Mụn trứng cá: Những giải pháp đối phó hiệu quả nhất

Làn da mịn màng, sáng đẹp là niềm mơ ước của tất cả mọi người, nhất là với phụ nữ trẻ. Mụn trứng cá xuất hiện trên mặt hay cơ thể gây phiền toái, lo lắng cho không ít người. Làm thế nào để hạn chế tối đa sự xuất hiện của mụn cũng như những giải pháp đối phó hiệu quả để trứng cá không còn là nỗi ám ảnh?

Bệnh trứng cá là một bệnh ngoài da phổ biến ở lứa tuổi dậy thì ở cả nam và nữ. Trên da mặt lưng và nhiều khi ở cả vùng ngực xuất hiện những mụn cám mụn bọc có màu thâm đen và trắng kèm theo da bóng nhẫy do tiết quá nhiều chất nhờn. Bệnh trứng cá không lây cho người khác nhưng trên cùng một cơ thể mụn trứng cá có khả năng lây từ vị trí này lan sang vị trí khác (từ lưng, mặt có thể lan ra bụng, ngực, cánh tay, bả vai).

Bệnh của tuổi dậy thì

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh trứng cá nhưng có 3 loại chính sau đây: do tăng tiết mồ hôi diễn ra lúc dậy thì liên quan đến rối loạn nội tiết tố; do ứ đọng bã nhờn tạo thành nhân trứng cá và do vi khuẩn kết hợp gây viêm nhiễm làm tăng thêm sự ứ đọng của bã nhờn. Các loại vi khuẩn gây bệnh trứng cá là propionebacterium acne, staphylococcus epidermidis, pityrosporum...

Vào lúc tuổi dậy thì, các chất nội tiết tố sinh dục được tiết nhiều. Trong số các chất nội tiết thì androgen đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành mụn trứng cá Androgen được tiết ra nhiều sẽ gắn vào các thụ thể đặc hiệu của chúng có trên bề mặt các tế bào tuyến bã. Sự gắn kết này sẽ kích thích tuyến bã phát triển về kích thước và tăng bài tiết chất bã nhờn. Vì vậy, thường thì da chỉ trở nên nhờn và có mụn vào tuổi dậy thì.

Các tuyến bã nằm ở trung bì và có phần ống đổ các chất tiết của chúng vào cổ nang lông. Song song với hiện tượng tăng tiết chất nhờn thì còn có sự bất thường về quá trình sừng hóa. Các tế bào sừng hoá tăng về số lượng và chúng dính lại với nhau làm hẹp lòng nang lông và bít tắc ở phía lỗ nang lông. Sự bít tắc lỗ nang lông tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn P.acne sinh sôi phát triển. Vi khuẩn này chuyển hóa các axit béo tự do có trong chất  bã ứ đọng ở nang lông làm xuất hiện các chất trung gian gây viêm.

Các chất trung gian gây viêm có tác dụng hoạt hóa các tế bào viêm, vì thế, phản ứng viêm hình thành và tạo nên mụn trứng cá Nếu viêm nhẹ thì biểu hiện là các mụn nhân màu trắng ngà hoặc màu đen: mụn nhỏ sắp xếp rải rác và ưu tiên ở vùng da có nhiều tuyến bã nhờn: trán, mũi, cạnh mũi, cằm. Nếu viêm nhiều thì tổn thương là các sẩn nổi cao hơn mặt da kích thước từ 0,3 - 0,5cm, đôi khi to đến 1cm. Nếu có bội nhiễm thì có mủ trắng.

Những giải pháp trị bệnh hiệu quả

Quan trọng đầu tiên là tuyệt đối tránh tự ý bóp nặn vì sẽ gây dập nát vùng da bị mụn và bội nhiễm diện rộng, việc điều trị sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều, lâu dài gây sẹo lồi sẹo lõm. Nhất là những vùng nhạy cảm như mũi, nguy cơ mắc bệnh mũi đỏ là rất cao.

Việc cần làm tiếp theo là đi khám bệnh để được chẩn đoán chắc chắn và có lời khuyên thích đáng của chuyên gia có kinh nghiệm trong điều trị bệnh trứng cá. Bệnh trứng cá là một bệnh ngoài da mà da của mỗi người lại thường có sự nhạy cảm khác nhau, vì vậy, có khi cùng một phương pháp nhưng có tác dụng rất tốt đối với người này nhưng với người khác thì không tác dụng, hoặc tác dụng chậm hơn rất nhiều.

Một điều cần lưu ý nữa là không nên tự mua thuốc nội tiết tố để điều trị khi chưa có chỉ định của chuyên gia vì thuốc nội tiết tố có nhiều loại khác nhau, cơ chế tác dụng cũng không giống nhau. Người ta hay gọi thuốc nội tiết tố là con dao 2 lưỡi, tốt khi chỉ định đúng bệnh, không tốt khi dùng sai không đúng chỉ định. Tuyệt đối không tự dùng thuốc điều trị có corticoid (thuốc uống, thuốc bôi) khi chưa có chỉ định của chuyên gia.

Một đặc điểm nữa của người bị bệnh trứng cá là da thường bị nhờn do tăng tiết của tuyến bã. Đây là một điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn hoạt động và phát triển. Nên việc vệ sinh da mặt thường xuyên bằng nước lã hoặc sữa rửa mặt dạng dịu nhẹ như cetaphin là rất quan trọng nhằm giảm tiết chất nhờn, hạn chế tình trạng mụn gia tăng và giúp da được “thở”.

Khi ra ngoài đường phải đội mũ, đeo khẩu trang để tránh bụi bẩn bám vào. Khi bị mụn nhiều, nên tránh hoặc hạn chế trang điểm để cho lỗ nang lông được thông thoáng.

Phải uống nhiều nước, từ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày. Kiêng các chất kích thích như ớt hạt tiêu. Hạn chế ăn thức ăn rán, mỡ. Tăng ăn rau xanh, quả tươi, thức ăn luộc, nấu.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật