Sử dụng thuốc cho người tăng nhãn áp, có thể bạn chưa biết

Một số loại thuốc khi dùng thời gian dài sẽ gây ra tác dụng phụ, làm tăng áp suất ở mắt hay làm tăng độ hẹp của góc con ngươi và giác mạc, khiến cho tình trạng tăng nhãn áp trở nên nghiêm trọng!

Bệnh tăng nhãn áp

Bệnh tăng nhãn áp (glaucoma, còn gọi là bệnh cườm nước hay bệnh thiên đầu thống) là một bệnh lý ở mắt do sự gia tăng áp suất ở mắt gây ra. Sự gia tăng áp suất ở mắt sẽ làm tổn thương các dây thần kinh thị giác ảnh hưởng đến thị lực và trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến mù.

Bình thường ở mắt sẽ có sự cân bằng áp suất giữa dịch mắt tiết ra và dịch mắt thoát đi. Khi quá trình cân bằng này bị xáo trộn: lượng dịch mắt thoát đi không kịp so với dịch mắt tiết ra, sẽ gây ra sự gia tăng áp suất ở mắt.

Phân loại:

Bệnh tăng nhãn áp có hai dạng thường gặp: bệnh tăng nhãn áp góc mở và bệnh tăng nhãn áp góc đóng.

Bệnh tăng nhãn áp góc mở: thường xảy ra ở người trên 40 tuổi, nữ nhiều hơn nam. Bệnh diễn ra trong một thời gian dài mà thường không gây ra triệu chứng gì. Bệnh nhân đột ngột mắt bị mờ và mất dần thị lực.

Bệnh tăng nhãn áp góc đóng (còn gọi là tăng nhãn áp cấp): thường xảy ra nhanh chóng với các triệu chứng đau nhức ở đầu và mắt, mắt dần mờ đi và thường thấy những quầng sáng, có thể buồn nôn ói…

Nguyên nhân:

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tăng nhãn áp:

- Di truyền: tiền sử gia đình có người thân bị tăng nhãn áp.

- Tuổi tác: những người > 40 tuổi thường có nguy cơ cao mắc bệnh tăng nhãn áp.

- Bệnh lý: người có tiền sử mắc các bệnh viêm nhiễm về mắt.

Thận trọng khi sử dụng thuốc

Một số loại thuốc sau đây có tác dụng phụ làm tăng áp suất ở mắt, nên phải hết sức thận trọng khi sử dụng các thuốc này cho người bị bệnh tăng nhãn áp:

Nhóm thuốc kháng histamine (Chlorpheniramin, dexchlorpheniramin…) thường được sử dụng để làm giảm các triệu chứng của viêm mũi dị ứng dị ứng da… Khi sử dụng nhóm thuốc này cần thận trọng cho người bị tăng nhãn áp góc đóng, do thuốc làm giãn nở con ngươi, tăng độ hẹp của góc con ngươi và giác mạc

Nhóm thuốc kháng viêm corticosteroid (prednisolon, dexamethason, betamethason…) thường được sử dụng cho người bị viêm khớp hen phế quản viêm kết mạc… Khi sử dụng nhóm thuốc này trong một thời gian dài > 2 tuần (đặc biệt là với dạng thuốc nhỏ mắt), sẽ gây ra tác dụng phụ làm gia tăng áp suất của mắt. Vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng nhóm thuốc corticosteroid cho người bị tăng nhãn áp.

Nhóm thuốc chống loạn thần (Risperidon, chlorpromazine…) thường được sử dụng trong các bệnh lý tâm thần như: rối loạn lo âu tâm thần phân liệt... Các thuốc chống loạn thần khi sử dụng trong một thời gian dài thường gây ra tác dụng phụ làm gia tăng áp suất của mắt, cần thận trọng cho người bị tăng nhãn áp.

Nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng (amitriptyline, nortriptyline, clomipramine…) thường được sử dụng trong điều trị trầm cảm rối loạn lo âu... Khi sử dụng nhóm thuốc này trong một thời gian dài sẽ tăng độ hẹp của góc con ngươi và giác mạc cần thận trọng khi sử dụng cho người bị tăng nhãn áp góc đóng.

Nhóm thuốc chống co thắt (dicyclomin, hyoscyamine, oxybutynin…) thường được sử dụng trong điều trị giảm đau do co thắt dạ dày - ruột, chống nôn ói, say tàu xe… Khi sử dụng nhóm thuốc này trong một thời gian dài, cần thận trọng cho người bị tăng nhãn áp góc đóng, do thuốc tác động lên hệ thần kinh giao cảm làm giãn nở con ngươi, tăng độ hẹp của góc con ngươi và giác mạc, khiến tình trạng tăng nhãn áp trở nên nghiêm trọng.

Ngoài các thuốc trên, còn có các nhóm thuốc khác như: nhóm thuốc chống sung huyết trị nghẹt mũi (pseudoephedrin, phenylephrine…), nhóm thuốc sulfonamide (sulfamethoxazole, hydrochlorothiazide…)… cũng cần phải hết sưc thận trọng khi sử dụng cho người bị tăng nhãn áp.

Việc sử dụng thuốc đối với người bị tăng nhãn áp cần phải hết sức thận trọng. Khi đi khám bệnh,  người bệnh nên thông báo tình trạng tăng nhãn áp cho bác sĩ và tuân theo đúng các chỉ định điều trị. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu thấy sự gia tăng áp suất mắt một cách bất thường, cần thông báo kịp thời cho bác sĩ để có hướng xử lý, bằng cách điều chỉnh liều dùng hay thay thế một loại thuốc khác không gây ra ảnh hưởng cho người bị tăng nhãn áp.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật