Sử dụng dược liệu chưa qua kiểm định: Hậu quả khôn lường

Hiện nay, việc kiểm soát chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của dược liệu vẫn là một bài toán nan giải cho các cơ quan chức năng.

Chính vì vậy, khả năng người sử dụng mua phải dược liệu giả, dược liệu kém chất lượng cũng rất lớn. Bên cạnh đó, việc người dân tự ý sử dụng các loại cây cỏ, động vật, các bài thuốc nam chưa được xác minh về hiệu quả điều trị cũng như độ an toàn có thể gây hậu quả khôn lường, đặc biệt là đối với trẻ em từ 0 – 5 tuổi.

Thực trạng sử dụng dược liệu nước ta

Phần lớn nhập khẩu của Trung Quốc hoặc không rõ nguồn gốc: Mặc dù nước ta là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên cây thuốc dồi dào và đa dạng, nhưng hơn 80% lượng dược liệu đang lưu hành trong nước là nhập khẩu từ nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc) và tỉ lệ dược liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng rất thấp. Bên cạnh đó, dược liệu giả, dược liệu kém chất lượng cũng được “lách luật” đưa vào thị trường nước ta dưới dạng nhập khẩu nông sản hoặc được nhập lậu tại các vùng biên giới nên việc kiểm soát chất lượng gặp rất nhiều khó khăn.

Chất lượng kém: Vì lợi nhuận, nhiều đối tượng đã cố tình làm giả dược liệu bằng bã dược liệu đã chiết kiệt hoạt chất, hoặc độn thêm đường, xi măng và các chất vô cơ nguy hiểm. Các thuốc tân dược như thuốc giảm đau (paracetamol) thuốc kích thích tiêu hóa thậm chí cả các thuốc kháng viêm corticoide cũng được trộn lẫn một cách tinh vi vào dược liệu để đem lại hiệu quả điều trị nhanh chóng và “đánh lừa” cảm giác của người sử dụng. Mặt khác, nhiều loại dược liệu giả, dược liệu kém chất lượng không những không mang lại hiệu quả điều trị mong muốn (do không đủ hàm lượng hoạt chất có tác dụng) mà còn gây hậu quả khôn lường cho người sử dụng như gây dị ứng ngộ độc cấp, mạn tính, suy gan thận (gây ra bởi lượng kim loại nặng và các tạp chất nguy hiểm).

Bài thuốc thảo dược chưa được kiểm chứng tác dụng: Bên cạnh vấn đề về chất lượng của dược liệu, một số lượng lớn các bài thuốc thảo dược chưa được kiểm chứng vẫn đang được lưu truyền và sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Với quan niệm thuốc nam là “lành và mát” hơn so với thuốc tân dược, người dân hiện nay có thể tự trở thành “thầy thuốc” và sử dụng thuốc cho bản thân và người thân trong gia đình dựa theo những thông tin trên mạng chưa được kiểm duyệt bởi các chuyên gia. Nguy hiểm hơn, rất nhiều bài thuốc lạ mà ngay chính người kê đơn cũng không hiểu rõ về thành phần hay độc tính của thuốc, đặc biệt nguy hiểm với các đối tượng nhạy cảm mà chức năng các cơ quan chưa hoàn thiện hoặc bị suy giảm như trẻ em người già và bệnh nhân mắc bệnh ung thư

Hậu quả khi sử dụng dược liệu chưa qua kiểm định

Độc tính và tác dụng không mong muốn

Không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia phát triển như Mỹ và các nước châu Âu cũng ghi nhận được nhiều trường hợp xảy ra tác dụng không mong muốn khi sử dụng dược liệu. Trong số đó, tổn thương gan và thận là hai loại tác dụng phụ được báo cáo nhiều nhất. Điển hình như ở Tây Ban Nha, dược liệu được xếp vào trong danh sách 10 loại thuốc phổ biến nhất gây thương tổn cho gan và gây ra biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng người sử dụng.

Thêm vào đó, tỉ lệ người bệnh bị tổn thương gan do sử dụng dược liệu cũng tăng đáng kể trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, dược liệu không rõ nguồn gốc có thể bị nhiễm kim loại nặng như chì thủy ngân muối asen và nhiều hóa chất nguy hiểm khác như tàn dư của thuốc trừ sâu hay phẩm nhuộm. Các chất độc này có thể gây ra ngộ độc cấp tính hoặc tích lũy dần dần trong cơ thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Nhiều trường hợp ngộ độc kim loại nặng đã được ghi nhận sau khi sử dụng dược liệu kể cả ở người lớn lẫn trẻ em.

Tương tác với các dược liệu khác hoặc tương tác với thuốc tân dược

Khả năng tương tác giữa dược liệu và các thuốc khác cũng là vấn đề đáng được lưu ý, bởi vì các bậc phụ huynh thường kết hợp sử dụng các biện pháp dân gian để hỗ trợ trong thời gian điều trị cho trẻ. Nhiều loại thuốc nam có khả năng làm kích thích hoặc ức chế hoạt động của các enzyme chuyển hóa thuốc ở gan, làm giảm tác dụng điều trị hoặc khuếch đại tác dụng không mong muốn của các thuốc tân dược. Bên cạnh đó, nhiều tương tác có thể xảy ra do việc cạnh tranh dược lực học ở các thụ thể của thuốc, tuy nhiên, cơ chế gây ra tương tác cho từng loại dược liệu vẫn chưa được nghiên cứu rõ.

Ví dụ sử dụng đồng thời bạch quả sẽ làm tăng nồng độ của các thuốc giảm đau kháng viêm thông thường. Cũng như kết quả của một nghiên cứu vào năm 2013, các nhà khoa học đã khảo sát được hơn 300 tương tác thuốc xảy ra khi dùng đồng thời dược liệu với các thuốc chống đông máu và kết tập tiểu cầu Tiêu biểu như đan sâm, gừng cam thảo đều có khả năng làm tăng thời gian chảy máu

Thêm vào đó, nhiều bài thuốc chưa được kiểm duyệt có sự kết hợp nhiều loại dược liệu vẫn đang được sử dụng trong cộng đồng. Sự kết hợp này cũng gây ra nhiều nguy cơ tương tác nguy hiểm cũng như tương tác giữa các loại thuốc tân dược. Có rất nhiều loại dược liệu khi sử dụng đồng thời với nhau sẽ gây độc tính cấp và có thể dẫn đến tử vong

Việc kiểm định dược liệu trước khi đưa vào sản xuất sẽ giúp sản phẩm thuốc an toàn, chất lượng.

Việc kiểm định dược liệu trước khi đưa vào sản xuất sẽ giúp sản phẩm thuốc an toàn, chất lượng.

Nguy cơ từ sử dụng dược liệu chưa xác định rõ hoạt chất cũng như thành phần.

Trong tự nhiên, có rất nhiều loại cây độc, có thể gây tử vong cho người sử dụng. Năm 2005, Cơ quan y tế châu Âu đã cảnh báo việc sử dụng không đúng cây Mộc Thông đã gây ra cái chết của 12 trên tổng số 17 người sau khi sử dụng do suy thận tại Trung Quốc. Và một số loài khác của chi Mộc Hương cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư đường tiết niệu ở bệnh nhân đang bị bệnh liên quan đến thận. Tuy nhiên, nhiều bài thuốc dân gian được truyền miệng và lan truyền trên mạng internet và người sử dụng đều dễ dàng trở thành một “thầy thuốc” dựa trên những thông tin tìm kiếm trên mạng internet.

Thêm vào đó, nhiều loại thảo dược mới, nhiều loại cây chưa được nghiên cứu vẫn được sử dụng cho người bệnh. Đặc biệt là đối với các căn bệnh nan y, với tư tưởng “có bệnh thì vái tứ phương”, bệnh nhân và người nhà đã tự ý sử dụng các bài thuốc hoặc dược liệu không rõ nguồn gốc cũng như tác dụng. Điều này dẫn đến nhiều hậu quả đáng thương tiếc, một vài trường hợp đã tử vong do biến chứng suy gan thận trước khi tử vong do bệnh lí.

Nguy cơ từ việc làm giả, độn thêm chất khác vào dược liệu

Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp các bài thuốc, dược liệu được trộn thêm các thuốc tân dược để mang lại hiệu quả điều trị nhanh chóng và rõ ràng hơn. Ví dụ như trong kem thuốc dược liệu dùng ngoài da cho trẻ em để chữa chàm eczema đã phát hiện được sự có mặt của các loại tân dược chống chỉ định dùng cho trẻ em như corticosteroids, clobetasol propionate. Khi sử dụng phải những sản phẩm này, trẻ em sẽ bị suy giảm hệ thống miễn dịch còi xương suy tuyến thượng thận phù thũng chậm phát triển về thể chất...

Bên cạnh đó, việc không nắm rõ được thành phần bên trong các dược liệu giả gây khó khăn cho cả các cán bộ y tế có chuyên môn trong việc đảm bảo an toàn và hạn chế các tác dụng không mong muốn cho bệnh nhân. Mặt khác, nhiều cơ sở sản xuất dược liệu không đảm bảo các quy định về chất lượng hoặc một số phương pháp chế biến phản khoa học vẫn còn tồn tại. Điều này đã dẫn đến nhiễm tạp kim loại và các chất vô cơ khác như lưu huỳnh. Lượng tạp chất này là thành phần khó quản lí và kiểm soát để sử dụng thuốc một cách an toàn.

Hệ luỵ đối với trẻ em

Trẻ em là đối tượng đặc biệt nhạy cảm và cần cân nhắc trước khi áp dụng bất kì phương pháp điều trị nào. Về mặt cơ bản, chức năng của các cơ quan ở trẻ em chưa hoàn toàn hoàn thiện. Các quá trình hấp thu, chuyển hóa và thải trừ ở trẻ em rất khác biệt so với người lớn. Trong đó, hoạt động chuyển hóa và đào thải chất độc ở trẻ em không hiệu quả như người trưởng thành nên độc tính của thuốc đối với trẻ em thường rõ ràng và nghiêm trọng hơn.

Nếu sử dụng dược liệu cho trẻ một cách tùy tiện, không rõ nguồn gốc, thành phần, theo lời mách bảo hay theo người không có chuyên môn thì trẻ không chỉ phải chịu tất cả những nguy hiểm như trên mà còn bị ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển sau này. Rất nhiều dược liệu được dùng phổ biến hàng ngày nhưng lại gây độc tính nghiêm trọng khi dùng đối với trẻ em (nhiều báo cáo trên thế giới đã ghi nhận nhiều ca suy thận ở trẻ em do sử dụng dầu ô liu quá liều).Bên cạnh đó, nhiều hoạt chất chống chỉ định đối với trẻ em có thể có mặt trong dược liệu và được đưa vào cơ thể, ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể cũng như để lại những biến chứng nặng nề và có thể trở thành các bệnh mạn tính sau này.

Việc dùng thuốc an toàn phụ thuộc nhiều vào kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm của người kê đơn và cả người sử dụng. Do đó, việc sử dụng các dược liệu lạ, các bài thuốc lạ hay việc tự ý sử dụng dược liệu không dựa theo ý kiến hay sự kê đơn của người có chuyên môn có thể mang lại nhiều hậu quả khôn lường cho người sử dụng đặc biệt là đối với trẻ em. Chính vì vậy, người sử dụng nên cân nhắc và hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi muốn dùng liệu pháp điều trị bằng dược liệu để được tư vấn và kê đơn thuốc một các hợp lí và an toàn.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật