Nguy cơ tiềm ẩn tới sức khỏe từ các loại thịt lợn tràn lan trên thị trường

Trên thị trường, tại các chợ từ thành phố đến các vùng nông thôn nước ta hầu hết thịt lợn được bày bán nhiều nạc, ít mỡ. Thông tin nhiều mẫu thịt lợn siêu nạc ở Trung Quốc nhiễm chất clenbuterol (chất độc gây siêu nạc) khiến người tiêu dùng rất hoang mang. Cách phân biệt giữa lợn nạc và lợn bị nhiễm chất độc như thế nào?

Nguy hại cho sức khỏe

Người tiêu dùng đang rất hoang mang trước thông tin Trung Quốc công bố nhiều mẫu thịt lợn dương tính với hormon tăng trưởng clenbuterol và đã có hàng trăm người nhập viện trong thời gian gần đây. Clenbuterol là loại chất kích thích tuyến thượng thận điều tiết sinh trưởng động vật, thúc đẩy quá trình phát triển cơ bắp và đẩy nhanh việc phân giải mỡ, giảm tối đa lượng mỡ hình thành trong cơ thể, chỉ để lại một lớp rất mỏng. Việc ăn phải thịt lợn chứa chất kích thích tăng trọng này đặc biệt gây nguy hại cho sức khoẻ người tiêu dùng. Về lâu dài sẽ bị tích tụ chất tăng trọng trong cơ thể dễ gây rối loạn chuyển hóa như tăng cân béo phì thậm chí chuyển đổi giới tính mất sức đề kháng xương bị xốp rất nguy hiểm, có thể gây bệnh ung thư ngộ độc cấp (run cơ đau tim tim đập nhanh, tăng huyết áp choáng váng); Clenbuterol sẽ gây tổn hại cho hệ thần kinh hệ tuần hoàn thậm chí gây chết người. Chất này thường tập trung nhiều ở các cơ quan nội tạng như tim gan thận, phổi... của con vật bị nhiễm. Đây là chất đã bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấm sử dụng từ năm 2002.

Tiềm ẩn trong nước

Theo Chi cục Thú y TP. HCM cho biết, trong gần 500 mẫu thịt lợn được xét nghiệm giữa năm 2005, gần 30% dương tính với clenbuterol. Chất này cũng được phát hiện có trong thịt bò gà.

Đầu năm 2011, người dân TP.HCM  rất lo ngại trước tình trạng tiếp tục phát hiện thịt lợn nhiễm độc Clenbuterol trên thị trường. Điều đáng nói là toàn bộ số thịt có mẫu phát hiện nhiễm độc đã được bán hết và không biết còn bao nhiêu lượng thịt nhiễm độc đang trôi nổi trên thị trường. Cứ sau mỗi đợt kiểm tra lại phát hiện “thịt bẩn” lưu hành, điều đó có nghĩa là “thịt bẩn” vẫn âm thầm hoành hành trên thị trường, đe dọa sức khỏe tính mạng của người dân.

Mầm bệnh từ nguồn thịt nhập lậu

Theo Cục Thú y, chỉ riêng tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn, mỗi ngày có khoảng 25 tấn thịt lợn hơi nhập vào nội địa. Các đối tượng thường xé lẻ từ 5-7 con/chuyến để dễ vận chuyển, lách qua các trạm kiểm dịch, đưa vào thị trường tiêu thụ. Tình trạng nhập lậu ồ ạt động vật, sản phẩm động vật qua các tỉnh biên giới phía Bắc sẽ gây nguy cơ lây lan dịch bệnh nguy hiểm tới sức khỏe người tiêu dùng vì hầu hết các tỉnh biên giới mới chỉ kiểm soát 50% số chuyến kiểm dịch động vật xuất khỏi tỉnh và chưa kiểm soát được động vật nhập vào. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh kéo dài liên miên.

“Sạch từ trang trại đến bàn ăn”

Clenbuterol được người chăn nuôi sử dụng khoảng 21 ngày trước khi xuất chuồng. Đây là chất cực mạnh, có tác dụng nhanh, 1kg Clenbuterol có thể trộn với 1 tấn thức ăn gia súc. Nếu như trước đây nuôi một con lợn 5 tháng mới được 1 tạ, nay với Clenbuterol, chỉ cần chưa đầy ba tháng là lợn đã đủ tạ. Vì lợi nhuận cao, nhiều hộ sản xuất, chăn nuôi đã cố tình cho clenbuterol vào thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Để có thể đảm bảo an toàn thực phẩm phải đảm bảo an toàn trên cả chuỗi thực phẩm từ “nông trại đến bàn ăn”. Do đó, việc quản lý thực phẩm theo mô hình chuỗi thực phẩm an toàn là một nhu cầu bức xúc, nhằm quản lý chặt chẽ nguồn nông sản thực phẩm cung ứng cho sản xuất và tiêu dùng. Theo lý thuyết, một chuỗi  thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn khi sản phẩm lưu thông trên thị trường được phối hợp quản lý chặt chẽ từ nuôi trồng, đánh bắt, lưu thông, chế biến. Ở mỗi khâu, phải  chứng minh được nguồn gốc của sản phẩm.

Tuy nhiên, cần phải đảm bảo rằng các doanh nghiệp tham gia phải được lợi từ chương trình. Vì hiện nay, nhiều sản phẩm không tìm được đầu ra phải bán tháo bán đổ, sản phẩm sạch cũng đang bị đánh đồng với sản phẩm bẩn và bị hất ra khỏi thị trường...

Tránh mua thịt có độ ẩm cao

Hiện nay, hầu hết thịt lợn bán ngoài thị trường đều rất nạc và người dân không thể biết thịt nào là an toàn. Thực tế, có giống lợn siêu nạc trong chăn nuôi và loại thịt này không giống thịt do lợn ăn “bột siêu nạc”. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy, loại thịt lợn ăn “bột siêu nạc” tích nước nhiều, thịt có độ ẩm cao, mặt cắt trên thớ thịt  không được mịn, thớ ngắn, trơn láng, độ săn chắc kém (do mô mỡ biến thành mô nạc). Thịt ít mỡ, nạc sát da. Tại bắp vai, đùi cho thấy lượng thịt phát triển bất thường, thịt u lên, màu đỏ au giống màu đỏ của thịt bò.

Vì vậy, người tiêu dùng tốt nhất chỉ nên mua loại thịt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Khi mua nên chọn miếng thịt tươi ngon, màng ngoài khô, không bị nhớt, mùi và màu sắc bình thường, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra. Các thớ thịt đều.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật