Trẻ nhỏ bị ngộ độc thuốc cấp tính: Lỗi của người lớn

Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ và vì nhiều lý do khác nhau, những thuốc cha mẹ tự ý dùng cho trẻ có thể gây nguy hiểm.

Theo thống kê, đã có trên 75% số ca bị ngộ độc ở trẻ dưới 1 tuổi là do sử dụng thuốc thiếu chính xác của cha mẹ.

Bài học đáng nhớ

Gần đây, thời tiết lạnh kéo dài khiến cháu P.V.T, 3 tuổi bị sổ mũi sẵn lọ thuốc nhỏ mũi naphazoline mình thường dùng, chị H., mẹ cháu T. đã nhanh tay lấy để nhỏ cho con. Không ngờ, 30 phút sau, cháu T. đột nhiên có biểu hiện bất thường. Chị H. hốt hoảng đưa con đến bệnh viện thì cháu đã ở trong tình trạng vã mồ hôi tay chân lạnh ngắt, mạch chậm, da xanh tái; nhanh chóng sau đó, T. trở nên lừ đừ, lơ mơ, thở yếu. Sau khi được điều trị khẩn trương sức khỏe của T. đã hồi phục nhưng sự việc lần này thực sự là bài học không thể nào quên đối với chị H.

Khi nghe bác sĩ giải thích nguyên nhân do sử dụng thuốc naphazoline của người lớn cho trẻ mà không biết rằng đây là thuốc không được dùng cho trẻ dưới 15 tuổi vì có tác dụng co mạch mạnh. Tại bệnh viện những trường hợp tương tự T. rất nhiều, thậm chí có những trường hợp nặng hơn, bệnh nhi ngưng thở từng cơn, nhịp tim không đều, do sử dụng thuốc của người lớn cho trẻ nhỏ đã gây ngộ độc cấp tính. Khi vào viện các bệnh nhi đã được xử trí cấp cứu bằng thở ôxy khi tím tái, sử dụng thuốc chống dị ứng như kháng histamin corticoid sau đó hầu hết đã hồi phục tốt. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Cách phòng ngừa ngộ độc cấp do thuốc

Dùng đúng thuốc và liều chỉ định: Đối với trẻ dưới 1 tuổi, do mọi chức năng của cơ thể như việc bài tiết axit của dạ dày hệ enzym để phân tách thuốc để hấp thu, chức năng của gan thận chưa hoàn chỉnh nên sự hấp thu, phân bố, chuyển hóa và thải trừ thuốc bị ảnh hưởng rất nhiều; thuốc có thể bị tích lũy trong cơ thể gây ngộ độc. Vì thế không nên tự động chia liều người lớn nhỏ ra để cho trẻ nhỏ uống nếu không có chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, cần tuân thủ đúng hướng dẫn về thuốc và liều lượng của bác sĩ điều trị.

Sử dụng đúng dạng thuốc: Khi một loại thuốc có nhiều dạng bào chế khác nhau, cha mẹ luôn được khuyên và cũng nên chọn cho trẻ dạng thuốc uống có khả năng hấp thu tốt, dạng siro sẽ làm trẻ dễ uống hơn. Không nên trộn thuốc với thức ăn vì sau đó trẻ sẽ sợ không dám ăn thức ăn đó nữa. Đối với các thuốc bôi da sử dụng tại chỗ như kem, thuốc mỡ… cha mẹ nên hạn chế sử dụng vì chúng có khả năng thâm nhập sâu da trẻ và dễ dàng đi vào hệ tuần hoàn máu do da trẻ lúc này còn mịn, mỏng và yếu ớt Khi đã đi vào máu, các hoạt chất của thuốc có thể tác động trực tiếp, kéo theo những tác dụng phụ gây hại lên cơ thể trẻ sau này.

Chọn đúng dụng cụ để đong thuốc: Các thuốc dạng dung dịch, siro thường đi kèm với cốc, thìa hoặc bơm để đảm bảo bạn cho trẻ uống đúng lượng thuốc đã định. Luôn sử dụng dụng cụ đong đi kèm với thuốc. Nếu bị mất dụng cụ đong thuốc, bạn có thể sử dụng dụng cụ đong của một thuốc khác hoặc mua đồ thay thế ở nhà thuốc (Hãy đảm bảo là dụng cụ mới có đánh dấu đơn vị mà bạn cần, như ml, thìa cà phê hoặc cả hai).

Không ví thuốc là kẹo: Nhiều trẻ rất khó uống thuốc và các bậc cha mẹ cưng con mỗi khi đưa thuốc cho trẻ uống, thấy trẻ phản kháng không chịu uống thường “dụ dỗ” con rằng “dùng đi, kẹo đấy”, nhất là những dạng thuốc trẻ em có mùi thơm, ngọt. Điều này rất nguy hiểm vì khi thiếu vắng cha mẹ hoặc người chăm sóc, trẻ có thể uống một khối lượng thuốc ở trong tầm tay vì tưởng là kẹo gây ra ngộ độc thuốc.

Phòng ngừa một số nguyên nhân khác: Tủ thuốc gia đình luôn luôn ở cao khỏi tầm tay trẻ em và đóng lại cẩn thận. Nếu có trẻ hiếu động hay nghịch phá thì tủ thuốc phải khóa lại; Thuốc người lớn mang ra uống thì phải uống ngay, tránh để tạm một nơi nào rồi quên, bé sẽ dễ dàng bỏ vào miệng.

Xử trí trẻ bị ngộ độc cấp do thuốc thế nào?

Cha mẹ trẻ trước khi dùng thuốc cho trẻ nhỏ cần phải kiểm tra lại thông tin của thuốc, không dùng thuốc hết hạn, thuốc của người lớn... Trường hợp bé nuốt phải thuốc của người lớn, cần làm cho bé nôn càng sớm, càng nhiều càng tốt và nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện cùng thuốc trẻ đã uống khi nhập viện để tiện biết nguyên nhân ngộ độc và dùng chất đối kháng (antidote) chữa trị. Bên cạnh đó, trẻ có thể có các biểu hiện sớm ở đường tiêu hóa khi ngộ độc thuốc như đau bụng nhiều, nôn trớ ho sặc sụa... cũng cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được xử trí, theo dõi. Nếu nhà ở xa cơ sở y tế hoặc vì bất kỳ nguyên nhân gì khiến việc đến viện bị chậm trễ có thể gọi điện thoại đến khoa cấp cứu để được hướng dẫn cấp cứu tạm thời và nhập viện càng sớm càng tốt vì sau 4 giờ thuốc có thể ngấm vào cơ thể.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật