Nguy cơ từ phụ gia thực phẩm “bẩn” có thể gây nguy hiểm đến tính mạng

Không chỉ “phát sốt” từ đầu năm đến nay mà những năm gần đây, rất nhiều vi phạm về ATVSTP liên quan đến sử dụng chất phụ gia độc hại đã được phanh phui khiến người tiêu dùng phát hoảng. Điều đáng lo ngại là sau một thời gian, cơ quan có trách nhiệm vẫn vòng vo, chưa đề ra được biện pháp tích cực nào và việc mua bán các chất phụ gia vẫn tương đối dễ dàng dẫn đến tình trạng lạm dụng tràn lan.

“Bẩn” từ nhiều nguồn

Thực phẩm bẩn bắt nguồn từ hàng tồn đọng đã được lực lượng hải quan, công an, quản lý thị trường phát hiện liên tục và chẳng cần phải nói thêm thực phẩm “bẩn” còn xuất hiện từ ngay trong giai đoạn chăn nuôi. Lợn, bò, gà, vịt... người ta có thể vỗ béo, tăng tỷ lệ thịt nạc bằng các thức ăn chứa các hóa chất không tốt sức khỏe chẳng hạn chất salbutamol thuộc nhóm chất beta-agonist. Thịt lợn thuộc dạng nhu yếu phẩm của đa số người dân Việt Nam nên việc có chất cấm trong thịt khiến dư luận hết sức lo ngại.

Tiếp đó phải kể tới thịt thối mốc xanh mốc đỏ được tẩy trắng phau bằng hóa chất thành… thịt tươi mà đã có bài phản ánh thực tế. Ruốc thịt được làm hàng bằng phẩm màu, hương thịt tổng hợp. Bóng bì mốc meo, bốc mùi phơi trên bãi rác. Miến giăng từ góc chuồng lợn tới miệng cống rau xanh phun thuốc trừ sâu kích thích tăng trưởng, tưới bằng nước bẩn, hoa quả ngâm hóa chất bảo quản gạo trộn hóa chất diệt mối, chống ẩm mốc. Giá đỗ bao gồm hormon tăng trưởng thuốc tẩy trắng và thuốc chống mọc rễ để cho ra cọng giá trắng tinh, căng đẹp...

Ở nước ta hiện nay, việc buôn bán các hóa chất phụ gia nói chung, phụ gia thực phẩm nói riêng được luật pháp cho phép, chỉ “nhập nhằng” trong chuyện cấm việc sử dụng các phụ gia độc hại trong sản xuất, chế biến thực phẩm (các phụ gia nằm trong danh mục cấm), nhưng vẫn không cấm buôn bán, mua chúng.

Đây là nguyên nhân của việc mua bán phụ gia thực phẩm dễ như… mua rau. Người bán chỉ cần đăng ký kinh doanh mặt hàng này còn người mua thì chẳng ai kiểm tra mục đích. Nói một cách không suy diễn rằng tình hình mua bán phụ gia bấy lâu nay vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Các cửa hàng kinh doanh phụ gia thực phẩm vẫn lén lút bán mua phụ gia bị cấm như hàn the đường hóa học formaldehyde… cho khách quen.

Âm ỉ và sẵn sàng bùng phát

Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, kết quả kiểm tra chất cấm trong thức ăn chăn nuôi từ các phòng kiểm nghiệm cho thấy, có 13/168 mẫu dương tính với nhóm chất cấm beta agonits, chiếm 7,8%.  Còn kết quả kiểm tra của các đoàn công tác tại 15 tỉnh, thành ở miền Bắc và duyên hải Nam Trung bộ cho thấy, có 3/150 mẫu dương tính (1 mẫu thịt, 2 mẫu thức ăn chăn nuôi). Cũng trong tháng 3, Thanh tra Bộ NN&PTNTđã ra 550 quyết định xử phạt với số tiền 760 triệu đồng, liên quan đến vi phạm về ATVSTP.

So sánh về mặt tỷ lệ số mẫu thịt, thức ăn chăn nuôi nhiễm chất cấm hồi cuối tháng 2 và trong tháng 3 đã giảm nhiều. Nhưng chưa thể nói đã kiểm soát được tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Bởi theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thì nguyên do: “Kết quả kiểm tra có giảm, cũng bởi thời gian gần đây, cơ quan chức năng, các địa phương cũng như dư luận lên án mạnh mẽ nên các đối tượng buôn bán cũng như người chăn nuôi “chờn”, tỷ lệ mới giảm”.

Dù kết quả kiểm tra chất cấm tạo nạc gốc beta agonits tại các tỉnh miền Bắc chỉ chiếm 4,8%, song theo nhận định, tỷ lệ này vẫn ở mức báo động. Đó là chưa kể, tình trạng sử dụng chất cấm luôn tiềm ẩn phức tạp, có thể bùng lên bất kỳ khi nào bởi lợi nhuận cao.

Một vấn đề nữa liên quan đến ATVSTP là giết mổ gia súc, gia cầm. Qua kiểm tra cho thấy, nhiều tỉnh ở đồng bằng Bắc bộ không kiểm soát giết mổ, thịt bày bán trên thị trường gần như 100% không qua kiểm tra thú y như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam... Trước thực trạng này, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu, trong tháng 4, Cục Thú y sẽ kiểm tra các cơ sở giết mổ, sản xuất thực phẩm, nếu vẫn chưa tiến triển thì đình chỉ hoạt động. Bộ trưởng Cao Đức Phát đã rất bức xúc khi những cơ sở vi phạm ATVSTP sản xuất ra thực phẩm bẩn, trách nhiệm xử phạt cứ đùn đẩy từ Bộ xuống địa phương, mãi không có thay đổi. Tuy nhiên, kiểm tra rồi phải thay đổi thực tế, kiểm tra chất cấm mà kiểu “trống giong cờ mở” thì cũng khó mang lại kết quả như mong muốn.

Một số giải pháp và kiến nghị

1) Các cơ quan chức năng cần khẩn trương điều tra: chốt ngay những điểm (bán, trang trại/hộ chăn nuôi có sử dụng chất cấm) mà báo chí đã phanh phui làm gốc. Niêm phong chất cấm, thức ăn có pha chất cấm và heo bị nhiễm chất cấm, để tránh phát tán và tẩu tán.

2) Công an mở rộng điều tra từ những điểm gốc để lần ra đường dây cung cấp chất cấm.

- Ngành chăn nuôi thú y xét nghiệm (định tính chứ không cần định lượng) để ngăn chặn heo nhiễm chất cấm vào thành phố hoặc tỉnh do mình quản lý. Khi phát hiện, phải báo cáo ngay cho Cục Chăn nuôi Thú y để thống kê, công bố cho tỉnh nơi khởi phát vụ việc để ngăn chặn và cho công an sở tại để điều tra, tiếp tục lần ra đường dây.

3) Giải quyết cho heo không bị nhiễm chất cấm được bán ra thị trường: những hộ chăn nuôi mà biết chắc chắn rằng heo của mình nuôi không có chất cấm thì đăng ký cho cơ quan thú y tỉnh/thành phố xét nghiệm. Nếu âm tính thì tỉnh đóng dấu, cấp giấy xuất tỉnh để bán ra thị trường. Nếu dương tính thì người chăn nuôi phải chịu phạt nặng. Cơ quan thú y tỉnh khi cấp giấy phép phải chịu trách nhiệm.

4) Người chăn nuôi có trách nhiệm tố giác những kẻ xúi bẩy hoặc các cơ sở sử dụng chất này. Các ngành chức năng xử lý thật nặng và thưởng những người tố giác.

Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta phát hiện sử dụng chất cấm tràn lan trong chăn nuôi. Tuy nhiên, mức phạt và xử lý quá nhẹ, chưa đủ răn đe. Hiện nay, vấn nạn này đã phát triển và lan tràn thành hiểm họa. Các nước láng giềng ta đã rất mạnh tay trong công tác xử lý tình trạng này, Trung Quốc đã mở chiến dịch kéo dài 1 năm (từ tháng 3/2011) để truy quét chất cấm trong chăn nuôi. Còn Việt Nam ta, tại sao không tiến hành để trả lại công bằng cho nhiều bà con nông dân bị “vạ lây”? 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật