Để hạn chế sốc thuốc và dị ứng thuốc cần phải làm gì?

Sốc thuốc (dị ứng thuốc - sốc phản vệ) xảy ra đối với bất kỳ thuốc nào (thuốc chữa bệnh, gây mê, gây tê, thuốc bổ...) kể cả thuốc Đông y. Sốc thuốc là tai biến dị ứng nghiêm trọng nhất, rất dễ gây tử vong nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời.

Nguyên nhân gây sốc thuốc

Sốc thuốc xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ thuốc gì, nhất là loại thuốc tiêm, ngay cả khi thử phản ứng thuốc (thử test). Về cơ bản sốc thuốc là một phản ứng xảy ra giữa dị nguyên và kháng thể có sẵn trong cơ thể (máu). Bản chất của phản ứng dị ứng thuốc là loại phản ứng của hệ thống miễn dịch trong cơ thể, tức là phản ứng giữa kháng thể sẵn có trong máu của con người với kháng nguyên lạ (dị nguyên lạ) từ ngoài cơ thể khi được đưa vào máu. Một số trường hợp khi dùng thuốc lần đầu không bị dị ứng nhưng lần sau dùng thuốc đó lại bị dị ứng hoặc khi thử phản ứng âm tính nhưng khi tiêm thuốc đó lại bị dị ứng hoặc sốc thuốc, những trường hợp như vậy được gọi là dị ứng muộn.

Nguyên nhân của sốc thuốc rất đa dạng, có thể thuốc đã quá hạn sử dụng, thuốc bảo quản không tốt sẽ làm thay đổi tính chất của thuốc và trở thành dị nguyên nguy hiểm cho người sử dụng. Sử dụng thuốc một cách bừa bãi cũng là một nguyên nhân đáng kể làm cho tỷ lệ dị ứng thuốc tăng cao. Ngoài ra, sốc thuốc có thể không xác định được nguyên nhân. Ở nước ta dị ứng thuốc chiếm một tỷ lệ khá cao (khoảng từ 7 - 8% dân số), đáng lo ngại nhất là sốc thuốc (sốc phản vệ). Sốc thuốc là một dạng của phản ứng dị ứng nhanh, xuất hiện khi có sự xâm nhập lần thứ hai của dị nguyên vào cơ thể. Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều trường hợp bệnh nhân mới dùng thuốc lần đầu nhưng đã bị sốc thuốc, bởi vì họ đã bị mẫn cảm trước với một loại dị nguyên nào đó có cấu trúc giống với cấu trúc của thuốc, ví dụ, người bệnh đã bị nhiễm nấm penicillinum từ môi trường bên ngoài do ăn hoặc hít phải loại nấm này.

Đặc điểm của sốc thuốc

Tính chất nguy kịch của sốc thuốc sẽ gây hoang mang lo lắng cho mọi người kể cả thầy thuốc và thân nhân người bệnh. Bệnh xuất hiện rất nhanh, ngay lập tức hoặc chỉ sau một thời gan ngắn (khoảng 30 phút) sau khi dùng thuốc, sau thử test hoặc sau khi bị ong đốt hoặc sau khi ăn một loại thức ăn lạ. Khi triệu chứng bệnh xuất hiện càng sớm, bệnh càng nặng, tỉ lệ tử vong càng cao. Các đường đưa thuốc vào cơ thể (tiêm tĩnh mạch tiêm bắp, dưới da, trong da, uống, xông, bôi ngoài da, nhỏ mắt, đặt âm đạo...) đều có thể gây sốc thuốc, tuy nhiên đường tiêm tĩnh mạch là nguy hiểm nhất. Vì vậy, sốc thuốc là một cấp cứu cần được xử trí nhanh, kịp thời vì dễ dẫn đến tử vong do hạ thân nhiệt suy hô hấp cấp và tụt huyết áp trụy tim mạch, tăng tính thấm thành mạch và co thắt cơ trơn phế quản

Nguyên tắc xử trí sốc thuốc

Nguyên tắc là hết sức khẩn trương cấp cứu tại chỗ và dùng ngay adrenalin dù cho diễn biến nhẹ, trung bình hoặc nặng. Bởi vì, adrenalin là thuốc đầu tay cấp cứu sốc phản vệ rất hiệu quả, minh chứng là một trường hợp sốc phản vệ được cứu sống, bệnh nhân nữ, 24 tuổi ở Hải Phòng, được mổ đẻ, sau mổ được chỉ định cho tiêm ampicillin để chống nhiễm khuẩn Trước khi tiêm bệnh nhân được thử test lẩy da âm tính với ampicillin. Tuy nhiên, sau tiêm thuốc ampicillin bệnh nhân bị sốc thuốc. Ngay lập tức, kíp trực đặt nội khí quản, bóp bóng, đồng thời tiêm adrenalin 1mg trực tiếp vào tĩnh mạch liên tục tới ống thứ 30 thì bắt được mạch nhanh, nhỏ huyết áp 40/20mmHg. Tiếp tục duy trì truyền adrenalin tĩnh mạch và cuối cùng bệnh nhân đã được cứu sống.

Nên làm gì để hạn chế dị ứng thuốc và sốc thuốc?

Để hạn chế dị ứng thuốc trong bất cứ trường hợp nào cũng nên xin ý kiến bác sĩ, tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc để dùng, bất luận là thuốc gì  (Tây y hay Đông y). Với bác sĩ khám, chữa bệnh, trước khi kê đơn thuốc, cần khai thác kỹ tiền sử dị ứng của người bệnh và phải dự phòng sốc phản vệ trên những bệnh nhân có mẫn cảm, cân nhắc về liều lượng, đường dùng. Khi một bệnh nhân đã có tiền sử phản ứng phản vệ với một loại thuốc nào đó dù nhẹ cần tránh dùng lại. Trước khi tiêm kháng sinh phải thử test, khi thấy chắc chắn test âm tính mới được tiêm. Ở bất kỳ cơ sở y tế nào có khám, chữa bệnh đều phải chuẩn bị sẵn thuốc và dụng cụ cấp cứu sốc thuốc để khi đang tiêm thuốc, nếu người bệnh có những cảm giác khác thường nghi sốc thuốc (bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi...) phải ngừng tiêm và kịp thời xử lý như sốc phản vệ. Bất kỳ người bệnh nào sau khi tiêm thuốc cần được theo dõi cẩn thận khoảng 10-15 phút để đề phòng sốc thuốc xảy ra muộn.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật