Các phương pháp giúp trẻ nhỏ tránh bị ngộ độc đáng tiếc

Các chất độc trong gia đình có thể là thuốc, các hóa chất (tẩy rửa, đánh bóng, lau chùi, xà phòng, dầu gội, chất tẩy, chất khử mùi, mỹ phẩm, hóa chất diệt côn trùng, diệt cỏ, diệt nấm, bả chuột,…), xăng, dầu, cồn, ắc quy, cây cỏ, nấm, động vật (nhện, rắn, côn trùng).

Thuốc

Để thuốc xa tầm tay của trẻ, không để trẻ nhìn thấy, ở các vị trí an toàn và khóa lại.

Không dùng dụng cụ đựng thức ăn đồ uống như vỏ chai nước, để đựng thuốc. Đồ chứa đựng thuốc cần phải dán nhãn mác rõ ràng. Khi sử dụng phải ở nơi đủ ánh sáng. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng.  

Để thực phẩm xa các loại thuốc và ở các vị trí riêng biệt để tránh dùng nhầm.

Nếu sức khỏe của trẻ có biểu hiện bất thường thì đưa trẻ đi khám bệnh, không tự dùng thuốc

Các thuốc y học cổ truyền cũng có nhiều độc tính phức tạp và chỉ được các bác sĩ, lương y đã được cấp giấy phép chỉ định sử dụng thực phẩm chức năng cũng có các tác dụng có hại giống như thuốc và bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ, dược sỹ trước khi dùng.

Không được chia sẻ thuốc cho người thứ hai. Một đơn thuốc chỉ được dùng cho người bệnh theo đúng thời hạn căn cứ ghi theo đơn. Thuốc được kê đơn chỉ phù hợp với duy nhất bệnh nhân được kê đơn và tình trạng bệnh của chính người đó.

Tránh dùng thuốc trước mặt trẻ em vì trẻ thường bắt trước người lớn.

Không để trẻ nhỏ tự uống thuốc Không gọi thuốc là “kẹo”.

Hóa chất

Để hoá chất xa tầm tay với của trẻ, không để trẻ nhìn thấy, ở các vị trí an toàn và khóa lại.

Không dùng dụng cụ đựng thức ăn đồ uống như vỏ chai nước, để đựng hóa chất Đồ chứa đựng hoá chất cần phải dán nhãn mác rõ ràng. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng hoá chất trước khi dùng. Khi sử dụng phải ở nơi có đủ ánh sáng.

Để thực phẩm xa các hoá chất và ở các vị trí riêng biệt để tránh dùng nhầm.

Cẩn thận khi tẩm thuốc diệt chuột vào thực phẩm để làm bả chuột. Không đặt bả chuột ở nơi trẻ có thể nhìn thấy và nhặt ăn.

Không để trẻ chơi một mình ở nơi có nguy cơ bị tai nạn: ví dụ nơi có bả diệt chuột, nơi để thuốc hoặc hoá chất... Không cho trẻ lại gần các khu vực vừa mới được phun các hoá chất. Sử dụng các hóa chất xa ngày thu hoạch nông sản.

Không để bếp than đang cháy, không đốt than, củi, gỗ hoặc chạy các động cơ trong phòng kín. Đưa các lò sản xuất (gạch ngói, gốm,...) và các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất ra khỏi khu dân cư.

Khi dùng các hoá chất trong gia đình hãy bật quạt thông khí và mở rộng cửa sổ.

Khi bạn đang sử dụng hoá chất mà có trẻ ở bên cạnh, nếu có điện thoại gọi thì bạn hãy bế trẻ đi theo để nghe điện thoại, tránh tình trạng trẻ tự ăn, uống hoá chất hoặc gây tai nạn.

Không cho trẻ em chơi đồ chơi không rõ nguồn gốc có thể có sơn chì hoặc hóa chất độc với trẻ.

Cây cỏ, động vật, nấm:

Dạy trẻ không bắt hoặc trêu rắn, kể cả khi rắn đã chết, không phá tổ ong, không tự hái các lá, quả nấm mọc tự nhiên để ăn.

Dạy trẻ không ăn các nấm mốc mọc trong vườn nhà vì các nấm này có thể rất độc. Chú ý vào mùa mưa nấm mọc rất nhiều.

Cần biết tên của các loại cây trong vườn nhà bạn. Dạy trẻ không ăn các lá hoặc quả (loại không ăn được) của các cây mọc trong vườn. Nếu động vật ăn được các lá hoặc quả đó thì cũng không nên nghĩ rằng điều đó là an toàn với người.

Các chú ý khác:

Luôn để trẻ ở vị trí có thể quan sát, theo dõi và tiếp cận ngay được. Không rời xa trẻ dù chỉ trong 1 phút.

Dành thời gian để dạy trẻ nhận biết về các chất độc, đặc biệt các chất độc hay gặp và cách phòng tránh ngộ độc. Dạy trẻ luôn hỏi người lớn trước khi ăn hoặc uống.

Giữ lấy số điện thoại của trung tâm chống độc để khi cần tư vấn có thể liên lạc.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật