Những món ngon không thể thiếu trong ngày Tết - Tinh hoa văn hóa của người Việt

Trong tâm thức của người Việt, Tết là khoảng thời gian để trở về nguồn cội, đoàn tụ với gia đình, và tết cũng là dịp được ăn uống thỏa thích, bù cho những tháng ngày vất vả đói kém. Vậy nên người ta hay nói “về quê ăn tết”. Phải rồi, với những kẻ tha hương, thì tết nhất định phải về “chung vui bên gia đình”.

Và, với một gia đình dù nghèo hay giàu thì đến tết cũng cố gắng mà sắm sửa, không mâm cao cỗ đầy thì cũng phải có mâm cơm tươm tất để cúng tổ tiên, ngày 30 mời ông bà về ăn tết.

Ẩm thực ngày tết không chỉ đơn giản là những món ăn thức uống, mà còn là tinh hoa trong văn hóa dân tộc bao đời. Trong những phong tục tập quán ngày tết, không thể không nhắc đến văn hóa ẩm thực như là bản sắc dân tộc.

Mâm cỗ Miền Bắc

Mâm cỗ Miền Bắc

Tết của người Việt là “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Bánh chưng là món không bao giờ thiếu vào dịp tết của người Việt. Trên bàn thờ tổ tiên và trong mâm cỗ của người Việt luôn luôn có bánh chưng. Có lịch sử lâu đời nhất, bánh chưng là quốc hồn quốc túy của dân tộc. Bánh được được làm từ gạo nếp loại ngon, nhân đậu xanh thịt mỡ và được gói bằng lá dong vuông vức, sau đó đem luộc chín. Khi chín, bánh có màu xanh tự nhiên của lá dong, bánh dẻo và thơm mùi gạo nếp

Không có bánh chưng thì không phải là ngày tết, mặc dù bây giờ, những ngày bình thường có thể mua bánh chưng, nhưng miếng bánh chưng ăn vào ngày tết hương vị cũng khác lắm.

Dưa hành cũng là món chẳng bao giờ thiếu trong mâm cỗ ngày tết, dù nó là món dân dã, bình dị. Ngoài bánh chưng, dưa hành, bàn cỗ ngày tết còn có thêm món thịt đông, là thịt được ninh nhừ cùng với mộc nhĩ nấm hương Trong tiết trời lạnh giá của miền Bắc, thật dễ dàng để chế biến món thịt đông. Thịt sau khi ninh nhừ được cho ra bát để cho đông lại, trong veo hấp dẫn vô cùng, khi ăn thì người ta úp ngược bát, những miếng thịt hồng, mềm có mùi thơm rất lạ, ăn hoài không thấy ngấy. Xắn một miếng thịt đông cho vào bát, rồi cho thêm bánh chưng, dưa hành, người ta ngỡ mình đang ăn cả tinh hoa.

Bánh chưng là món không bao giờ thiếu vào dịp tết của người Việt

Bánh chưng là món không bao giờ thiếu vào dịp tết của người Việt

Trong mâm cỗ của người miền Bắc cũng không bao giờ thiếu bát canh măng móng giò. Móng giò mềm rụm, béo ngậy quyện với măng khô thơm ngọt, giòn mới đậm đà làm sao. Nhấp một ngụm canh, cảm nhận vị ngọt, ngon, nồng nàn của măng khô, của nước xương hầm, của mộc nhĩ… đang tan đều nơi đầu lưỡi.

Gia đình tôi gốc Bắc nhưng sống ở miền Nam. Vào dịp tết, mâm cỗ nhà tôi chẳng bao giờ thiếu thịt đông ăn kèm cải chua, canh măng móng giò, dưa hành, bánh chưng, giò thủ… Ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, mẹ tôi đã đi chợ để sắm sanh cho cái tết rồi. Tôi có nhiệm vụ đi tháp tùng mẹ để xách giỏ, vậy là mẹ kể cho tôi nghe nhiều lắm, mẹ kể về sự tích bánh chưng bánh dày, mẹ kể tại sao trong bữa cơm ngày tết của nhà tôi chẳng bao giờ thiếu món thịt đông trong veo hấp dẫn, canh măng móng giò thơm lừng. Mẹ kể tôi nghe về tuổi thơ khốn khó đói kém, cả năm chỉ chờ đến tết để được ăn bánh chưng cho thỏa thích.

Tôi giờ lớn lên ở một thời khác cuộc sống quá đủ đầy, có bao giờ phải mong đến tết để được ăn cho thỏa sức đâu. Có khi chị em tôi còn bảo mẹ không phải làm gì cả, mua cho nhanh, nhưng mẹ rưng rưng: “Như vậy thì còn gì là tết nữa”. Mẹ còn nói, có những thứ không bao giờ mua được bằng tiền. Mâm cỗ ngày tết của mẹ, không chỉ là các món ăn mà còn là văn hóa. Mẹ muốn chị em chúng tôi, đứa nào cũng phải biết trân trọng, đó là lý do mẹ kể cho chúng tôi nghe về những món ăn ngày tết. Mẹ muốn chúng tôi sau này lớn lên, có gia đình và dù sinh sống ở đâu, cũng không quên những nét văn hóa đẹp trong ẩm thực ngày tết, vì mẹ bảo, đâu chỉ là ăn uống đó còn là thưởng thức tinh hoa.

Không thể thiếu thịt đông ăn kèm cải chua, canh măng móng giò, dưa hành, bánh chưng, giò thủ…

Không thể thiếu thịt đông ăn kèm cải chua, canh măng móng giò, dưa hành, bánh chưng, giò thủ…

Rồi tôi lớn lên lấy chồng Chồng tôi là dân miền Nam chính hiệu. Nhớ năm đầu tiên ăn tết ở nhà chồng mẹ chồng cũng rủ tôi làm bánh tét. Không như bánh chưng, bánh tét được gói bằng lá chuối bên trong cũng là nếp đậu xanh thịt mỡ, nhưng khi ăn thì tôi thấy bánh tét không giống bánh chưng. Có lẽ hai loại bánh này mang hương vị khác nhau là vì một bên gói bằng lá dong, một bên gói bằng lá chuối.

Cả thịt kho tàu và canh khổ qua

Cả thịt kho tàu và canh khổ qua

Mẹ chồng tôi bảo, ở gia đình người miền Nam, ngày tết trong nhà không thể thiếu nồi thịt kho hột vịt nước dừa dưa giá, canh khổ qua Nghe tôi thắc mắc, mẹ chồng giải thích, món thịt kho hột vịt dễ ăn, lại để được lâu, có thể làm sẵn nên rất tiện, nếu bận rộn, thì chỉ cần nấu một nồi cơm nóng là có thể xong bữa. Đó là lý do người miền Nam luôn luôn làm món này trong dịp tết. Canh khổ qua được ăn vào ngày mùng 1 tết với ý nghĩa mong mọi khổ cực của năm cũ qua đi và năm mới tươi sáng hơn. Còn món dưa giá sở dĩ không thể thiếu là vì người ta dùng nó để ăn kèm với thịt kho tàu, bánh tét cho đỡ ngấy.

Mẹ chồng dạy tôi cách để nấu một nồi thịt khi hột vịt nước dừa tươi thật ngon. Khi thấy tôi trổ tài, nhìn những miếng thịt vuông vức, vàng óng, béo ngậy và thấm đẫm gia vị, mẹ tôi khen lấy khen để.

Người miền Nam, ngày tết trong nhà không thể thiếu nồi thịt kho hột vịt nước dừa, dưa giá, canh khổ qua

Người miền Nam, ngày tết trong nhà không thể thiếu nồi thịt kho hột vịt nước dừa, dưa giá, canh khổ qua

Thời còn con gái, sáng mùng 1 tôi cũng tranh thủ dậy sớm, phụ mẹ, nhưng tôi chỉ đứng cạnh bên và chờ mẹ "nhờ vả". Còn bây giờ, tôi xung phong dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, để mẹ chồng ngủ thêm một tí. Khi ba mẹ và chồng tôi dậy thì tất cả đã sẵn sàng, trên bàn là mâm cơm nghi ngút khói với thịt kho hột vịt vàng ươm hấp dẫn, béo ngậy nước dừa tươi và tô canh khổ qua nóng hổi. Cả nhà tôi vừa ăn uống vừa chuyện trò vui vẻ.

Mang đậm dấu ấn Việt ẩm thực ngày tết luôn là một nét văn hóa đa dạng, phong phú mà có lẽ những người con Việt dù đi đâu xa cũng cố gắng giữ gìn, trân trọng.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật