Bóng nước nổi nhiều ở tay chân miệng có đáng lo hay không?

Bé L., 3 tuổi được mẹ đưa vào viện điều trị bệnh tay chân miệng sau khi bé bị bệnh 3 ngày với những nốt bóng nước nổi trên da ngày càng nhiều. Gia đình rất lo lắng vì không biết đó có phải là dấu hiệu bé bị bệnh nặng không?

Ngày 7-12-2017 bé Nguyễn Thảo L., 3 tuổi, nhà ở Phường 9, Mỹ Tho, Tiền Giang được mẹ đưa vào phòng khám nhi vì trên da nổi bóng nước quá nhiều, ngứa ngáy, khó chịu. Mẹ cháu cho biết, cháu L. bị bệnh 3 ngày, mới đầu sốt nhẹ, sau đó hết sốt mà trên da nổi mụn nước ngày càng nhiều gia đình lo lắng không biết có phải đó là dấu hiệu bé đang bị bệnh nặng không?

Tại bệnh viện sau khi khám toàn thân cho cháu L., bác sĩ nhận thấy bệnh nhi ngoài các mụn nước nổi nhiều trên da ra, không có triệu chứng nào khác kèm theo như: sốt cao, giật mình nhiều, khóc quấy... nên đưa ra kết luận là cháu chỉ bị tay chân miệng độ 1, là độ nhẹ nhất, theo dõi tại nhà khoảng một tuần, nếu không có biến chứng gì thì cháu sẻ khỏi, các nốt phồng nước tự động khô đi và hoàn toàn không để lại sẹo

Về chuyên môn bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người qua đường tiêu hóa dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Vi rút xâm nhập vào tế bào niêm mạc miệng hoặc ruột non sau 24 giờ thì vi rút đi vào các hạch bạch huyết vùng hồi tràng, sinh sôi nảy nở tại đây, khi phát triển tăng số lượng trong thời gian 3-7 ngày thì vi rút tràn vào máu gây nên bệnh cảm sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng

Vi rút có ái lực với da và niêm mạc nên nó tập trung ở vùng này, gây tổn thương tại chỗ như nổi bóng nước ở miệng loét miệng bóng nước ở lòng bàn tay bàn chân, mông, gối... Nếu không có biến chứng, các tổn thương này từ từ lặn trong vòng từ 7-10 ngày mà không để lại sẹo.

Một số trường hợp vi rút tấn công lên não sẽ  gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, nếu phản ứng viêm trở nên quá mức có thể dẫn đến viêm cơ tim phù phổi cấp. Các trường hợp nặng thường do EV71 có thể gây biến chứng cao (31%) so với loại Coxsackievirus (4%).

Những cháu có bất cứ triệu chứng nguy hiểm nào xuất hiện khi bị mắc bệnh tay chân miệng như: sốt cao ≥ 39 độ C, hoặc sốt trên 2 ngày, thở nhanh khó thở giật mình lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ nôn nhiều, đi loạng choạng, da nổi bông tím, vã mồ hôi tay chân lạnh co giật hôn mê thì phải vào bệnh viện ngay.

Ngoài ra, các cháu bị bệnh tay chân miệng mà còn nhỏ dưới 12 tháng tuổi hay các cháu có kèm theo bệnh khác như: tim bẩm sinh, suyễn, viêm thận thì cân nhắc cho nhập viện sớm để theo dõi biến chứng.

Như vậy bệnh tay chân miệng chỉ nổi nhiều bóng nước thì không phải là dấu hiệu nặng, mà đôi khi chỉ cần một dấu hiệu là sốt cao thôi cũng là nguy hiểm cảnh báo chúng ta biết bệnh đang trở nặng.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật