Lưu ý khi chăm sóc trẻ 11 tháng tuổi, chưa biết chớ nên bỏ qua

Nếu trẻ vẫn bú mẹ, bạn không cần cai sữa cho trẻ.

Con yêu đang ngày một lớn, bạn đã bớt đi phần nào những nỗi lo cơ thể trẻ còn quá yếu ớt thay vào đó lại là những nỗi lo lắng, băn khoăn khác như con có phát triển bình thường không, cần làm như thế nào để con phát triển toàn diện, thông minh, khỏe mạnh…

Dưới đây là một số gợi ý tham khảo giúp bạn trong quá trình chăm sóc thiên thần trẻ nhỏ của mình ở giai đoạn 11 tháng tuổi:

Chơi các trò chơi sắc màu, hình khối: Bạn nên cùng trẻ chơi một số trò chơi đơn giản như xếp lại đồ vật theo màu sắc, kích thước, hình dạng… Điều này giúp trẻ có thêm những trải nghiệm mới và phát triển hơn về trí nhớ sự logic, đồng thời cũng giúp bạn hiểu được khả năng của trẻ, những trò chơi nào trẻ thích.

Được tiếp xúc với trẻ cùng độ tuổi: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra nên cho trẻ chơi cùng các trẻ bằng, hoặc trong cùng độ tuổi để dạy trẻ về sự chia sẻ. Ở tuổi này, tính sở hữu và tính trung tâm của mọi thứ của trẻ khá cao, do đó việc có một trẻ khác đến chơi cùng và tranh giành đồ chơi sẽ khiến con bạn thực sự cáu giận hoặc la hét. Đừng thúc ép các con phải chơi với nhau. Hãy để giữa các trẻ tự nhiên chuyển từ chơi cạnh nhau sang chơi cùng nhau và hiểu khái niệm chia sẻ, thương lượng là như thế nào nhé.

Để trẻ làm điều mà trẻ thích: Trẻ 11 tháng tuổi sẽ khám phá bằng cách bò khắp nhà. Những món đồ mới đem về nhà đều bị trẻ tháo hay đập ra, kiểm tra và xem xét tới lui. Đừng nghĩ trẻ đang nghịch ngợm khi cứ làm đi làm lại một việc. Trẻ quá nhỏ để nhận ra những việc trẻ làm có thể gây hư đồ. Vì vậy, bạn sẽ cần phải kiên nhẫn và thận trọng vì trẻ đang học và tìm hiểu thế giới xung quanh qua những gì trẻ chơi. Do đó, bạn nên rào lại những nơi nguy hiểm trong nhà và cố giữ nhà cửa càng đơn giản càng tốt.

Bú sữa mẹ và bú bình: Nếu trẻ vẫn bú mẹ, bạn không cần cai sữa cho trẻ. Nhiều khuyến cáo nên để trẻ tiếp tục bú mẹ càng lâu càng tốt miễn mẹ và trẻ đều vui vẻ. Nếu khi cai sữa trẻ không chịu bú bằng bình thì sẽ là thử thách cho bạn. Bạn có thể cho trẻ uống sữa bằng cốc thay cho bình.

Hạn chế hôn môi trẻ hay thổi thức ăn cho nguội: Vi khuẩn trong miệng bạn khác với trẻ và nếu bạn sâu răng thì vi khuẩn sẽ truyền sang trẻ. Nếu bạn hút thuốc lá thì đừng hút thuốc khi ở gần trẻ. Trẻ có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng như bị cảm lạnh nhiễm trùng tai viêm phổi cũng như hen suyễn nếu trẻ hít phải khói thuốc lá
Tập một số thói quen hàng ngày cho trẻ: Giai đoạn này trẻ sẽ chơi dưới sàn rất nhiều, bạn nên giữ sàn nhà luôn sạch sẽ. Tập thói quen rửa tay cho trẻ trước khi ăn để giảm bớt nguy cơ trẻ cho vi khuẩn vào miệng. Bằng chứng cho thấy rửa tay bằng nước và xà phòng rồi lau khô tay sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Tiêm vắc-xin thủy đậu: Vào lần khám sức khỏe tổng quát sắp tới, con bạn sẽ được đề nghị tiêm vắc-xin thủy đậu Bạn cũng cần có thể tham khảo lịch tiêm chủng để đảm bảo trẻ không bị bỏ sót mũi tiêm nào khác.

Luôn dành thời gian để đọc sách cho trẻ: Nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc đọc sách cho trẻ, ngay cả chỉ một chút ít thôi, cũng kích thích được năng lực tư duy của trẻ. Hiện giờ trẻ chỉ có thể tập trung được trong một thời gian ngắn, vài giây thôi. Nhưng cứ tiếp tục đọc sách cho con nghe, bạn sẽ phát hiện ra càng lớn trẻ sẽ càng tập trung được lâu hơn.

Dinh dưỡng: Lúc này trẻ rất ưa di chuyển và quá trình tăng cân của trẻ cũng bắt đầu chậm lại. Đừng lo lắng về điều này – bởi chỉ giai đoạn này trẻ sẽ đốt cháy calo nhanh hơn, tập trung phát triển các cơ bắp hơn là tích lũy chất béo. Bạn đừng nên quá lo lắng về việc trẻ ăn nhiều hay ít, đặc biệt là những lúc trẻ tỏ ra thèm ăn hoặc mút tay giống như đang muốn bú mẹ. Hãy cung cấp cho trẻ lượng thức ăn lành mạnh và phong phú.

Tránh xa những tác nhân gây hại sức khỏe: Các nghiên cứu đều cho thấy việc bảo vệ trẻ của bạn tránh khỏi khói thuốc lá là vô cùng quan trọng. Hút thuốc thụ động là nguyên nhân khiến khoảng 17. 000 trẻ em phải nhập viện mỗi năm tại Anh, và đồng thời cũng là nguyên nhân gây nhiễm trùng tai giữa và nhiễm trùng đường hô hấp

Phải thống nhất rõ cách dạy con giữa bạn và chồng:  Bạn và chồng có thể có những quan điểm và ‘phong cách’ dạy con khác nhau. Nếu thật sự không đồng ý với một quy tắc hay phương pháp dạy con nào của chồng, tốt nhất hãy nói chuyện cởi mở thay vì chỉ trích, bới móc lẫn nhau hoặc chỉ âm thầm khó chịu. Để kỷ luật được hiệu quả, cả bạn và chồng cần phải kiên định và thống nhất, cả hai nên cùng tìm hiểu những vấn đề bất đồng, hỏi ý kiến chuyên gia, bạn bè, người thân hay đọc sách về ưu và nhược điểm của từng phương pháp dạy trẻ.

‘Giao việc’ cho trẻ: Trẻ 11 tháng tuổi là thời điểm tốt để mẹ có thể hướng dẫn về khái niệm giúp đỡ mặc dù trẻ chưa thể nắm bắt được ngay. Đến lúc chập chững đi, trẻ sẽ hào hứng giúp sắp xếp đồ chơi và nhặt những đồ ăn nhẹ vương vãi. Nhấn mạnh các từ ‘con giúp mẹ… nhé’, ‘cảm ơn con’ để tạo cho trẻ thói quen lễ phép sau này.

Hãy luôn tin vào bản thân: Đôi lúc bạn cảm thấy bất an về cách chăm sóc trẻ Hãy cố gắng tin vào trực giác của mình, nhưng cũng nhớ là các kỹ năng và sự tự tin của bạn có được từ các kinh nghiệm và chỉ dẫn đúng đắn. Ai cũng mắc lỗi đôi lần và đó là cách chúng ta có thêm bài học để học hỏi.

Hy vọng với những gợi ý chăm sóc và hình thành sự phát triển của trẻ, bạn sẽ thấy yên tâm hơn khi nuôi dạy con yêu.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật