Bệnh nhân sau tai biến, phục hồi chức năng như thế nào?

Tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ) là bệnh hay gặp, đứng thứ ba sau bệnh ung thư và bệnh tim mạch. Tỷ lệ tử vong do tai biến chiếm khoảng 25% và tỷ lệ tàn phế chiếm vị trí hàng đầu trong các bệnh.

Di chứng sau tai biến rất khắc nghiệt

Tai biến mạch máu não (TBMMN) thường gặp ở nhiều độ tuổi, tuy nhiên nam giới từ 50 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh cao hơn cả. Những tổn thương khi xảy ra tai biến làm giảm đột ngột hoặc ngưng hoàn toàn việc cung cấp máu lên não. Chính vì vậy, các tế bào thần kinh bị tổn thương và chức năng hoạt động của cơ quan này có thể sẽ bị ngưng trệ trong một thời gian dài dẫn đến các di chứng liệt nói ngọng méo miệng hay co rút các cơ, thần kinh...

Trong lâm sàng, tai biến nhồi máu não thường gặp hơn là chảy máu não, chiếm tỷ lệ 80-85%, trong khi đó tỷ lệ chảy máu não là 10-15% và chảy máu màng não là 5%.

Việc phát hiện sớm TBMMN thể nhồi máu não và điều trị tiêu cục máu đông đối với thời gian vàng của não rất quan trọng. Thời gian của não là thời gian vàng, nếu người bệnh được xử lý cấp cứu giai đoạn cấp của nhồi máu não (trong vòng 3 tiếng từ khi xảy ra tai biến) kết quả điều trị sẽ được cải thiện.

TBMMN thường gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thống kê cho thấy khoảng 1/3 số người bị TBMMN sau đó bị liệt nửa người Do đó tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau TBMMN là phương pháp giúp bệnh nhân phục hồi tốt nhất, hạn chế tối đa di chứng và biến chứng.

Sau khi xảy ra các cơn tai biến, người bệnh nên tập phục hồi chức năng càng sớm càng tốt, việc tập luyện phục hồi chức năng sẽ được tiến hành theo từng giai đoạn. Mục tiêu chung là nhằm giúp người bệnh phục hồi chức năng vận động có thể di chuyển được, phục hồi chức năng ngôn ngữ như nghe, nói, hiểu được, sớm hòa nhập với cuộc sống

Kiên trì, nhẫn nại, tận tâm giúp người bệnh mau hồi phục

Di chứng sau TBMMN để lại khiến cho bệnh nhân khó có thể vận động, đi lại được. Để giảm bớt các di chứng và phòng bệnh tái phát, khi trở về nhà sau giai đoạn cấp cứu, bệnh nhân vẫn phải được chăm sóc và điều trị theo phác đồ riêng.

ThS. Thái Thị Xuân, Giám đốc bệnh viện phục hồi chức năng Nghệ An nói: Hiện nay chưa có phương pháp nào điều trị hiệu quả đột quỵ TBMMN cả mà chỉ là phục hồi chức năng càng sớm, đúng phương pháp để giảm thiểu tối đa di chứng và tàn phế.

Chúng tôi đã thành lập Trung tâm Phục hồi chức năng TBMMN để hướng dẫn phòng ngừa TBMMN cho người dân biết phát hiện nguy cơ để có biện pháp phòng ngừa tốt nhất bệnh viện chúng tôi đã và đang cố gắng làm tốt cả về tuyên truyền phòng ngừa, điều trị. Phục hồi chức năng sớm và tốt nhất cho người bệnh nhằm giảm đáng kể di chứng sau tai biến.

Chị Thái Xoan, 57 tuổi ở TP Vinh, cuối năm 2015 chị thấy đau đầu nhức hốc mắt tăng dần... đến lúc không chịu được nên người nhà đưa đến bệnh viện đa khoa. Khi vào đến viện, mắt đã không nhìn thấy, đầu đau dữ dội, rụt lưỡi, không nói được và hôn mê Các bác sĩ đã dùng thuốc điều trị theo phác đồ thấm mạch não.

Sau 4 giờ đồng hồ chị Xoan tỉnh, mở nhẹ mắt... được chuyển viện về Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An tiếp tục điều trị theo phác đồ thấm mạch não và sau 2 tuần điều trị chị Xoan đã nắm được tay và 4 tuần sau thì bắt đầu đứng dậy tập đi! Tiếp tục được các bác sĩ thăm khám và điều trị tích cực, đến hôm nay chị Xoan đã đi lại như người bình thường. Nếu không nói, chẳng ai biết chị Xoan đã từ cõi chết trở về.

Phục hồi chức năng sau tai biến cần tuân thủ y lệnh điều trị

Sau TBMMN, việc phục hồi chức năng sẽ tùy thuộc vào mức độ tàn tật và khả năng hoạt động chức năng của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân bị liệt nửa người và phải nằm liệt giường, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc người khác thì việc tập luyện là những bài tập thụ động do người chăm sóc giúp đỡ hoặc điều dưỡng viên vật lý trị liệu

Thông thường bệnh phục hồi khá tốt trong 3 tháng đầu, phục hồi chậm hơn 3 tháng tiếp theo, ngoài 6 tháng thì phục hồi rất chậm. Do đó, phục hồi chức năng sau TBMMN đòi hỏi người bệnh phải hết sức kiên trì tập luyện và tuân thủ theo liệu trình hỗ trợ điều trị của cơ sở y tế. Người nhà nên động viên tư tưởng và chăm sóc kỹ cho bệnh nhân trong quá trình hỗ trợ điều trị.

Tập vận động, phục hồi chức năng càng sớm càng tốt là cách duy nhất giúp bệnh nhân giảm các di chứng, biến chứng sau các cơn TBMMN. Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An với đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn cao, nghiệp vụ vững vàng trong lĩnh vực vật lý trị liệu phục hồi chức năng đã giúp bệnh nhân sớm hồi phục chức năng vận động, đưa người bệnh tái hòa nhập với cộng đồng, xã hội và đem lại cho họ cuộc sống tốt đẹp hơn.

GS. Cao Minh Châu, Trưởng Bộ môn Phục hồi chức năng Đại học Y Hà Nội nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Bạch Mai, người hỗ trợ chuyên môn trực tiếp cho BV Phục hồi chức năng Nghệ An cho biết, phục hồi chức năng sau TBMMN đòi hỏi người bệnh phải hết sức kiên trì tập luyện và tuân thủ theo liệu trình hỗ trợ điều trị của bệnh viện. Đồng thời người nhà nên động viên tư tưởng và chăm sóc kỹ cho bệnh nhân trong quá trình hỗ trợ điều trị.

Theo các chuyên gia thần kinh, phòng ngừa TBMMN cần cảnh giác các yếu tố nguy cơ, cụ thể là: Thay đổi lối sống; Loại bỏ các yếu tố nguy cơ như không hút thuốc không uống rượu; ăn uống điều độ; tăng cường vận động thể lực thể dục thể thao; sống vui vẻ tránh căng thẳng; phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh đái tháo đường tim mạch huyết áp

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật