Chấn thương tinh hoàn và cách xử trí hiệu quả nhất

Chấn thương tinh hoàn (CTTH) là một trong những chấn thương bộ phận sinh dục phổ biến ở nam giới, gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như khả năng tình dục.

Có đến hơn 50% trường hợp chấn thương dẫn đến vỡ tinh hoàn gây đau sốc, toàn vùng kín bầm tím.

Một số trường hợp, vỡ mào tinh xoắn tinh hoàn đứt ống dẫn tinh, tổn thương dương vật niệu đạo Việc chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời nhằm hạn chế tối đa những biến chứng cho chấn thương gây ra đồng thời bảo tồn khả năng sinh sản và khả năng tình dục ở nam giới.

Tinh hoàn về phương diện giải phẫu và cơ chế gây bệnh

Tinh hoàn gồm, tinh hoàn trái và tinh hoàn phải, nằm trong bìu, bên trái thường xuống thấp hơn bên phải. Kích thước: dài 50mm, rộng 35mm, cao 25mm. Bên trong bìu tinh hoàn được bao bọc một bao thớ dày trắng và không đàn hồi gọi là lớp trắng. Tính từ ngoài vào trong đến tinh hoàn gồm 7 lớp. Bao gồm, da bìu, lớp cơ bám da, lớp tế bào dưới da, lớp mạc nông, lớp cơ bìu, lớp mạc sâu, lớp bao tinh hoàn hay còn gọi là tinh mạc. Giữa hai bìu là một vách sợi. Lớp bao trắng của tinh hoàn có thể chịu được lực chấn thương tới 50kg.

Tuy nhiên, với một lực chấn thương trung bình phần chủ mô tinh hoàn có thể bị xuất huyết tạo ra khối máu tụ trong tinh hoàn. Với lực chấn thương mạnh hơn lớp bao trắng bị vỡ tạo ra tụ máu trong lớp tinh mạc. Nếu lớp tinh mạc cũng bị vỡ máu có thể lan sang 2 bẹn và tầng sinh môn Máu tẩm nhuận ở giữa lớp và da tạo ra hình ảnh bầm máu đặc trưng cho chấn thương mạnh vùng bìu.

Các nguyên nhân

Có đến 54% các nguyên nhân là do chơi thể thao, võ thuật gây ra, bởi lực va chạm mạnh của dụng cụ chơi và bạn chơi tác động mạnh trực tiếp vào bìu, 12% do tai nạn giao thông té ngã, 16% do bất cẩn do leo cây, súc vật cắn, 7% do nắn bóp và đả thương. Ít gặp hơn là tự bóp, tự cắt trong lúc trạng thái tâm lý bất ổn, người chuyển đổi giới, tai nạn trong lúc phẫu thuật bộ phận sinh dục, hỏa khí.

Các dấu hiệu xác định chấn thương

Sau chấn thương hay một tai nạn, người bệnh thấy đau dữ dội ở vùng bìu và thường ngất đi, khởi đầu trên da bìu có những đám chấm xuất huyết, sau đó da bìu bầm tím tụ máu rõ, sưng to dần. Người bệnh vẫn đi tiểu được bình thường. Nếu có biến chứng có xoắn tinh hoàn, hay tổn thương đi kèm cơn đau ngày một tăng, bìu đau co thắt, sờ nắn người bệnh than đau chói.

Tùy theo mức độ tổn thương mà trên thực tế được phân loại như sau. Tổn thương nhẹ: CTTH nhẹ, bìu chỉ bị xây xát, không rách hoặc rách do vết thương đơn thuần không có dị vật. Tổn thương trung bình: chấn thương có thể gây tụ máu trong bao trắng, có thể rách hoặc không rách bao trắng. Bìu có thể rách hoặc không rách, khối tụ máu trong da bìu lớn và có khuynh hướng tiến triển.

Tổn thương nặng: tổn thương dập nát tinh hoàn hoại tử và xuất huyết lan rộng, có thể kèm hoặc không kèm rách da bìu. Đòi hỏi can thiệp khẩn cấp. Vết thương tinh hoàn do hoả khí cũng nằng trong nhóm này do tốc độ đạn cao dẫn đến những tổn thương chưa nhìn thấy mà sẽ gây hoại tử muộn trong nhiều ngày. Tổn thương phối hợp: chấn thương hoặc vết thương vùng bìu, tinh hoàn trong bệnh cảnh đa chấn thương như tai nạn giao thông, thảm họa...

Cách xử trí

Là một tình trạng cấp cứu do đó việc xác định và đánh giá cách xử trí ngoại khoa hay nội khoa rất cần thiết đối với bác sĩ chuyên khoa.

Phẫu thuật bảo tồn: nên mở rộng chỉ định mổ thám sát, nhưng khi xử trí các thương tổn ở tinh hoàn (nếu có) thì cố gắng bảo tồn. Tiến hành: rạch rộng da bìu cầm máu cẩn thận từng lớp, lấy hết máu cục, thăm dò tinh hoàn, nếu tinh hoàn vỡ gọn thì khâu cầm máu vỏ bao tinh hoàn, nếu tinh hoàn giập vỡ một phần chỉ nên cắt bỏ phần dập nát sau đó khâu kỹ vỏ bao tinh hoan (cắt bỏ phần mô dập nát phải tiết kiệm, tuy nhiên tránh trường hợp cố giữ lại mô tinh hoàn mà nhét quá nhiều chủ mô tinh hoàn trong bao trắng làm tăng áp lực và đè ép chủ mô tinh hoàn). Cần lấy bỏ hết máu cục.

Trường hợp tinh hoàn bị dập nát hoàn toàn thì mới cắt bỏ tinh hoàn. Với những vết thương vùng bìu, cần phải mở thăm dò và xử trí tùy theo thương tổn. Với các vết thương muộn cần phải dẫn lưu và dùng kháng sinh Xoắn tinh hoàn: nếu có xoắn tinh hoàn cố gắng tháo xoắn và bảo tồn tinh hoàn, nhưng nếu đã có dấu hiệu hoại tử thì phải cắt bỏ. Tinh hoàn bị chuyển vị: cần nhanh chóng cố định tinh hoàn về vị trí bình thường ở bìu vì nguy cơ tổn thương chủ mô tinh hoàn do nhiệt độ ở nơi tinh hoàn bị chuyển vị đến không thích hợp cho tinh hoàn.

Điều trị nội khoa: một khi chắc chắn thương tổn nhẹ, tụ máu chỉ khu trú ở nông và không tiến triển lan rộng, đau giảm dần. Liều trị bao gồm nằm nghỉ ngơi tại giường, băng cố định bìu lên cao thuốc giảm đau chống phù nề như Dicloferacc, Alaxan, Efferalgan kèm Alphachymotrypsin và chườm đá lạnh lên bìu, kết hợp dùng kháng sinh một khi có tổn thương rách da.

Diễn tiến và tiên lượng

Thường diễn tiến tốt nếu được xử trí đúng, một tỷ lệ nhỏ có biến chứng như nhiễm trùng vết thương. Những bệnh nhân có tụ máu trong tinh hoàn mà không được phẫu thuật sẽ bị nhiễm trùng tinh hoàn và hoặc có hoại tử tinh hoàn mà thường sau đó cần phải cắt bỏ tinh hoàn.

Chú ý rằng tỷ lệ phải cắt bỏ tinh hoàn tăng từ 7,4% lên đến 55,5% khi phẫu thuật chậm trễ trên 72 giờ sau chấn thương. Một số báo cáo cho thấy, người bệnh vỡ tinh hoàn được phẫu thuật (ngay cả trường hợp vỡ tinh hoàn 2 bên) sau đó có số lượng tinh trùng đầy đủ. Chức năng nội tiết được bảo tồn trong đa số trường hợp bởi số lượng nhiều những tế bào Leydig.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật