Khuyến cáo từ ca tử vong do tiêu chảy cấp, các bạn hãy chú ý thêm về căn bệnh này nhé!

* Các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) cần tập huấn lại hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh tiêu chảy cấp cho cán bộ y tế.

* Phân loại, thu dung, điều trị và chuyển tuyến các trường hợp mắc bệnh tiêu chảy cấp phải đúng tuyến.

Theo thông tin từ Bộ Y tế đã có một trường hợp trẻ nhỏ tại TP.Hồ Chí Minh tử vong vì liên quan đến bệnh tiêu chảy cấp. Mặc dù cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được nguồn lây tiêu chảy cấp khiến 9 người mắc, 1 bệnh nhi tử vong tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh, nhưng kết quả điều tra cho thấy các trường hợp mắc bệnh sống ở khu vực có điều kiện vệ sinh thấp kém, sàn nhà ẩm thấp, nước ao hồ tù đọng...

Về ca tử vong vì tiêu chảy cấp ở TP. Hồ Chí Minh

Ca bệnh tử vong là bé trai P.N.T. (10 tháng tuổi) là ca khởi phát bệnh thứ 3 tại khu vực xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh. Được biết, chiều ngày 14/7/2014, bé bị sốt và tiêu chảy phân lỏng màu vàng, khoảng 9 - 10 lần/ngày. Trưa ngày 15/7/2014 được bà nội cho uống thuốc Đông y không rõ loại, nhưng tình trạng bệnh của bé không cải thiện, đến 14 giờ trẻ lừ đừ nhiều mới được gia đình đưa vào bệnh viện Nhi đồng 1 nhưng bệnh nhân đã tử vong sau một ngày nhập viện với chẩn đoán: Sốc nhiễm trùng - Nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa Không có xét nghiệm phân.

Qua lời kể của bà nội bé, trước khi mắc bệnh, bệnh nhân thường được bú bình sữa chung với bé H.G.B. (Bệnh nhi B. có kết quả xét nghiệm dương tính với E.Coli ESBL - khuẩn kháng kháng sinh).

Hiện tại, ổ dịch này Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh đã lập danh sách theo dõi điều tra 29 người thuộc 11 hộ khác nhau bao gồm 10 trường hợp mắc bệnh tiêu chảy và 19 người tiếp xúc. Đồng thời, y tế địa phương cũng phối hợp tăng cường các hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường, ATTP tại khu vực xảy ra dịch cũng như trên toàn thành phố.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đây là các trường hợp mắc tiêu chảy cấp khu trú, không nghĩ đến tả. Cho đến nay vẫn chưa rõ nguồn lây bệnh của ca đầu tiên. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết, kết quả điều tra cho thấy các trường hợp mắc bệnh sống trong khu vực có điều kiện vệ sinh thấp kém, sàn nhà ẩm thấp, nước ao hồ tù đọng, sử dụng cầu tiêu trên ao cá và rác thải không được thu gom xử lý tạo điều kiện cho nguồn bệnh lây lan và phát triển.

Để có nhận định về nguồn lây bệnh chắc chắn hơn, cần phải chờ kết quả xét nghiệm từ các mẫu nước thực phẩm đã thu thập tại thực địa và mẫu phân của các ca bệnh khác và mẫu phân lần 2 của ca thứ 2.

Tại TP.Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm ghi nhận 3.719 ca tiêu chảy cấp, trong đó huyện Bình Chánh chiếm tỷ lệ 7,87% số ca mắc (293 ca). Toàn xã Lê Minh Xuân ghi nhận 75 trường hợp tiêu chảy cấp.

“Kích hoạt” hệ thống để ngăn ngừa bệnh lây lan

Về phía ngành y tế, ngay sau khi nhận được thông tin về các ca bệnh tiêu chảy cấp tại TP. Hồ Chí Minh, đồng loạt cả dự phòng, điều trị và an toàn thực phẩm đều vào cuộc. Theo ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện nay đang là tháng cao điểm mùa hè nắng nóng, bão lụt trong khi đó thực hiện vệ sinh môi trường ở nhiều nơi còn hạn chế chính là điều kiện khiến dịch bệnh có nguy cơ xảy ra, đặc biệt bệnh tiêu chảy cấp

Để chủ động phòng, chống và điều trị hiệu quả bệnh tiêu chảy cấp, hạn chế tỷ lệ tử vong thấp nhất, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, y tế các Bộ, ngành chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đơn vị KCB trực thuộc khẩn trương thực hiện việc bảo đảm đủ nguồn nước sạch sinh hoạt, điều kiện vệ sinh cho người bệnh, người nhà người bệnh như nhà vệ sinh, xà phòng rửa tay, nơi rửa tay... tại cơ sở KCB.

Tăng cường giáo dục, kiểm tra giám sát vệ sinh dịch vụ ăn, uống trong cơ sở KCB. Cũng theo yêu cầu của Bộ Y tế, các cơ sở KCB tổ chức tốt việc tiếp đón, thu dung, chẩn đoán, phân loại, cách ly, điều trị, cấp cứu kịp thời, chuyển các trường hợp tiêu chảy cấp đúng tuyến; Dự trù thuốc cấp cứu thuốc điều trị, dịch truyền và các trang thiết bị y tế cần thiết để sẵn sàng cấp cứu, điều trị bệnh tiêu chảy cấp...

Bên cạnh đó, các cơ sở KCB cần tổ chức tập huấn lại cho bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên tại khoa, phòng, đơn vị liên quan như khoa khám bệnh, khoa cấp cứu, khoa hồi sức tích cực, khoa nội, khoa nhi, khoa xét nghiệm phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, trạm y tế xã, y tế tư nhân... về các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh tiêu chảy cấp do các nguyên nhân khác nhau đã được Bộ Y tế ban hành...

Liên quan đến bệnh tiêu chảy cấp, Cục Y tế dự phòng, Cục ATTP - Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đảm bảo ATVSTP, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã; Sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, đặc biệt trong chế biến thực phẩm

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; Mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng; Khi có dấu hiệu tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời. 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật