Chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân: Việc làm không thể bỏ qua!

Nhiều người cho rằng chăm sóc sức khỏe sinh sản là việc làm chỉ dành cho những phụ nữ đã lập gia đình. Nhưng trong thực tế, việc chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân là việc làm rất cần thiết, vì nó không chỉ giúp người sắp kết hôn bước vào cuộc sống vợ chồng một cách tự tin, mà còn giúp hạn chế, ngăn ngừa những nguy cơ dị tật, khuyết tật ở con cái, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

“Lỗ hổng” trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản

Trong điều kiện cuộc sống vật chất đầy đủ, cũng như sự đáp ứng ngày càng nhanh, càng cao của thị trường văn hóa phẩm như hiện nay, tuổi trưởng thành đang được “trẻ hóa”. Còn tuổi kết hôn trung bình đang ngày càng cao hơn, khoảng thời gian tiền hôn nhân kéo dài lại chính là nguyên nhân của tình trạng nạo hút thai và số người lây nhiễm bệnh qua đường tình dục HIV/AIDS tăng cao.

Tuy nhiên, việc chủ động tìm hiểu các vấn đề sức khoẻ sinh sản (SKSS) và chăm sóc SKSS tiền hôn nhân còn rất hạn chế. Lý do chính của tình trạng này là tâm lý ngại ngùng trước các vấn đề được xem là tế nhị, hoặc không có sự đồng nhất tư tưởng giữa người nam và người nữ. Hầu hết mọi người chưa nhận thức được sự cần thiết và lợi ích của việc chăm sóc SKSS tiền hôn nhân và đây cũng được coi là lỗ hổng lớn của công tác tuyên truyền, giáo dục trong lĩnh vực này.

Hạn chế được tỷ lệ mắc các bệnh di truyền…

Nhiều dị tật bẩm sinh hay bệnh tật của con cái thường có thể là do di truyền của bố mẹ chúng để lại. Qua nghiên cứu di truyền cho thấy trong số các trường hợp dị tật bẩm sinh có khoảng 5% do đột biến gen di truyền, 5% do bất thường của nhiễm sắc thể 90% do đa yếu tố.

Hội chứng Down là hội chứng thường gặp nhất trong các bất thường về nhiễm sắc thể và nó có tần suất xuất hiện xấp xỉ 1/700 trẻ sơ sinh Nó thường hay gặp hơn ở con cái các bà mẹ lớn tuổi.

Hay bệnh huyết tán bẩm sinh (Thalassemia) cũng là loại bệnh di truyền do biến đổi gen từ nhiều thế hệ trước, không hoặc rất ít đột biến mới. Người bị bệnh nặng khi kết hợp 2 gen bệnh của bố và mẹ (có gen bệnh trên cả hai nhiễm sắc thể). Có nghĩa điều này xảy ra khi cả hai cha mẹ đều là người mang gen bệnh. 

Một gia đình dòng họ mang gen bệnh có thể là lặn qua nhiều đời (vì không kết hôn với người mang cùng gen bệnh). Chỉ đến khi hai người cùng mang gen bệnh kết hôn với nhau thì khả năng con bị bệnh là 25%. Bệnh nhân mắc bệnh này bị thiếu máu nặng cần phải điều trị truyền máu định kỳ, khi có thừa sắt thì điều trị để thải sắt. Nếu không được điều trị đầy đủ thì bệnh nhân sẽ có rất nhiều biến chứng như: biến dạng xương mặt sạm da gan lách to suy tim gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người bệnh không cao. Chi phí khám chữa bệnh cũng gây gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Do sự thiếu hiểu biết về kiến thức sinh sản,  nhiều cặp vợ chồng đã sinh con bị dị tật không có não thoát vị não, não úng thuỷ bại não dị tật cơ xương... chết ngay khi chào đời không phải hiếm, còn những đứa trẻ bị sứt môi hở hàm ếch, dị tật tứ chi, dị tật bộ phận sinh dục... dù sống được nhưng nỗi khổ vẫn đeo đẳng bản thân đứa trẻ, gia đình và xã hội suốt đời.

… và các bệnh lây nhiễm

Mỗi năm Bệnh viện Phụ sản Trung ương phát hiện khoảng gần 100 sản phụ nhiễm HIV, phần lớn khi đến đây họ mới biết mình mắc bệnh. Và dĩ nhiên, họ cũng giống như bao người vợ khác, trước khi kết hôn đều không kiểm tra sức khoẻ và không biết rõ về thể trạng sức khoẻ của bạn đời.

Khi khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, những người có HIV cũng sẽ được tư vấn áp dụng các biện pháp tránh thai nào, nếu muốn sinh con cần phải làm gì... để tạo điều kiện tốt nhất giảm thiểu tối đa những hậu quả có thể để lại cho thế hệ sau. Ví dụ, người phụ nữ nhiễm HIV sinh con thì tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con khoảng trên 30% (cứ 3 người mẹ nhiễm HIV sẽ có 1 trường hợp sinh con ra nhiễm căn bệnh này). Nếu được tư vấn, chăm sóc, điều trị tốt có thể giảm tỉ lệ này xuống dưới 10%, thậm chí có thể dưới 2%...

Bệnh viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con là chủ yếu. Khi phụ nữ mang thai bị nhiễm virut viêm gan b có thể truyền sang bào thai. Trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ thì tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 1%, nếu mẹ bị bệnh ở 3 tháng giữa của thai kỳ thì tỷ lệ lây nhiễm sang con là 10% và sẽ tăng cao tỷ lệ lây nhiễm sang con tới 60 - 70% nếu mẹ bị mắc bệnh ở 3 tháng cuối của thai kỳ.

Nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi có thể lên tới 90% nếu không có biện pháp bảo vệ ngay sau khi sinh, 50% số trẻ này sẽ bị viêm gan mạn tính và có nguy cơ bị xơ gan lúc trưởng thành.

Giữ gìn hạnh phúc gia đình

Cũng không ít trường hợp vì thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản mà tình cảm vợ chồng rạn nứt, kéo theo ảnh hưởng đến các yếu tố khác như kinh tế sức khỏe tâm lý… lâu dài đe dọa hạnh phúc gia đình; sâu rộng sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội. Điều đáng nói là phần lớn những rắc rối ấy, có thể dự phòng nhằm tránh hoặc giảm nhẹ rủi ro nếu người nam và người nữ được hướng dẫn và chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân tốt.

Việc chuẩn bị kiến thức, tâm lý cho cuộc sống tình dục vợ chồng sẽ khắc phục tối đa những lo lắng, sợ hãi rối loạn cảm xúc không thỏa mãn hay nghi ngờ lẫn nhau hiểu rõ được những đặc tính của giới và tránh lây nhiễm cho nhau những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục Sự hiểu biết và thực hiện những biện pháp sinh đẻ có kế hoạch không chỉ giúp kiểm soát được số con, khoảng cách giữa các lần sinh mà còn là một biện pháp bảo vệ sức khỏe và hình thức của người phụ nữ, tránh việc mang thai ngoài ý muốn dẫn đến phải nạo phá thai

Và, những kiến thức về việc dự phòng bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho con là hết sức quan trọng. Những bệnh tật ở người cha, người mẹ tương lai có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi cần phải được phát hiện và điều trị sớm, thậm chí nếu không thể khắc phục thì cũng cần đề xuất một biện pháp là không nên sinh con nhằm tránh sinh ra những đứa trẻ dị tật, thiểu năng vừa là một nỗi đau của gia đình vừa trở thành gánh nặng của xã hội.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật