Sống gần bãi rác khổng lồ, nguy cơ ung thư, rối loạn tâm thần

Hiện tại, Việt Nam chưa có nghiên cứu về vấn đề này song khả năng gây bệnh là hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo các bác sĩ người dân sống gần bãi rác khổng lồ không những phải chịu mùi hôi thối mà sức khỏe cũng bị ảnh hưởng, thậm chí còn có nguy cơ mắc bệnh ung thư

Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước nằm trên địa bàn xã Đa Phước, huyện Bình Chánh (TP HCM), đi vào hoạt động từ năm 2007 với bãi chôn lấp có diện tích hơn 30 ha và thể tích không gian khoảng 3 triệu m3. Sau nhiều năm hoạt động, khu xử lý rác này đang ngày càng phình to, biến thành một 'núi' rác khổng lồ.

Theo hướng gió thổi, mùi hôi nồng nặc của 'núi' rác Đa Phước vào tra tấn, hành hạ các khu dân cư ở quận 7, 8, huyện Bình Chánh khiến ai cũng bức xúc, khổ sở. Theo phản ánh của người dân, mùi hôi nồng nặc từ 'núi' rác tỏa đi từ sáng cho đến tối..

Điều lo lắng của người dân là liệu rằng việc sống gần khu tập kết rác thải lớn như thế liệu có ảnh hưởng tới sức khỏe hay không?

Trao đổi về vấn đề này, TS Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng phòng sức khỏe môi trường cộng đồng, Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho hay việc thường xuyên tiếp xúc với mùi hôi thối từ bãi rác chủ yếu tác động tới sức khỏe người già trẻ nhỏ và người mắc bệnh mãn tính Ở những đối tượng này, chúng không chỉ tác động lên hệ hô hấp mà đặc biệt là tim mạch bởi gây ra những stress khó chịu, cũng từ đó ảnh hưởng tới nhiều bệnh khác nhau.

Đặc biệt, nếu rác thải không được xử lý đúng quy trình sẽ ẩn chứa nhiều mầm bệnh tấn công các hộ gia đình thông qua côn trùng, ruồi, chuột. Đây là những sinh vật chứa nhiều mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Bên cạnh đó, nếu nguồn nước từ bãi rác không được kiểm soát sẽ bị rò rỉ ra bên ngoài làm ô nhiễm nước mặt hoặc ngấm xuống đất làm ô nhiễm nước ngầm.

Thông thường, nguồn nước này sẽ chứa vi sinh vật gây bệnh, kim loại nặng, chất hữu cơ từ rác thải, có thể xâm nhập vào cơ thể người dân, tích lũy qua thời gian và gây các bệnh nguy hiểm.

Khả năng gây ung thư?

Trả lời câu hỏi này, TS.BS Hoàng Đình Chân, Giám đốc chuyên môn bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, khẳng định: 'Những người dân sống gần khu vực bãi rác chắc chắn bị ảnh hưởng tới sức khỏe Nếu trong chất thải chứa các chất độc hại thì khả năng gây bệnh ung thư là có thể xảy ra'.

Thực tế, tạp chí Quốc tế về Dịch tễ học (International Journal of Epidemiology) từng công bố một công trình nghiên cứu kéo dài suốt 5 năm với 250.000 người sống gần những bãi rác ở Anh, Italia, Đan Mạch. Kết quả cho thấy hơn một nửa trong số này đã phải vào bệnh viện để điều trị những chứng bệnh về phổi, đặc biệt là ung thư phổi.

Hiện tại, Việt Nam chưa có nghiên cứu về vấn đề này song khả năng gây bệnh là hoàn toàn có thể xảy ra.

Mối nguy hiểm của khí độc từ rác thải

Theo các chuyên gia, có thể chia rác thành hai nhóm chính là nhóm hữu cơ và nhóm vô cơ. Khi bị phân hủy dưới tác dụng của nhiệt độ tạo ra bởi ánh nắng mặt trời và một số loài vi khuẩn rác hữu cơ (chủ yếu bao gồm các loại thực phẩm xác động vật) sẽ cho ra khí hydrogen sulfide (H2S) có mùi trứng thối. Đây là loại chất độc tác dụng rất mạnh đối với hệ thần kinh

Khi nhiễm độc hydrogen sulfide, nạn nhân sẽ thấy xót, chảy nước mắt, nước mũi, cuống họng nóng bỏng ho sặc, tức ngực, cảm thấy ngột ngạt, các vận động chân tay kém, người nôn nao cồn cào, nói năng lảm nhảm, thở khó, da xanh tím, sau đó co giật rồi hôn mê Trường hợp nhiễm độc cấp tính do hít phải một lượng hydrogen sulfide lớn, nạn nhân thường chết do suy hô hấp tức thời.

Những trường hợp nhiễm độc mãn tính do thường xuyên hít phải hydrogen sulfide liều lượng thấp, thoạt đầu nạn nhân chỉ cảm thấy hơi khó chịu, cay mắt nhưng về lâu về dài, sẽ xuất hiện những cơn ho khó thở lúc nằm ngửa. Lâu dài, hiện tượng ho khó thở sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Nếu viêm phổi viêm phế quản phổi do hydrogen sulfide, nạn nhân thường có biểu hiện sốt cao, tức ngực, ho và khạc ra nhiều đờm đục.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật