Điểm danh những món ăn không thể "sống" thiếu nước dừa

May mà có nước cốt dừa, "đời" còn dễ thương!

Từ lâu, người Việt Nam đã có thói quen thêm một thứ nước sốt sền sệt có màu trắng đục, bùi bùi, có vị hơi ngọt và đặc biệt là thơm không thể tả - chính là nước cốt dừa vào một số món ăn của mình. Nhờ vị béo, thơm và không quá ngọt mà nước cốt dừa rất dễ “hòa thuận” với nhiều món ăn Việt, từ món ăn vặt đến món ăn chính. Có những món không thể làm nên tên tuổi nếu thiếu đi thứ nước sốt “thần thánh” này.

1. Bánh lọt nước dừa

Bánh lọt làm thành sợi bằng bột gạo cùng ít bột năng Sợi bánh lọt có hai màu truyền thống là màu trắng tự nhiên và màu xanh từ lá bồ ngót hay lá dứa. Hầu hết bánh lọt truyền thống chỉ ăn với nước cốt dừa, nước đường thắng. Bánh lọt thường được rao bán ở vỉa hè. Nếu ví bánh lọt nước dừa như phở hay một món ăn nước nào đó thì bánh lọt là sợi bánh phở còn nước dừa chính là nước lèo.

2. Chè đậu nóng

Không biết từ bao giờ, các món chè đậu nóng của Việt Nam được “se duyên” cùng nước cốt dừa. Công bằng mà nói, nước cốt dừa bùi bùi giúp đánh lừa vị giác một cách xuất sắc vì nhờ có nó làm át bớt vị ngọt của món chè, bạn sẽ không cảm thấy áy náy với cân nặng nữa. Trong thời tiết mưa lâm râm như thế này, một chén chè nóng phủ ngập nước cốt dừa trắng tinh sẽ rất dễ làm xiêu lòng những tâm hồn ăn uống

3. Sương sa hạt lựu

Sương sa hạt lựu là món chè dùng để giải khát rất phổ biến của Sài Gòn. Món chè gây ấn tượng bởi màu sắc bắt mắt và vị thơm, thêm sự bùi béo rất hấp dẫn của nước cốt dừa, vị dai dai của sương sa và hạt lựu được làm từ củ năng. Nếu thiếu đi lớp nước dừa phía trên cùng, sương sa hạt lựu sẽ mất đi chất kết dính, làm món chè rời rạc và giảm độ ngon xuống một nửa.

4. Bánh flan

Chiếc bánh flan tròn tròn, nhỏ xinh là món quà vặt mà bất kì trẻ nhỏ nào cũng yêu thích. Thêm một ít nước cốt dừa béo ngậy lên trên, món ăn này sẽ càng hấp dẫn nhờ sự hòa quyện của bánh flan ngọt, nước cà phê đăng đắng và nước cốt dừa vừa thơm vừa béo.

5. Chuối nếp nướng

Chuối nếp nướng ngon nhất khi được chế biến từ chuối xiêm hoặc chuối sứ. Chọn chuối chín muồi, lột vỏ, bọc cơm nếp có trộn dừa nạo, cán mỏng, bao ngoài là lớp lá chuối tươi rồi nướng trên than hồng, đặt trên một tấm vỉ sắt, trở đều chuối, khi lá chuối cháy sem sém thấy nếp se mặt, vàng giòn là chuối bên trong đã chín. Khi dùng, cắt chuối ra làm hai hoặc làm ba, chan nước cốt dừa nấu với bột báng, rắc thêm chút đậu phộng rang giòn giã nát. Nước dừa nấu bột báng ăn chuối phải sền sệt, deo dẻo, có nêm chút đường, chút muối để vừa có vị mặn lẫn vị ngọt hòa hợp. Khi thưởng thức bạn có thể cảm nhận được mùi thơm của lá chuối, vị béo béo, dẻo dẻo, giòn giòn của nếp trộn dừa, hương thơm ngọt của trái chuối nóng hổi trong ruột nếp.

6. Bánh bò nước dừa

Bánh bò là một loại bánh xốp làm từ: bột gạo, nước, đường và men. Mặt bánh có rất nhiều bong bóng nhỏ do có nhiều lỗ khí trong bánh. Bánh bò “thiên biến vạn hóa” thành nhiều phiên bản khác nhau mà phiên bản nào cũng ngon ngây ngất, tuy nhiên chiếm được nhiều cảm tình nhất có lẽ là món bánh bò nước dừa. Bánh bò nước dừa nhỏ xinh, dẻo dẻo, mang nhiều màu sắc vui mắt và trở nên ngon gấp bội phần khi ăn cùng nước dừa béo thơm.

7. Bánh tằm bì

Dù nước cốt dừa chuyên trị những món ăn ngọt nhưng khi kết hợp với một món mặn như bánh tằm bì thì không hề “dị” chút nào. Bánh tằm bì là món ăn làm từ gạo của người Việt. Đây là một món ăn có thể dùng ăn vặt hoặc ăn no đều được, phổ biến ở vùng Bạc Liêu. Bánh tằm đựng trong dĩa có lòng sâu, bên dưới là rau thơm, xà lách, giá, dưa leo, lớp bánh tằm trắng, trên cùng phủ một ít bì và nước cốt dừa. Thực khách ăn kèm với nước mắm chua ngọt, tạo hương vị đặc biệt, vừa đậm đà nước mắm, thanh mát rau cải, vừa có vị bùi bùi béo béo của bì và nước cốt dừa.

8. Bánh củ năng

Bánh củ năng mềm mềm, hơi dai lại có vị thơm đặc trưng, nay được chan thêm một ít nước cốt dừa nóng thì còn sự kết hợp nào tuyệt vời hơn nữa? 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật