căng thẳng và cô đơn. Chỉ một biểu hiện nhỏ nhất, khi nhiệt độ nhích lên trên khoảng an toàn, một cơn sốt nhẹ, họ lại đối diện với nỗi lo lắng đến thắt lòng.

'Các sinh hoạt xã hội tồi tệ hơn. Mọi người từ chối bắt tay hay gặp gỡ kể cả khi bạn không bị sốt và không có triệu chứng bệnh', nhà báo Guillaume Lhotellier trở về từ Liberia chia sẻ.

Một nhà báo Thụy Sỹ khác phải ngủ trong phòng khách suốt 3 tuần do người vợ quá sợ hãi. Cũng thời gian đó anh không hề chạm vào ai, tự cách ly mình để biết chắc vi-rút Ebola không cùng anh trở về từ vùng dịch.

Tuy nhiên, bất chấp những hiểm nguy căng thẳng đối mặt trực diện với Ebola nơi thực địa cùng sợ e dè xa lánh tới cực đoan khi trở về, giống như Clair hay Lenny, rất nhiều phóng viên khác đã và đang lao mình vào tâm dịch, song hành cùng các y bác sĩ, các nhân viên cứu trợ làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống Ebola để đưa thông tin mới nhất, hình ảnh chân thật nhất về đại dịch. Đằng sau những câu chuyện mà họ ghi lại được nơi tâm dịch là sự cảm thông với những khó khăn, nỗi đau đớn cùng nỗ lực của người dân Tây Phi trước kẻ thù giấu mặt nguy hiểm.

'Hãy nhìn xa hơn, vượt ra khỏi biên giới đất nước và chính mình. Ebola có thể xâm nhập và làm lung lay thế giới phương Tây. Mọi người chỉ thực sự chú ý tới Ebola khi bác sĩ Mỹ Kent Brantly nhiễm vi-rút. Những người dân Tây Phi không khác chúng ta. Niềm vui, sự đấu tranh đau đớn và khổ sở của họ cũng cần được quan tâm như bất kỳ ai ở bất cứ nơi nào trên thế giới', nhà báo Clair nhắn nhủ từ tâm dịch.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật