Khắc phục chứng đau sau thay khớp háng như thế nào là tốt nhất?

Đau khớp háng là một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh nhân phải đi khám bệnh.

Đó cũng là một trong những triệu chứng quan trọng nhất để bác sĩ chỉ định phẫu thuật thay khớp và khi đồng ý được phẫu thuật thay khớp, hầu như tất cả bệnh nhân đều mong mỏi “giải thoát nỗi đau”. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng hết đau sau khi thay khớp. Vậy với những trường hợp này có đáng ngại không? Bài viết sẽ đề cập đến các dạng đau, cách nhận biết và theo dõi triệu chứng đau sau thay khớp háng.

Khi nào đau sau thay khớp được coi là “bình thường”?

Đau sau thay khớp háng được coi là “bình thường” khi mức độ đau ít, giảm dần hoặc không tăng lên, ít hoặc không ảnh hưởng đến sinh hoạt của bệnh nhân.

Đau vùng khớp háng sau thay khớp háng bán phần: có 30% bệnh nhân đau vùng khớp háng sau thay khớp bán phần. Người bệnh cảm thấy đau nhẹ tại chỗ, đau tăng khi đi lại, giảm hoặc hết khi nghỉ ngơi, đau hầu như không tăng lên. Trên X-quang, vị trí khớp nhân tạo bình thường, không có hình ảnh tiêu, thưa xương.

Đau tại đùi: hay xảy ra trên bệnh nhân được thay khớp với thiết kế cố định chuôi (stem) tại thân xương đùi với tỉ lệ khoảng 18%. Đau dọc đùi thường chỉ xảy ra trong 3-6 tháng đầu sau thay khớp, khi mà xương trong lòng ống tủy phát triển, bám chặt vào chuôi xương đùi. Cảm giác đau âm ỉ, tăng nhẹ khi đi lại, nghỉ ngơi vẫn không hết đau. Theo thời gian, đau giảm dần. Trên Xquang thấy vị trí của khớp nhân tạo bình thường, có thể thấy hình ảnh tăng đậm độ xương quanh chuôi, tại những vùng tì nén của chuôi có thể thấy hình ảnh xương đùi “phì đại” hơn bình thường.

Khi gặp các triệu chứng đau như trên, bệnh nhân không phải lo lắng và không cần điều trị gì đặc biệt. Tuy nhiên, hàng năm, bệnh nhân nên khám định kỳ để theo dõi, kịp thời phát hiện những biến chứng xa như thưa, tiêu xương, lỏng khớp...

Khi nào đau sau thay khớp được coi là bất thường?

Bên cạnh những triệu chứng đau được coi là bình thường như trên, có nhiều biểu hiện đau sau đây được coi là bất thường. Khi đó, bệnh nhân phải đến cơ sở y tế (tốt nhất đến nơi được phẫu thuật) thăm khám để được tư vấn, điều trị kịp thời.

Đau cấp tính: Thường đau nhiều, thậm chí dữ dội xảy ra đột ngột, trên một khớp háng nhân tạo không đau hoặc đau ít, hay liên quan đến chấn thương. Khi đau cấp tính, bệnh nhân thường tự đến ngay các cơ sở khám bệnh.

Do gãy xương: Thông thường, có cơ chế chấn thương, sau ngã bệnh nhân thấy đau chói, hạn chế hoặc bất lực vận động chi bên thay khớp. Trên Xquang, quan sát thấy ổ gãy xương thông thường ở vị trí tiếp giáp với đầu xa của chuôi khớp.

Do sai khớp: Thường do chấn thương, bệnh nhân đột nhiên thấy đau tại khớp, khớp háng bất lực hoặc hạn chế vận động ở tư thế khép, xoay trong, chi bên thay khớp ngắn hơn bình thường. Chụp Xquang có thể dễ dàng phát hiện sai khớp háng nhân tạo.

Do nhiễm khuẩn: Một số trường hợp nhiễm khuẩn từ máu vi khuẩn thường từ đường tiết niệu hô hấp qua đường máu gây nhiễm khuẩn tại quanh khớp nhân tạo. Bệnh nhân thường có triệu chứng của các cơ quan đích: như tiểu buốt ho khó thở kèm theo thấy đau nhức, cấp hoặc bán cấp tại khớp, sau đó dù đã hết các triệu chứng nhiễm khuẩn tiết niệu hô hấp..., bệnh nhân vẫn thấy đau nhức tại chỗ, xét nghiệm CRP tăng, máu lắng tăng. Có thể phát hiện ổ dịch (mủ) nhờ siêu âm, MRI.

Đau mạn tính: Có thể chia đau mạn tính thành 2 nhóm:

Đau liên quan đến vận động:

Do lỏng khớp: Thông thường sau khi thay khớp, bệnh nhân hết đau hoặc đau ít nhưng sau bệnh nhân thấy đau lại, tăng dần đến mức độ đau trung bình, nặng, tăng khi vận động, có thể đau tại khớp háng hoặc dọc xương đùi hoặc đau cả hai vị trí.

Do tiêu xương: Khi tiêu xương ổ lớn thấy đau nhẹ, âm ỉ, tăng khi vận động, tùy vị trí tiêu xương có thể đau tại khớp háng, đùi hoặc cả hai...

Canxi hóa lạc chỗ: Chỉ có số ít bệnh nhân có triệu chứng đau, thông thường đau nhẹ, tăng khi vận động mạnh, đặc biệt khi gấp, duỗi, dạng, khép háng. Xquang quan sát thấy hình ảnh các khối cản quang quanh ổ cối.

Đau do viêm cơ thắt lưng chậu: Bệnh nhân thấy đau mặt trước khớp háng (vùng nếp bẹn), đau khi chuyển từ tư thế ngồi sang đứng để đi bộ. Trên Xquang có thể quan sát thấy ổ cối quá nghiêng trước, làm cho thành ổ cối khớp nhân tạo tì vào và gây viêm cân cơ thắt lưng chậu.

Đau không hoặc ít liên quan đến vận động

Đau do nhiễm khuẩn: Ngoài đau dạng cấp do nhiễm khuẩn theo đường máu, các bệnh nhân nhiễm khuẩn sâu khớp háng thường có kiểu đau như sau: đau âm ỉ, liên tục tại vùng khớp háng hoặc đùi hoặc cả hai, đau nhiều về đêm, cả lúc nghỉ ngơi, tăng lên khi vận động. Có thể có lỗ viêm rò tại ổ mổ hoặc không. Xquang thấy ổ tiêu xương, đường thấu quanh hoặc phản ứng màng xương.

Đau do tổn thương thần kinh hông to: là biến chứng không hiếm gặp, mức độ nhẹ: bệnh nhân cảm giác tê bì dọc mặt ngoài cẳng chân và bàn chân, mức độ nặng có thể có cảm giác đau bỏng buốt, kèm theo mất gấp mu chân. Thông thường đau do tổn thương thần kinh hông to thường giảm dần và tự hồi phục sau 3-6 tháng. Tuy nhiên, những trường hợp triệu chứng đau không giảm hoặc vẫn còn mất gấp mu chân sau 6 tháng cần phải phẫu thuật xử trí tổn thương.

Đau do các bệnh lý cột sống thắt lưng:

Ở những bệnh nhân thoái hóa khớp háng hoặc hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi nặng thông thường có các bệnhcột sống thắt lưng kèm theo. Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ bệnh nhân đau khớp háng kèm bệnh lý cột sống thắt lưng khoảng 10-15%. Ngoài ra, sau khi thay khớp, bệnh nhân có xu thế hoạt động tăng lên, quá ngưỡng thông thường trước đó gây nên đau vùng  thắt lưng. Triệu chứng đau: đau tại thắt lưng, có thể lan xuống một hoặc hai chân. Chụp Xquang, MRI cột sống thắt lưng để phát hiện các bệnh phối hợp như thoái hóa, trượt xẹp đốt sống thoát vị đĩa đệm Xquang khớp háng thấy vị trí khớp bình thường, không có tiêu xương quanh khớp.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật