Tổn thương thực quản do thuốc và những điều nhất định phải biết

Tổn thương thực quản do kháng sinh thường biểu hiện là các đám trợt nông trên bề mặt. Các triệu chứng này có thể mất dần nhưng cũng có những trường hợp biến chứng nặng.

Các biến chứng tiêu hóa do thuốc

Một số nhóm thuốc được biết có thể gây ra tác dụng phụ trên đường tiêu hóa ở các mức độ khác nhau, từ những thay đổi tối thiểu về mô học, không gây ra triệu chứng lâm sàng, cho đến những tổn thương nặng nề, thậm chí đe dọa tính mạng. Trên lâm sàng, việc chẩn đoán các tổn thương đường tiêu hóa do thuốc, trong đó có các tổn thương thực quản, thường gặp nhiều khó khăn do thiếu những dấu hiệu chỉ điểm đặc hiệu, có nhiều biểu hiện tương đồng với các tình trạng bệnh lý khác của đường tiêu hóa.

Thuốc chống viêm giảm đau không phải steroid là nhóm thuốc có liên quan rõ rệt nhất với các tổn thương đường tiêu hóa do thuốc một phần do tác dụng dược lý của thuốc một phần do nhóm thuốc này được sử dụng hết sức rộng rãi trong điều trị nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau và thường xuyên bị lạm dụng hoặc phải sử dụng kéo dài. Mỗi năm, biến chứng tiêu hóa của các thuốc chống viêm giảm đau không phải steroid gây ra khoảng 16.500 trường hợp tử vong và hơn 100.000 trường hợp nhập viện trên thế giới, trong đó, thường gặp nhất là biến chứng chảy máu

Các biến chứng tiêu hóa do thuốc có thể xảy ra ở tất cả các phần của ống tiêu hóa, từ thực quản đến đại trực tràng trong đó, thực quản có tương đối ít nguy cơ bị tổn thương do các loại thuốc vì niêm mạc thực quản thường chỉ tiếp xúc với thuốc trong một thời gian rất ngắn, hơn nữa hầu hết các thuốc đều ở dạng viên nang hoặc viên bọc, chỉ bắt đầu tan ra ở dạ dày và ruột.

Tổn thương thực quản do thuốc có thể xảy ra riêng lẻ hoặc kết hợp với tổn thương tại các phần khác của ống tiêu hóa. Mặc dù tương đối ít gặp nhưng các tổn thương thực quản do thuốc lại gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh và thường kém đáp ứng với điều trị. Các thuốc thường gặp nhất gây ra tổn thương thực quản là aspirin và các thuốc chống viêm giảm đau không phải steroid (như diclofenac ibuprofen…), các loại kháng sinh (đặc biệt là doxycycline), các thuốc diệt virut và nhóm bisphosphonate.

Các loại thuốc trên có thể gây ra những ổ loét khu trú ở thực quản với độ sâu khác nhau, thường gặp khi uống thuốc không đủ nước hoặc nằm đầu thấp sau uống thuốc, xảy ra chủ yếu ở người già Biểu hiện trên lâm sàng trong trường hợp điển hình, là tình trạng đau đột ngột sau xương ức tăng lên khi nuốt hoặc cảm giác nuốt nghẹn khó nuốt Một số bệnh nhân biểu hiện đau tăng dần kèm theo cảm giác rát bỏng sau xương ức. Trong một số ít trường hợp, có thể xảy ra các biến chứng nặng như xuất huyết tại ổ loét (thường gặp do các thuốc chống viêm giảm đau không phải steroid), chít hẹp hoặc thủng thực quản (thường gặp do viên sắt sulfate phóng thích chậm, sodium valproate phóng thích chậm hoặc hỗn hợp aspirin - caffein…).

Biến chứng do thuốc gây tổn thương ở thực quản

Với số lượng khổng lồ được sử dụng trong thực tế, các thuốc chống viêm giảm đau không phải steroid  là nguyên nhân của hơn một nửa các trường hợp tổn thương thực quản do thuốc. Mặc dù ít gặp hơn so với tổn thương ở dạ dày và ruột, nhưng tổn thương ở thực quản do các thuốc chống viêm giảm đau không phải steroid thường có xu hướng liên quan với các biến chứng nặng như xuất huyết, chít hẹp hoặc thủng thực quản. Khoảng 50% các trường hợp bị biến chứng xuất huyết thực quản do thuốc có nguyên nhân là nhóm thuốc này.

Bisphosphonate, nhóm thuốc có tác dụng ức chế tiêu xương được dùng trong điều trị và dự phòng loãng xương cũng là một nguyên nhân thường gặp của các tổn thương thực quản do thuốc. Thông thường, nhóm thuốc này chỉ gây ra những triệu chứng nhẹ và thoáng qua ở thực quản, nhưng trong một số trường hợp, chúng có thể gây ra các triệu chứng thực thể như trợt, loét thực quản, chủ yếu do niêm mạc thực quản bị kích ứng trực tiếp khi phải tiếp xúc kéo dài với thuốc. Nội soi thực quản ở những bệnh nhân này có thể phát hiện những đám trợt hoặc loét ở đoạn xa của thực quản.

Hầu hết các tổn thương thực quản do nhóm bisphosphonate xảy ra trong tháng đầu tiên dùng thuốc và có liên quan với việc dùng thuốc không đúng cách. Do đó, phương pháp tốt nhất để giảm thiểu loại tai biến này là phải hướng dẫn người bệnh biết sử dụng thuốc đúng cách có nghĩa là mỗi lần phải uống thuốc với ít nhất 240ml nước và giữ tư thế ngồi thẳng trong ít nhất 30 phút sau uống thuốc.

Tất cả các dẫn xuất trong nhóm bisphosphonate như alendronate, risedronate, pamidronate… đều được ghi nhận có liên quan với các tổn thương thực quản. Sau khi ngừng dùng thuốc, hầu hết các triệu chứng liên quan đến tổn thương thực quản do bisphosphonate như khó nuốt, đau khi nuốt đều thuyên giảm dần.

Tổn thương thực quản do kháng sinh thường biểu hiện là các đám trợt nông trên bề mặt. Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng sẽ mất dần trong vòng vài tuần sau khi ngừng dùng thuốc Các biến chứng nặng như xuất huyết hoặc chít hẹp thực quản chỉ xảy ra ở khoảng 2,5% các trường hợp loét thực quản do kháng sinh.        

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật