Phòng bệnh cho trẻ em vào mùa mưa, các mẹ phòng tránh cho con

Thời tiết từ mùa nóng sang mùa mưa, độ ẩm trong không khí thay đổi thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho virút, vi khuẩn, vi nấm gây bệnh phát triển.

Điều này kết hợp với hệ thống miễn dịch của trẻ em chưa hoàn chỉnh, khiến trẻ em dễ mắc các bệnh như: viêm đường hô hấp trên bệnh tay chân miệng bệnh ngoài da sốt xuất huyết

Phòng bệnh viêm đường hô hấp trên

Vào mùa mưa khí hậu lạnh là yếu tố chính tạo điều thuận lợi cho virút và vi khuẩn phát triển. Trong đó, các virút là nguyên nhân chủ yếu gây nên viêm đường hô hấp trên gồm: Influenza, Parainfluenza, Adeno, Rhino, Entero, Corona...; do các vi khuẩn: phế cầu, liên cầu trùng nhóm A…

Các bậc cha mẹ cần có giải pháp phòng bệnh cho trẻ bằng cách: vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý; giữ ấm cổ cho bé khi ngủ tránh nhiễm lạnh; giữ nhà cửa luôn thông thoáng, sạch sẽ; người lớn khi tiếp xúc với trẻ thì phải rửa tay thật sạch bằng xà phòng sát khuẩn; không nên mở rộng ngay cửa sổ, cửa phòng lúc sáng sớm vì gió sáng lạnh; luôn trang bị khẩu trang cho trẻ khi ra đường, cần dùng khăn hoặc tay che miệng khi ho, hắt hơi; hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người trong mùa dịch bệnh; hạn chế cho trẻ ra ngoài đường khi trời mưa.

Phòng bệnh tay chân miệng

Virút gây bệnh xảy ra quanh năm nhưng có xu hướng tăng mạnh vào tháng 5 và 9 hàng năm, bệnh gặp nhiều nhất ở trẻ từ 3 - 5 tuổi. Bệnh thường bùng phát nhà trẻ, trường học hay nơi sinh hoạt tập thể. Hiện nay vẫn chưa có vắcxin đặc hiệu để phòng bệnh, cho nên cần thực hiện tốt các biện pháp để phòng bệnh.

Đối với bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa: thực hiện ăn chính uống sôi, thường xuyên rửa tay - chân bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, trước khi ăn và sau khi đi tiêu. Nếu có chăm sóc trẻ thì cần lưu ý rửa tay sau mỗi lần thay tã, làm vệ sinh cho trẻ, rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng, rồi khử trùng bằng cloramin B 5%, đeo khẩu trang mũi miệng khi hắt hơi hoặc ho, cách ly người bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh, thường ít nhất là 7 ngày.

Tránh các tiếp xúc thân mật với người bệnh, không dùng chung dụng cụ. Không nên cho trẻ bị bệnh đến trường hay các nơi công cộng, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, che miệng, mũi khi ho hay hắt hơi cho bé ở chỗ thoáng mát, sạch sẽ, là việc làm không thể thiếu để giúp trẻ thoát khỏi sự lây truyền của bệnh.

Phòng bệnh ngoài da

Mùa mưa, trẻ thường gặp bệnh viêm da mủ viêm nang lông bệnh viêm kẽ.

Với bệnh viêm da mủ, thường gặp ở trẻ em có điều kiện vệ sinh kém ăn uống thiếu chất sức đề kháng yếu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Triệu chứng thường là những mụn nước mụn mủ trên da, tập trung ở vùng hở, tay chân, khi dập vỡ tạo vết trợt loét nông, trên có vảy màu vàng hoặc màu hơi nâu, xung quanh có viền vảy hoặc quầng đỏ.

Để đối phó với bệnh này cần giữ vệ sạch sẽ, tránh cho trẻ tiếp xúc với ẩm ướt kéo dài, cần phải rửa sạch bằng xà phòng, lau khô da; khi có biểu hiện bệnh lý cần sát khuẩn da bằng dung dịch xanh methylen; khi các sang thương đã khô thì dùng Fucidin hay Bactroban…

Bệnh mày đay, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do khí hậu lạnh, xuất hiện nhiều khi thời tiết thay đổi khi ra gió hay lúc trời mưa, khí hậu lạnh và nước mưa thấm vào người, bé cũng dễ bị nổi mề đay. Khi đó, trên da người bệnh sẽ nổi sẩn, mảng cứng có màu hơi hồng, kích thước thay đổi từ một đến vài centimet và nổi ở bất kỳ vị trí nào trong người, nhất là ở những nơi hở ra ngoài như: tay, chân, mặt, kèm theo ngứa dữ dội.

Khi bị nổi mề đay, cần giữ ấm cho trẻ, tránh ra ngoài trời khi đang mưa, gió, đồng thời sử dụng những thuốc chữa mề đay dạng xirô như thuốc Aerius, dùng với liều trẻ từ 1 - 5 tuổi uống 2,5ml, ngày một lần duy nhất, trẻ từ 6 - 11 tháng tuổi uống 2ml uống 1 lần trong ngày; trẻ em trên 12 tuổi thì uống 1 viên 5mg dùng lần duy nhất trong ngày như người lớn.

Phòng bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do siêu vi Dengue gây ra; bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường rộ lên vào đầu mùa mưa và có thể trở thành dịch, diễn tiến nặng bất ngờ, gây tử vong cao nếu không điều trị kịp thời. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến là trẻ em từ 1 - 15 tuổi, nhiều nhất là lứa tuổi 5 - 9 tuổi, trẻ dưới 12 tháng tuổi cũng có thể mắc bệnh.

Hiện nay vẫn chưa có thuốc phòng và đặc trị sốt xuất huyết nên việc phòng bệnh có ý nghĩa hết sức to lớn. Không tạo điều kiện cho muỗi chích như cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày; không để trẻ ở nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp; sử dụng nhang muỗi, thuốc xịt muỗi, vợt điện, thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ mọi lúc, cả ngày lẫn đêm.

Triệt tận gốc muỗi và lăng quăng như: đậy kín các lu, hũ, bể chứa nước, không tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ, thoáng mát, không treo quần áo làm chỗ cho muối trú đậu; thay nước bình bông mỗi ngày, đổ dầu hôi hoặc pha nhiều muối vào chén nước chống kiến ở chân tủ thức ăn để triệt nơi sinh sản của muỗi.

Phát quang bụi rậm quanh nhà; dọn dẹp và khơi thông cống rãnh, không xả rác xuống kênh rạch. Cần phun thuốc diệt muỗi ở từng nhà trong bán kính 250m tính từ nhà có ca bệnh để tránh muỗi vằn tiếp tục truyền bệnh; khi vào đầu mùa mưa cần xịt thuốc chống, xua đuổi muỗi.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật