Mách mẹ cách bảo quản sữa mẹ trong ngày an toàn cho bé

Cách bảo quản sữa mẹ trong ngày sao cho khoa học và hợp lý để sữa không bị hư và đảm bảo dinh dưỡng cho bé là vấn đề quan tâm hàng đầu của các bậc làm cha làm mẹ.

Sau 6 tháng nghỉ sinh con hầu hết các bà mẹ đều phải quay trở lại với công việc. Việc chăm con vào ban ngày đều phải giao phó lại cho bà nội, bà ngoại hoặc người giúp việc. Khó tránh khỏi việc phải vắt sữa vào buổi sáng rồi bảo quản trong tủ lạnh cho con bú sữa mẹ trong ngày. Nhiều bà mẹ vẫn còn lúng túng trong việc này. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn chị em cách bảo quản sữa mẹ trong ngày khoa học mà vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng cho con.



Dụng cụ cần chuẩn bị trước khi bảo quản sữa mẹ

- Hai trong số những dụng cụ cần chuẩn bị và cũng là hai dụng cụ quan trọng nhất trước khi tiến hành bảo bảo sữa mẹ chính là bình hút sữa và bình chứa/ túi chứa sữa sau khi hút. Dù bạn quyết định chọn mua sản phẩm của hãng nào với kích cỡ, kiểu dáng, chất liệu nào thì việc đảm bảo các dụng cụ vô trùng là điều cần được ưu tiên hàng đầu.
 
- Những dụng cụ vô trùng không chỉ tránh được việc vi khuẩn có hại xâm nhập vào sữa mà còn giúp lưu giữ, đảm bảo các chất dinh dưỡng trong sữa được giữ một cách trọn vẹn.

- Thông thường hiện nay, việc bảo quản sữa thường được ưu tiên đặt trong các bình được tạo thành từ chất liệu thủy tinh bởi nó sẽ giúp bảo quản các vi chất dinh dưỡng được tốt nhất.

- Nếu không tiện chuẩn bị các bình thủy tinh thì mẹ có thể sử dụng các bình bằng chất liệu nhựa cứng chất lượng cao hoặc túi nhựa có rãnh kéo.
 
- Nên chú ý chọn lựa sản phẩm từ những thương hiệu uy tín để đảm bảo được chất lượng trong suốt quá trình bảo quản sữa mẹ.

Xác định được chất lượng nguồn sữa trước khi vắt và bảo quản

Việc xác định chất lượng nguồn sữa trước khi vắt bao gồm cả việc xác định xem lượng sữa trong hai bầu ngực có đủ để vắt cũng như ngày hôm đó mẹ có ăn/ tiếp xúc với chất lạ gây ảnh hưởng tới nguồn sữa hay không. Điều này cũng là việc quan trọng mẹ cần lưu tâm bởi nếu không thì nguồn sữa mẹ bảo quản sẽ không đạt được chất lượng tốt nhất, đồng thời nó cũng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của bé.
 
Khi sữa mẹ được bảo quản ở nhiệt độ thường

Theo lý thuyết thì sữa mẹ sau khi vắt hoàn toàn có thể được lưu trữ ở môi trường ngoài tủ lạnh trong khoảng thời gian là sáu tiếng. Tuy vậy các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng với cách bảo quản sữa mẹ này thì mẹ không nên lưu giữ sữa trong khoảng thời gian dài như vậy, vì lúc này vi khuẩn có thể đã xâm nhập vào cũng như hàm lượng dinh dưỡng đã giảm đi đáng kể.

Tốt nhất nếu không có điều kiện bảo quản lạnh thì mẹ chỉ nên cho con dùng sữa sau khi vắt ở trong khoảng thời gian từ một đến hai giờ.

Cách bảo quản sữa mẹ ở ngăn mát của tủ lạnh
 
Lúc này, sữa mẹ sẽ được bảo quản tốt hơn. Đồng thời, thời gian sử dụng sau đó sẽ được kéo dài hơn. Cũng theo các chuyên gia dinh dưỡng thời gian lưu trữ của sữa mẹ khi để trong tủ lạnh có thể kéo dài từ sáu tới tám tiếng. Tuy nhiên, mẹ cũng không nên sử dụng nguồn sữa được bảo quản ở ngăn mát sau mười tiếng.

Đối với cách bảo quản sữa mẹ này, khi để trong ngăn mát tủ lạnh thì mẹ nên để vào sâu trong cùng của tủ. Không nên để ngay cánh cửa hay phía bên ngoài vì quá trình mở ra mở vào sẽ làm ảnh hưởng tới nhiệt độ bảo quản của sữa.

Sữa mẹ đổi màu, mùi có đáng lo?

Nhiều trường hợp sữa mẹ sau khi vắt ra để tủ lạnh có mùi tanh, mùi kim loại, thậm chí là mùi xà phòng hoặc mùi mỡ. Nhiều mẹ thấy mùi lạ đã nhanh chóng đổ bỏ phần sữa này đi. Thật ra, sữa có mùi là do tác động của enzyme lipase đã bẻ gãy các chất béo ở sữa mẹ vắt ra trong quá trình để tủ lạnh. Trong trường hợp này, sữa mẹ vẫn an toàn và bé vẫn có thể uống được mà không có vấn đề gì. Tuy nhiên, một số bé có thể sẽ không chịu uống vì mùi lạ. Mẹ có thể tham khảo cách khắc phục sữa có mùi sau đây:
 

Sữa mẹ mới vắt ra có thể hâm nóng đến 72 độ C trong vòng 2 phút để ngăn chặn sự hoạt động của enzyme lipase. Sau đó, đổ sữa vào túi hay bình thuỷ tinh rồi cất vào ngăn mát khi sữa còn nóng để bảo quản như hướng dẫn ở trên. Các chuyên gia sữa mẹ cho biết, cách làm này có thể làm một số chất miễn dịch trong sữa mẹ bị giảm sút hoặc mất đi. Vì vậy chỉ nên bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh theo cách này nếu bé không chịu dùng sữa trữ lạnh tự nhiên.

Trên đây là một số cách bảo quản sữa mẹ trong ngày để giúp các mẹ có thêm những kiến thức để bảo quản sữa cho con yêu của mình được tốt hơn. Chúc các mẹ luôn có được nguồn sữa dồi dào để chăm sóc cho các bé yêu của mình có một sức khỏe tốt nhất.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật