Bệnh zona và thuốc điều trị như thế nào cho hiệu quả?

Zona là một bệnh thường gặp, càng nhiều tuổi thì tỷ lệ nguy có mắc bệnh càng cao. Bệnh do cùng một loại virut gây bệnh thuỷ đậu có tên là Varicella gây nên.

Đa số các bệnh nhân zona có tiền sử mắc bệnh thuỷ đậu khi còn bé. Sau khi bệnh thuỷ đậu đã khỏi thì một số virus Varicella vẫn còn tồn tại ở trạng thái tiềm tàng nhưng không gây bệnh. Các virut này cư trú ở các hạch thần kinh nhiều tháng, nhiều năm. Khi gặp điều kiện thuận lợi như: suy giảm miễn dịch các sang chấn tinh thần suy nhược cơ thể chúng trở lại trạng thái hoạt động, nhân lên, phát triển ra các đầu dây thần kinh cảm giác và gây nên bệnh zona. Chính vì vậy mà zona là một bệnh ngoài da nhưng lại có tổn thương gốc ở dây thần kinh.

Vấn đề điều trị bệnh zona hoàn toàn khác hẳn với điều trị viêm da tiếp xúc côn trùng. Nếu điều trị muộn hoặc điều trị sớm mà không đúng thuốc hoặc đúng thuốc mà không đủ liều thì coi như chưa được điều trị.  Điều trị tốt nhất là trong vòng 48 giờ tính từ khi có tổn thương da. Nếu điều trị trong vòng 1 tuần đầu thì kết quả cũng khá tốt. Điều trị càng muộn thì để lại di chứng càng nhiều.

Thuốc đặc trị là kháng sinh diệt virut acyclovir   ngày uống 5 lần, cách nhau 3 giờ trong 7 ngày liên tục các bệnh nhân suy giảm chức năng thận thì phải chỉnh liều thuốc có tác dụng phụ như nôn hoặc tiêu chảy ở khoảng 3- 4% các trường hợp. Khi uống acyclovir,  virut sẽ ngừng nhân lên và vì thế điều trị sớm sẽ hạn chế tổn thương dây thần kinh nên sẽ giảm đau và giảm các biến chứng.

Nếu bệnh nhân đau cấp trong lúc bệnh đang tiến triển thì có thể uống thêm các thuốc giảm đau thần kinh phối hợp như:  gabapentin (neurotin) hoặc pregabalin (lyrica) trong thời gian từ 1-3 tuần. Nếu sau khi tổn thương da khỏi mà vẫn còn đau hoặc đau sau zona thì phải điều trị bằng các thuốc trên kéo dài hơn.

Tuyệt đối không được nghe theo người không có chuyên môn như đắp đỗ xanh gạo nếp hoặc các lá thuốc nam lên tổn thương da. Làm như vậy không chữa được bệnh mà đôi khi còn gây tăng nguy cơ nhiễm trùng da gây loét kích ứng da Khi tổn thương da ướt, tiết dịch nhiều thì bôi các chế phẩm dạng dung dịch như jarish, dalibour, các dung dịch kháng sinh. Khi tổn thương da khô hơn thì có thể bôi kem acyclovir. Nếu có nhiễm trùng bồi phụ thì bôi thêm các mỡ kháng sinh như foban bactroban

Bệnh nhân không cần kiêng ăn. Vẫn tắm rửa bình thường, vẫn tập thể dục được.

Trong khi điều trị nếu có điều kiện thì chiếu laser He-Ne một đợt để góp phần giảm viêm giảm đau và hạn chế sẹo.

Bệnh có thể lây cho người khác, khi có thai bệnh có thể lây cho em bé trong bụng. Khi bị lây virut thì có thể phát thành bệnh zona hoặc thuỷ đậu.

Nếu nghi ngờ mắc zona nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu ngay để có chẩn đoán và điều trị thích hợp nhất. 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật