Thuốc hay từ những nguyên liệu phổ biến của bà nội trợ trong bếp

Nằm trong số những nguyên vật liệu phổ biến của các bà nội trợ, dầu dừa, chanh, thơm, tỏi vừa góp phần mang lại những món ăn ngon vừa có tác dụng trị bệnh.

Những gia vị hay củ quả ở nhà bếp không chỉ giúp chúng ta có bữa ăn ngon, giàu dinh dưỡng mà còn là những bài thuốc hay có thể chữa một số bệnh, rất rẻ tiền nhưng hiệu quả. Dưới đây là một số bài thuốc:

Dầu dừa trị hôi...

Có một tin không vui cho những người lỡ bị “hách từ trong nôi” là các chế phẩm dùng để lăn nách thường chứa rất nhiều các muối nhôm, các chất benzophenones và dĩ nhiên các chất này rất độc hại. Tuy nhiên, nếu lỡ dính phải “nghiệp chướng” này thì bạn cũng đừng quá lo lắng vì tự tay bạn có thể bào chế những sản phẩm khử mùi hôi bằng một số nguyên liệu thiên nhiên, chẳng hạn như dầu dừa

Trộn đều 1/4 chén bột bắp với 1/4 bột nổi (loại bột dùng làm bánh, có người gọi là thuốc muối, tên tiếng Anh là baking soda, tên hóa học là sodium bicarbonate) trong 1 cái tô cỡ vừa. Có thể dùng dụng cụ đánh trứng để trộn đều 2 loại bột. Khi bột đã được trộn đều thì thêm vào 5 muỗng canh dầu dừa và vài giọt tinh dầu để tạo hương tùy theo sở thích. Trộn đều tất cả thành phần nguyên liệu với nhau để tạo thành khối bột nhão rồi cho vào keo có nắp. Dùng bột nhão này thoa vào nách. Mỗi lần thoa chỉ cần phết ngón trỏ cho dính bột rồi bôi vào nách, thoa đều. Mỗi ngày có thể thoa 1-2 lần. Bảo quản bột nhão này trong tủ lạnh để có thể sử dụng lâu.

Tỏi trị “chân lực sĩ”

“Chân lực sĩ” là một dạng viêm nấm ở kẽ bàn chân (nhất là kẽ giữa các ngón thứ 4 và thứ 5 vì các ngón này dính sát nhau) và lây dần xuống lòng bàn chân. Bệnh có tên y học là tinea pedis do nấm trichophyton rubrum hoặc trichophyton mentagrophytes gây ra. Người bệnh thường bị lây nhiễm ở những nơi ẩm ướt như nhà tắm công cộng, hồ bơi... Biểu hiện của bệnh là ngứa đau và có mùi hôi khó chịu. Những trường hợp nhiễm nấm này có thể dùng tỏi để trị.

Chọn một củ tỏi loại tốt và đâm nhuyễn ra, tìm một chậu ngâm chân thích hợp, cho tỏi đã đâm nhuyễn vào chậu và một lượng nước ấm vừa ngập chân, một muỗng canh cồn tiệt trùng (cồn 90 độ), lót một ít báo cũ dưới chậu để bảo đảm nước ngâm chân không bị rơi vãi ra sàn nhà. Sau đó cho chân bị nhiễm nấm vào ngâm trong 30 phút (nếu chân còn lại không bị viêm nấm thì không nên ngâm chung). Mỗi ngày ngâm 1 hoặc 2 lần.

Có thể dùng thêm dầu tỏi để hỗ trợ. Cách chế dầu tỏi như sau: Đâm nhuyễn một củ tỏi cho vào keo, đổ dầu ô liu vào cho ngập tỏi. Đậy nắp lại và để trong 3 ngày, mỗi ngày lắc keo vài lần. Sau 3 ngày, dùng bông gòn thấm dầu tỏi này thoa vào vùng da bị nhiễm nấm. Lưu ý rằng trong thời gian nhiễm bệnh nên giữ chân thông thoáng, không bị ẩm ướt, giày dép cũng phải vệ sinh thật sạch, không mang giày bít bùng và nên có nhiều đôi để thay.

Chanh trị gàu

Có rất nhiều sản phẩm trị gàu thương mại song chúng chứa rất nhiều hóa chất độc hại. Thậm chí có nhiều hóa chất gây tổn hại quá trình sản xuất ra một chất nhờn ở da đầu vốn có tác dụng ngăn trở gàu. Có nhiều phương thuốc thiên nhiên trị gàu hiệu quả, tiện lợi nhất là dùng chanh.

Vắt một quả chanh vào một ly nước sạch, giữ lại phần vỏ đã vắt. Làm ướt tóc bằng nước chanh và mát-xa kỹ phần da đầu trong vài phút bằng xác vỏ chanh. Sau đó xả tóc lại bằng nước chanh. Làm mỗi ngày 2 lần cho đến khi sạch gàu. Sau đó làm mỗi tuần 1 lần để ngăn gàu tái phát.

Một cách dùng chanh khác là dùng 2 chén nước ấm, vắt vào một trái chanh, thêm 2 muỗng dầu dừa. Dùng hỗn hợp này làm ướt tóc và da đầu; mát-xa da đầu thật kỹ, sau đó trùm đầu tóc lại bằng khăn lông rồi ngủ đến sáng. Sau đó gội đầu như bình thường. Sau khi gàu hết thì cứ 2 tuần làm lại 1 lần.

Lược chải tóc cũng cần ngâm trong nước cốt chanh pha nước theo tỉ lệ 1-1. Cần lưu ý rằng không nên dùng lược chung; khi gội đầu không nên gội bằng nước quá nóng vì sẽ ngăn cản da đầu tiết ra dầu có tác dụng ngăn gàu.

Thơm trị ngứa da

Ngứa da do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như da bị khô viêm da hoặc đi nhiều ngoài nắng. Có rất nhiều sản phẩm thiên nhiên dùng trị ngứa da trong số đó tiện và rẻ nhất là dùng trái thơm (khóm). Trong trái thơm chứa rất nhiều enzyme có lợi cho da mà nổi tiếng nhất là papain vốn có tác dụng giảm ngứa, giảm khô da và hỗ trợ da.

Cách dùng khóm trị khô da, ngứa da rất đơn giản: Vắt lấy nuớc cốt khóm khoảng 1/4 chén rồi dùng bông gòn thấm dịch ép khóm thoa vào mặt, cổ hoặc bất cứ vùng da nào bị khô, ngứa (hoặc có thể xắt khóm thành lát mỏng và chà nhẹ lên vùng da muốn xử lý) và để yên trong 10 phút. Sau 10 phút, rửa phần da đã thoa dịch khóm bằng nước ấm (không nên rửa bằng xà phòng vì xà phòng dễ gây kích ứng).

Mỗi ngày làm 2 lần thì tình trạng khô da ngứa da sẽ được cải thiện nhanh chóng.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật