Nguyên nhân và biểu hiện của bệnh hở van động mạch chủ

Bệnh hở van động mạch chủ làm cho tâm thất trái giãn to và suy; huyết áp tâm thu tăng, trái lại huyết áp tâm trương lại giảm. Bệnh xảy ra âm thầm trong nhiều năm, bệnh nhân thường ít có triệu chứng. Nhưng khi đã xuất hiện các biến chứng, nhất là suy tim thì bệnh tiến triển nhanh chóng và nguy hiểm.

Nguyên nhân gây bệnh 

Có nhiều nguyên nhân gây hở van động mạch chủ: do thấp tim làm viêm màng trong tim; không do thấp như hở van động mạch chủ bẩm sinh viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn và tăng huyết áp; phình tách động mạch chủ; viêm cột sống dính khớp, hội chứng Reiter; bệnh giang mai

Biểu hiện lâm sàng

Bệnh nhân bị hở van động mạch chủ mạn tính thì tiếng thổi tâm trương nhẹ là dấu hiệu duy nhất trong nhiều năm. Do sự biến dạng của van ngày càng tăng, nên hở van càng nhiều hơn huyết áp tâm trương giảm xuống và thất trái lớn dần. Phần lớn bệnh nhân vẫn không có triệu chứng nên giai đoạn bình yên kéo dài, được đặc trưng bằng giãn thất trái ổn định. Biểu hiện muộn và có thể xảy ra đột ngột là triệu chứng suy tâm thất trái. Bệnh nhân thấy khó thởmệt mỏi khi gắng sức là dấu hiệu thường gặp nhất. Tuy nhiên vẫn có thể gặp  khó thở kịch phát ban đêm và phù phổi cấp. Ít gặp hơn là bệnh mạch vành phối hợp và ngất. 

Dấu hiệu thực thể chủ yếu gồm: nhìn thấy mỏm tim đập rất mạnh, đặt lòng bàn tay vào thấy mỏm tim dội mạnh. Nghe tim thấy tiếng thổi tâm trương với đặc điểm là nghe rõ ở van động mạch chủ, cường độ nhẹ, êm, lan dọc xuống theo bờ trái xương ức tới mỏm tim.

Động mạch cổ bệnh nhân đập mạnh làm đầu hơi lắc lư theo nhịp tim Mạch nảy mạnh, căng rồi chìm nhanh, thấy rõ ở mạch quay huyết áp tâm thu cao và huyết áp tâm trương thấp.

Các triệu chứng xét nghiệm: điện tâm đồ thường thấy dày thất trái từ nhẹ đến nặng. Xquang thấy động mạch chủ to, thất trái to. Siêu âm Doppler có thể thấy: rung lá trước của van hai lá hoặc vách trong thì tâm trương do dòng máu phụt ngược lại gây ra; có thể ước lượng mức độ hở. Thăm dò nhấp nháy đồ có thể xác định được chức năng và khả năng dự trữ của thất trái trong gắng sức.

Điều trị

Phải phối hợp giữa điều trị triệu chứng và điều trị nguyên nhân. Điều trị triệu chứng: bệnh nhân cần có chế độ làm việc không quá sức; tránh lo lắng, xúc động, dùng thuốc an thần nhẹ; điều trị suy tim bằng chế độ ăn nhạt, dùng thuốc trợ tim và lợi tiểu. Điều trị nguyên nhân: thấp tim điều trị tích cực bệnh thấp tim và chống tái phát; điều trị dứt điểm bệnh giang mai.

Hở van động mạch chủ khi xuất hiện hoặc nặng lên trong, sau đợt viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn hay phình tách động mạch chủ có thể dẫn tới suy tâm thất trái nặng cấp hoặc tiến triển bán cấp qua vài tuần hoặc vài tháng. Suy tâm thất trái nặng cấp thường biểu hiện bằng phù phổi; cần phải phẫu thuật thay van ngay cả trong đợt nhiễm khuẩn bùng phát.

Có thể dùng thuốc giãn mạch để cải thiện hoặc ổn định tạm thời cho bệnh nhân. Hở van động mạch chủ mạn tính có lịch sử tự nhiên dài nhưng nếu không được phẫu thuật thì tiên lượng xấu khi đã xảy ra các triệu chứng rõ rệt. Các thuốc giãn mạch như hydralazin và ức chế men chuyển angiotensin làm giảm nhẹ hở, điều trị dự phòng, tạm hoãn hoặc tránh phải phẫu thuật ở những bệnh nhân không có triệu chứng nhưng lại bị hở nặng và thất trái giãn. Những bệnh nhân có triệu chứng thì điều trị bằng các thuốc lợi tiểu giãn mạch và digoxin để làm ổn định hoặc cải thiện các triệu chứng chuẩn bị cho phẫu thuật. Hở van động mạch chủ do bệnh gốc động mạch chủ đòi hỏi phải phẫu thuật sửa chữa hoặc thay thế gốc động mạch chủ.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật