Khuyến cáo mới về sử dụng glucosamin mà không phải ai cũng biết

Glucosamin được biết đến dùng để hỗ trợ điều trị viêm khớp gối mạn, giúp giảm triệu chứng của thoái hóa khớp nhẹ và trung bình. Trong khi các lợi ích của glucosamin vẫn còn đang được bàn cãi thì thuốc lại được nhiều người sử dụng bừa bãi, dẫn đến những kết quả không mong muốn.

Có rất nhiều nghiên cứu khoa học và các kết luận về công dụng của Glucosamin tuy vẫn còn mâu thuẫn nhau, nhưng glucosamin hiện nay vẫn đang được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới. Trong khi nhiều nước đã xếp glucosamin là một dược phẩm thì ở Mỹ, glucosamin vẫn chỉ được coi là thực phẩm chức năng, hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp Như vậy lợi ích của glucosamin vẫn còn là vấn đề đang được bàn cãi và ngay cả cơ chế tác dụng trên cơ thể con người cũng chưa thực sự rõ ràng, vì vậy việc sử dụng cần  được cân nhắc trong các trường hợp cụ thể.

Dùng glucosamin như thế nào?

Glucosamin được dùng cho các tình trạng thoái hóa xương khớp nguyên phát hoặc thứ phát viêm khớp cấp và mạn tính.

Thời gian dùng liên tục từ 2-3 tháng, điều trị nhắc lại mỗi 6 tháng hoặc ngắn hơn tùy tình trạng bệnh, nên khám để được đánh giá hiệu quả sau mỗi liệu trình.

Gluocsamin dưới dạng thực phẩm chức năng được sản xuất bởi nhiều công ty, dưới nhiều dạng bào chế và hàm lượng khác nhau. Đồng thời nhiều hãng còn bổ sung thêm các thành phần khác như: chondroitin collagen calci vitamin D, các vi lượng và khoáng chất khác, nên cần thận trọng tìm hiểu và tư vấn kỹ bởi các bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp trước khi dùng một loại glucosamin nào. Chưa có bằng chứng rõ ràng về hiệu quả của việc phối hợp glucosamin sulphat và chondroitin sulphat mặc dù sự phối hợp hai chất này là khá phổ biến trên thị trường.

Liều lượng thấp và thời gian dùng glucosamin không đủ dài thường không có tác dụng, ngược lại dùng liên tục mà không có sự kiểm tra đánh giá có thể gặp những tác dụng phụ hoặc bệnh tiến triển nặng lỡ mất thời gian điều trị. Vì vậy, tốt nhất người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn đầy đủ.

Glucosamin sulphat là thuốc dễ hấp thu hơn so với glucosamin hydrochlorid. Chế phẩm dưới dạng bột tinh thể hay đóng viên nang mềm được cho là dễ hấp thu hơn các chế phẩm đóng viên nén cứng. Glucosamin nên được uống trong hoặc sau bữa ăn với nhiều nước để dễ hấp thu.

Glucosamin là thuốc chống thoái hóa, không phải thuốc kháng viêm giảm đau vì vậy tác dụng giảm đau của glucosamin thường đến chậm, có khi phải sau nhiều tuần (4-6 tuần), do đó nên phối hợp với các thuốc kháng viêm giảm đau trong giai đoạn đầu khi đau nhiều.

Nhiều nghiên cứu cho thấy glucosamin không phải có hiệu quả với tất cả các bệnh nhân cũng như các loại thoái hóa các khớp khác nhau, vì vậy nếu sau 3-6 tháng điều trị không thấy hiệu quả hoặc biến chuyển thì nên dừng thuốc hoặc thay đổi thuốc/biện pháp điều trị.

Người bệnh dùng thuốc cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Ảnh: TM

Người bệnh dùng thuốc cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Ảnh: TM

Trường hợp nào không được sử dụng glucosamin?

Mặc dù hiếm gặp, nhưng thực tế ghi nhận một số tác dụng phụ liên quan đến glucosamin như: Rối loạn dạ dày - ruột (đầy hơi chướng bụng khó tiêu tiêu chảy hoặc táo bón); Những người có bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp cần thận trọng khi dùng glucosamin.

Glucosamin làm giảm tiết insulin hay tác động đối với đường huyết vẫn chưa được chứng minh rõ ràng, nhưng glucosamin là một đường amino nên bệnh nhân đái tháo đường cần thận trọng và kiểm tra đường huyết thường xuyên khi sử dụng.

Glucosamin thường được chiết xuất từ vỏ tôm cua nên những thông tin sử dụng đều cho rằng không nên sử dụng cho những người dị ứng với hải sản. Tuy nhiên, hầu hết nguyên nhân dị ứng là do protein trong thức ăn, không phải do carbohydrate được chiết xuất từ chitin trong vỏ tôm cua. Mặc dù vậy, người dùng nên trao đổi với bác sĩ về tình trạng dị ứng trước khi dùng glucosamin.

Glucosamin là yếu tố thúc đẩy hay tác dụng phụ liên quan đến tình trạng hen suyễn là vấn đề còn nhiều tranh cãi, nên vẫn cần thận trọng khi dùng với bệnh nhân có tiền sử hen suyễn.

Glucosamin có thể gây tăng chảy máu ở một số trường hợp do tăng tác dụng chống đông của cumarinic, nên thận trọng và kiểm tra thường xuyên khi dùng cho những người bị rối loạn đông máu hay những người đang phải dùng thuốc chống đông (warfarin aspirin ).

Glucosamin có thể làm tăng hấp thu tetracyclin ở dạ dày - ruột, có thể làm giảm hiệu quả của các thuốc hạ sốt giảm đau paracetamol thuốc điều trị tăng lipid máu statin... nên tránh dùng cùng lúc các loại thuốc này với nhau để tránh tương tác bất lợi.

Thuốc không dùng cho phụ nữ có thai, người đang cho con bú trẻ em trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi do chưa có số liệu về an toàn và hiệu quả điều trị.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật