90% bác sĩ phẫu thuật tim mạch bị vợ bỏ, vì sao vậy

Đó là lời nói cay đắng từ một ông thầy người Pháp của BS-TS Nguyễn Sinh Hiền, PGĐ Bệnh viện Tim Hà Nội.

Cũng theo lời kể của BS Hiền, ông thầy người Pháp với hàng chục năm giảng dạy và cứu giúp hàng nghìn người này cũng đã bị vợ bỏ vì công việc quá bận rộn. 'Lựa chọn lĩnh vực mổ tim là phải hy sinh rất lớn' - vị bác sĩ trầm ngâm.

Hy sinh lâu nay vẫn được coi đức tính quan trọng nhất đối với người làm nghề y: Đi sớm về khuya, hàng ngày hàng giờ đối mặt với những ca mổ, đối diện với người bệnh, máu và xác chết… tất cả đều không lạ lẫm.

Tuy nhiên, để người nhà đặc biệt là những người vợ, người chồng của các y bác sĩ hiểu và cảm thông được là một sự cố gắng và vượt khó rất lớn.

'Có lẽ bởi người phụ nữ Việt Nam có lòng chung thủy và sự hy sinh hơn nên tôi được vợ thông cảm về chuyện thường xuyên về nhà muộn. Chỉ có điều 2 con còn nhỏ, nhiều hôm đi làm về thì con đã ngủ và ngày hôm sau khi mình đi làm thì các con chưa dậy.

Đứa lớn vẫn học mẫu giáo nhiều hôm khóc đòi bố tối phải ngủ với con, gọi điện dặn dò bố phải về nhé, đừng đi làm suốt như thế. Chỉ thấy thương con', anh nói.

Dù vậy, tất cả điều đó cũng chỉ là những hy sinh rất đời thường, bởi còn những sự hy sinh lớn hơn thế mà không phải ai cũng biết. 

Theo BS Hiền, những người công tác trong lĩnh vực y tế luôn phải đối mặt với nhiều bệnh nghề nghiệp.

12 năm đứng mổ chính, BS Hiền và các đồng nghiệp hầu như đều mắc chứng bệnh về đau cột sống có người thì bị thoát vị đĩa đệm phải điều trị.

Bản thân anh khắc phục chứng đau cột sống bằng việc cố gắng tập yoga Tuy nhiên, vì ăn uống thất thường, đặc biệt là ít khi được ăn bữa trưa bởi các ca mổ thường kéo dài qua trưa, nên BS Hiền lại bị đau dạ dày mãn tính, cũng là căn bệnh nhiều người làm nghề y mắc phải.

Đặc biệt, y tế là nghề phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm hàng đầu về các căn bệnh nguy hiểm. Từ HIV, Salt, H5N1 viêm gan lao ho gà, thương hàn… với mọi loại bệnh, đối tượng có nguy cơ bị lây nhiễm đầu tiên đó chính là những người chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân.

BS Hiền kể lại năm đầu tiên theo học y ở Pháp, anh có tham gia mổ cho một bệnh nhân bị viêm gan C - căn bệnh mà ở Pháp người ta còn sợ hơn cả HIV bởi vì bị viêm gan C sẽ nhanh chóng dẫn đến xơ ganung thư gan tỷ lệ chết nhanh hơn người bị nhiễm HIV.

'Hồi đó tôi bị kim đâm vào tay, người ta ngay lập tức đưa tôi đi làm các biện pháp sát trùng xét nghiệm máu và cứ mỗi tháng một lần phải thực hiện xét nghiệm lại.

Đến khi về Việt Nam, tôi vẫn phải làm các xét nghiệm để gửi sang bên đó kiểm tra. Sau rất nhiều lần như thế, kết quả xét nghiệm xác minh mình không bị viêm gan C, tôi mới thực sự nhẹ người', anh kể. 

Theo anh, các bệnh viện ở Việt Nam luôn làm xét nghiệm trước khi mổ, trường hợp bệnh nhân bị viêm gan C hoặc HIV bao giờ các bác sĩ cũng rất cẩn thận lúc phẫu thuật nên hiếm khi xảy ra việc phơi nhiễm.

'Tất nhiên là dù nghiêm ngặt thế nào thì rủi ro vẫn luôn có thể xảy ra', BS Hiền nói.

Trước những rủi ro nghề nghiệp vô cùng nguy hiểm như vậy, theo quan điểm của vị bác sĩ này thì người làm nghề y cần phải hội tụ cả 3 yếu tố: Một là sức khỏe hai là trí tuệ ba là tình yêu nghề yêu bệnh nhân thì mới trụ vững với nghề.

'Cái khó khăn nhất trong nghề y đó là người bác sĩ phải luôn tâm niệm mình đang tiếp xúc với một sinh mạng con người, họ là thực thể hoàn hảo nhất của tạo hóa, mình được phép chữa trị cho người ta thì phải làm sao đưa lại sức khỏe tốt nhất, phải làm cho bệnh nhân tốt lên chứ không được làm tổn thương họ', BS Hiền trải lòng về công việc của mình.

Còn BS - PGS.TS Phạm Nhật An, nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em, nguyên PGĐ BV Nhi TƯ, cũng đồng tình với quan điểm trên.

'Con người không phải máy móc, bác sĩ chữa bệnh cũng không giống như thợ cơ khí sửa máy móc hư hỏng. Bởi rất nhiều loại máy móc được sản xuất giống nhau nhưng con người thì không có ai giống ai cả, trừ khi đó là những người sinh đôi cùng trứng cùng sống trong cùng điều kiện hoàn cảnh thì mới giống nhau.

Cùng một loại vi khuẩn vi-rút nhưng khi tiếp xúc với những người khác nhau sẽ gây ra các biểu hiện bệnh tật không giống nhau.

Ngành y có đặc thù riêng và vì thế, đó là một công việc vừa cần tri thức, sự cần cù, liên tục học hỏi, lại đòi hỏi tâm huyết, hy sinh của người trong nghề'. 

Bởi vậy mà dù đã công tác trong ngành y 40 năm, BS An vẫn không thể quên được hình ảnh 2 đứa con của ông thường xuyên phải theo bố mẹ lên viện trực cấp cứu vì không có ai trông. Lớn tí nữa thì 2 anh em hầu như đêm nào cũng phải tự trông nhau, cho nhau ăn, đưa nhau đi ngủ vì bố mẹ còn bận chăm sóc cho hàng trăm bệnh nhân khác.

Không chỉ vất vả về thể chất, các bác sĩ như bác An còn thường xuyên phải đau đầu trước những ca bệnh khó, những ca bệnh chưa tìm ra nguyên nhân.

Những lúc như vậy, những người làm nghề tâm huyết như ông lại mất ăn mất ngủ Nhìn thấy gia đình, người thân bệnh nhân mòn mỏi chờ đợi, hy vọng sự cứu giúp từ bác sĩ, ông lại thấy nhói lòng.

'Thế nhưng không phải người nhà bệnh nhân nào cũng hiểu cho chúng tôi. Dù chữa trị bất kỳ bệnh gì cũng phải trải qua những quy trình nghiêm ngặt, không thể chữa triệu chứng trước mắt mà không hiểu căn nguyên của bệnh. Nhiều trường hợp chúng tôi phải hội chẩn, cân nhắc kỹ nên chữa trị như thế nào là tốt nhất.

Tuy nhiên, nhiều gia đình cứ nghĩ chúng tôi bỏ mặc bệnh nhân, gây nhũng nhiễu thậm chí chửi bới, hành hung bác sĩ khiến những người hành nghề y như chúng tôi nhiều lúc thần kinh căng thẳng vô cùng'.

Thực sự nếu không tâm huyết với nghề, ở cái tuổi xấp xỉ xưa nay hiếm, BS An đã có thể vui vầy bên con cháu an hưởng tuổi già. Nhưng vị bác sĩ này vẫn ở lại, hàng ngày cũng những học trò và đồng nghiệp của ông thăm khám, hội chẩn cho những ca bệnh khó tại Khoa Truyền nhiễm BV Nhi TƯ, để rồi bản thân ông lại lấy những nụ cười của các thiên thần nhỏ sau khi thoát khỏi bệnh hiểm nghèo làm niềm vui, niềm hạnh phúc cho chính mình.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật