Sai lầm khi nghĩ đeo kính râm phòng ngừa được lây lan bệnh đau mắt

Ngoài bệnh đau mắt đỏ, thời tiết nóng bức, khói bụi và ô nhiễm của mùa hè khiến mọi người dễ gặp các vấn đề về mắt như viêm kết mạc, dị ứng mắt, khô mắt và tăng nguy cơ đục thủy tinh thể do tiếp xúc nhiều với bức xạ tia cực tím

Thông tin tại buổi chia sẻ về các bệnhMắt mùa hè, Ths.BS  Đặng Xuân Nguyên – Giám đốc chuyên môn bệnh viện Mắt Hà Nội 2  cho hay, thực tế vẫn còn nhiều người cho rằng đeo kính râm khi đau mắt đỏ có thể giúp người khác không bị lây bệnh cũng như việc nhìn vào mắt người bệnh sẽ bị lây.

Trên thực tế, theo các chuyên gia việc nhìn vào mắt nhau không thể lây bệnh bởi tác nhân gây bệnh thường do virus gây ra. Virus đau mắt đỏ có nhiều trong dịch tiết của mắt (nước mắt, ghèn), trong mũi, miệng nước bọt của người bệnh.

Virus từ người bệnh phát tán ra ngoài và xâm nhập qua người lành bằng nhiều cách khác nhau như tay người lành dính dịch tiết của người bệnh và đưa lên dụi vào mắt, sử dụng chung khăn mặt, chậu rửa mặt, nguồn nước, bắt tay người bệnh.

Dấu hiệu đau mắt đỏ

Khi bị đau mắt đỏ người bệnh sẽ có cảm giác ban đầu là nóng rát mắt đau có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, mi mắt sưng nề, chảy nước mắt. Những dấu hiệu sớm có thể nhận biết là mắt cộm, đỏ, có dử (ghèn). Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan qua mắt thứ hai.
Thông thường ban đầu người bệnh chỉ là mắt cộm, đỏ, ngứa, chảy nước mắt, bệnh nhân vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không suy giảm. Nếu để nặng hơn, bệnh nhân có thể bị phù mắt đỏ, có màng trong mắt... việc điều trị sẽ phức tạp hơn.
đau mắt đỏ có nguy cơ lây nhiễm cao trong vòng 2 tuần từ khi bị bệnh nên việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng.

“Các vật trung gian như ruồi, gián, ấm chén, bát đũa, nắm cửa, nút bấm thang máy,... nếu có nhiễm virus cũng có khả năng truyền bệnh cho người lành. Đặc biệt cách lây phổ biến là qua đường hô hấp”- BS Đặng Xuân Nguyên nói.

Theo BS Nguyên, khi người bệnh nói chuyện hoặc ho nhảy mũi... sẽ bắn ra những hạt nước có mang virus và lây cho người lành. Một lần hắt hơi có thể đem virus bệnh bắn xa tới 7m. Đó có thể là tác nhân lây bệnh. Người bệnh nên chủ động đeo khẩu trang khi có mắc kèm các bệnhhô hấp để tránh lây lan trong gia đình và cộng đồng

“Để đề phòng, người bệnh lẫn người chưa bị bệnh cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc nước rửa tay có chứa cồn Không dùng tay chạm vào hoặc dụi mắt mà dùng khăn sạch, tốt nhất là khăn giấy mềm để lau mắt. Rửa tay sau khi sử dụng thuốc nhỏ mắt và chạm vào các vật dụng công cộng, không sử dụng chung đồ với người bệnh”- BS Nguyên khuyến cáo.

Ngoài bệnh đau mắt đỏ trong mùa hè, BS Nguyên cũng cho biết thêm các bệnh về mắt đang có xu hướng gia tăng bởi mùa hè là thời gian lý tưởng cho các hoạt động thể thao giải trí ngoài trời như bơi lội hay dã ngoại…

Tuy nhiên, thời tiết nóng bức, khói bụi và ô nhiễm khiến mọi người dễ gặp các vấn đề về mắt như viêm kết mạc dị ứng mắt, khô mắt và tăng nguy cơ đục thủy tinh thể do tiếp xúc nhiều với bức xạ tia cực tím. Gần đây tại bệnh viện Mắt Hà Nội 2 gặp khá nhiều bệnh nhân bị bệnh viêm kết mạc (có cả trẻ con và người lớn). Nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm kết mạc là việc mắt bệnh nhân bị nhiễm khuẩn khi đi bơi ở sông ngòi, hồ ao và trong các bể bơi công cộng

Trong đó, viêm kết mạc có thể do trong hồ bơi có chất chlorine làm mắt đỏ kích ứng kéo dài. Ngoài ra, việc tiếp xúc với nước bẩn không chỉ dẫn đến đau mắt thông thường còn làm tăng cơ hội lây nhiễm các loại vi khuẩn như Chalamydia, một loại vi khuẩn bộ phận sinh dục xâm nhập mắt. Biểu hiện của bệnh này là mắt đỏ, ra gỉ nhiều, kết mạc có hột đặc hiệu, diễn biến kéo dài nếu không được điều trị đúng.

Ngoài ra bệnh viện cũng gặp một số bệnh nhân dị ứng mắt do khói bụi và các dị nguyên như phấn hoa, lông súc vật... Tình trạng dị ứng có thể gây ngứa, đỏ mắt kèm theo cảm giác nóng rát. Các triệu chứng chủ yếu là ngứa mắt, chảy nước mắt, tăng tiết gỉ mắt với các đặc điểm màu trong, dai dính, lỏng như nước cháo, đôi khi đặc quánh; nặng hơn thì phù nề co quắp mi, sợ ánh sáng.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật